Thứ Tư, 06/10/2021, 09:27 (GMT+7)
.
"BÃO" SARS-CoV-2 VÀ CÁC ĐÒN BẨY PHỤC HỒI

BÀI 3: Thay đổi để thích ứng

BÀI 1: "Càn quét" khốc liệt

BÀI 2: "Đứt gãy" chuỗi cung ứng

“Bão” SARS-CoV-2 dần đi qua, bên cạnh tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, nhất là đối với hoạt động sản xuất, thương mại, nhưng đây cũng là dịp để nhìn nhận lại và chuyển đổi các phương thức kinh doanh phù hợp và thích ứng hơn.

Chuỗi cung ứng, sản xuất, tiêu thụ nông sản được xem là chịu tác động lớn khi “bão” SARS-CoV-2 quét qua, buộc phải thay đổi nhanh để thích ứng. Đánh giá tổng thể về phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Quyền Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết:

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, việc tiêu thụ nông sản tỉnh Tiền Giang có nhiều phương thức mới phù hợp với bối cảnh nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam và TP. Hồ Chí Minh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Sở Công thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, nông dân kết nối cung - cầu, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển hàng hóa trong tỉnh và ra vào TP. Hồ Chí Minh.

Đồng chí Đặng Văn Tuấn (phải) kiểm tra các đơn vị kinh doanh trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.  	                                                                                                                                                                                                                                             Ảnh: Tuấn Lâm
Đồng chí Đặng Văn Tuấn (bên phải) kiểm tra các đơn vị kinh doanh trong thời gian tỉnh Tiền Giang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Tuấn Lâm

* Phóng viên (PV): Kết quả đạt được cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Đặng Văn Tuấn: Thời gian qua, một trong những đổi mới phương thức kinh doanh là thực hiện theo hình thức kết nối, cung cấp combo rau quả qua kênh nhận đơn trực tuyến, qua điện thoại và nhiều hình thức khác. Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã kết nối, cung cấp combo rau, củ, quả và các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản cho TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, với 3 HTX cung cấp 49.859 combo; trong đó HTX Hưng Thịnh Phát với 9.461 combo, HTX Mỹ Phong với 37.398 combo, HTX Thành Công với 3.000 combo; giá trị mỗi combo từ 80.000 - 400.000 đồng.

Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng thường xuyên giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cung ứng nông sản đến Sở Công thương các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp, siêu thị thông qua nhóm Zalo. Theo đó, nhóm sản phẩm rau, củ đã kết nối các doanh nghiệp, HTX với hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng như Bách Hóa Xanh, Vinmart+... với sản lượng khoảng 230 tấn; trái cây khoảng 45 tấn; kết nối đến các công ty tiêu thụ 3 tấn gà thịt, 2 triệu trứng cút, 420.000 trứng gà và khoảng 22 tấn thủy sản các loại.

Cùng với đó, ngành Công thương cũng đưa thông tin sản phẩm của 162 doanh nghiệp lên mục kết nối cung cầu Sàn Giao dịch điện tử của tỉnh; hỗ trợ kết nối 50 doanh nghiệp giới thiệu mua bán sản phẩm trên các Sàn Giao dịch điện tử như: Sendo, Shopee…

Trong quá trình liên kết, cung ứng, tiêu thụ nông sản, các bên liên quan đã tận dụng tối đa lợi ích của thương mại điện tử, mạng xã hội, các kênh thông tin trực tuyến nhằm đưa thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất đến các bên để đẩy nhanh tiến độ ra quyết định mua, bán. Nhờ vậy, một phần nào lượng nông sản của người dân được tiêu thụ trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19; đồng thời, đưa sản phẩm nông sản phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng dịch bệnh.

Tuy nhiên, nhìn chung trong thời gian qua tình hình tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn còn chậm so với thời gian trước giãn cách xã hội. Hoạt động sản xuất chế biến, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng nông sản.

* PV: Việc đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản trong thời gian tới nhằm hướng đến mục tiêu gì?

* Đồng chí Đặng Văn Tuấn: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, có khả năng tác động lâu dài đến nền kinh tế thế giới. Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 có thể thúc đẩy phương thức quản trị, cách thức hoạt động kinh tế đổi mới và phát triển mạnh mẽ kinh tế số, hoạt động thương mại bị thay đổi bởi tiến bộ công nghệ. 

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu. Từ đó, lĩnh vực kinh doanh dựa trên nền tảng số có điều kiện để phát triển nhanh hơn.

Việc đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh hỗ trợ liên kết sản xuất gắn tiêu thụ và chế biến nông sản thông qua các kênh tiêu thụ trực tuyến; đồng thời, kế thừa những điểm mạnh của các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản hiện có, giảm lượng nông sản tiêu thụ thông qua kênh tiêu thụ nông sản truyền thống (không liên kết) và tăng lượng nông sản tiêu thụ qua kênh liên kết với việc ứng dụng thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc nông sản.

Song song đó, từng bước hiện đại hóa sản xuất, kinh doanh nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, hạn chế việc lệ thuộc vào một số thị trường nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao giá trị nông sản.

* PV: Để đạt được mục tiêu đề ra cần thực hiện các giải pháp gì?

* Đồng chí Đặng Văn Tuấn: Trên cơ sở Quyết định 194 ngày 9-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 272 ngày 21-9-2021 về triển khai thực hiện Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Kế hoạch Khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được UBND tỉnh chính thức ban hành vào ngày 1-10 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh từng bước tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với an toàn phòng, chống dịch.

Kế hoạch được chia ra làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ  ngày 1-10 đến 31-10 (tập trung cho công tác phòng, chống dịch và từng bước phục hồi một số hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp); giai đoạn 2 từ ngày 1-11 đến 31-12 (chuyển từ “nguy cơ” sang “bình thường mới”) và giai đoạn 3 bắt đầu từ ngày 1-1-2022 (tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ổn định và bước vào giai đoạn bình thường mới). Mỗi giai đoạn đều quy định cụ thể về đối tượng, quy mô áp dụng, nhất là điều kiện đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch Covid-19.

Trước hết là tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong việc đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đã cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) xây dựng Đề án “Ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối tiêu thụ và chế biến trái cây chủ lực của tỉnh Tiền Giang (giai đoạn 1)”, dự kiến cuối năm 2021 Đề án xây dựng xong giai đoạn 1. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, Sở Công thương hỗ trợ xây dựng 2 Dự án kênh tiêu thụ nông sản với chủ thể chính trong kênh là các doanh nghiệp, HTX kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại và 3 Dự án xây dựng kho trữ nông sản có sự tham gia của doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh.

Song song đó, Sở thực hiện triển khai nhiệm vụ thuộc các đề án do Bộ Công thương chủ trì đối với các dự án có triển khai trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở cũng tiếp tục đưa thông tin sản phẩm của doanh nghiệp lên Sàn Giao dịch điện tử tỉnh và kết nối giới thiệu mua bán sản phẩm trên các Sàn Giao dịch điện tử như: Sendo, Shopee…

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH (thực hiện)
(còn tiếp)

.
.
.