Thứ Bảy, 04/09/2021, 08:22 (GMT+7)
.

Huyện Chợ Gạo: Hướng đến phát triển bền vững cây dừa

Dừa được xác định là cây trồng quan trọng cung cấp nguồn nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Do đặc tính chịu hạn tốt, trồng dừa và chế biến các sản phẩm từ dừa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) có 6.850 ha dừa, trong đó diện tích cho trái 6.002  ha. Trên địa bàn huyện đã hình thành 2 khu vực trồng dừa tập trung là trồng dừa uống nước tại các xã Hòa Tịnh, Phú Kiết, Lương Hòa Lạc, Thanh Bình...; trồng dừa lấy dầu tại các xã Hòa Định, Xuân Đông, Bình Ninh, An Thạnh Thủy. Năng suất cho trái của dừa bình quân đạt 8,33 tấn/ha, sản lượng 47.411 tấn/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3 đến 5 lần so với trồng lúa.

Ngoài việc cho trái mang lại nguồn thu hằng tháng, cây dừa tạo ra việc làm cho lao động địa phương, từ việc thu hoạch, vận chuyển, sơ chế.... Hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cũng như nhiều yếu tố khác, giá dừa giảm so với thời điểm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo nhiều nhà vườn, nếu giá khoảng 60.000 đến 75.000 đồng/chục 12 trái, nhà vườn chịu khó đầu tư chăm sóc vẫn có thu nhập ổn định.

Ông Phạm Minh Tuấn (ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Định) trồng 1 ha dừa lấy dầu cho biết, so với thời điểm này năm trước dừa cho ít trái hơn. Mặt khác, do ảnh hưởng dịch bệnh nên giá dừa có giảm so với thời điểm Tết Nguyên đán. Dù vậy, ông rất mừng khi nghe được thông tin huyện sắp có nhà máy chế biến dừa ở xã Bình Ninh, bởi khi có nơi tiêu thụ dừa ổn định, nhà vườn sẽ nâng cao được thu nhập, yên tâm đầu tư chăm sóc cây trồng này.

Thực tế cũng cho thấy, bên cạnh chịu tác động từ thị trường, thời gian qua hiệu quả kinh tế từ cây dừa mang lại chưa cao còn là do nhiều hộ dân chưa thật sự đầu tư, chăm sóc cây dừa; vườn dừa tạp, trồng dừa dày, dừa lão còn nhiều; thiếu quan tâm tới chất lượng giống dừa.

Để phát triển cây dừa theo hướng tăng năng suất, chất lượng, huyện đã kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ dừa, với vốn đầu tư trên 460 tỷ đồng ở xã Bình Ninh. Đồng thời, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân mạnh dạn thay những vườn dừa già cỗi bằng những vườn dừa mới với các giống dừa cho năng suất cao; đồng thời, hướng đến phát triển cây dừa sạch, an toàn và các sản phẩm chế biến sâu từ dừa.

Quan tâm đến việc phát triển bền vững cây dừa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND xã Bình Ninh đã tiến hành khảo sát và hướng dẫn cho người dân các biện pháp để phòng trừ sâu gây hại trên dừa. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Công ty Tân Thành và các đơn vị có liên quan phát thuốc và hướng dẫn kỹ thuật, giám sát người dân phun xịt phòng trừ bệnh sâu đầu đen hại dừa.

Bên cạnh đó, thời gian qua, trước tình trạng bọ cánh cứng hại dừa làm ảnh hưởng đến năng suất dừa, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo tổ chức nhiều đợt thả ong ký sinh bọ cánh cứng hại dừa tại các điểm có diện tích vườn dừa lớn như các xã An Thạnh Thủy, Bình Ninh, Xuân Đông. Việc thả ong ký sinh là giải pháp sinh học hiệu quả hiện nay để đối phó với bọ cánh cứng hại dừa, vừa bảo vệ vườn dừa vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Hiện nay, huyện Chợ Gạo có diện tích dừa công nghiệp khoảng 4.000 ha. Huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn xây dựng đề án nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của cây dừa gắn với công nghiệp chế biến; yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm đến phát triển bền vững cây dừa trên địa bàn huyện.

NGỌC DUYÊN

.
.
.