Thứ Bảy, 09/10/2021, 08:43 (GMT+7)
.

Châu thổ Cửu Long hướng đến nền nông nghiệp xanh

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Ðông 2, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp áp dụng máy cấy lúa trong sản xuất. Ảnh: HỮU NGHĨA
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Ðông 2, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp áp dụng máy cấy lúa trong sản xuất. Ảnh: HỮU NGHĨA

Hằng năm, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đóng góp cho cả nước khoảng 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Các tỉnh trong vùng đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản bảo đảm điều kiện xuất khẩu còn hạn chế bởi chưa có nhiều nông sản sạch theo xu hướng thị trường toàn cầu.

Nhìn thấy những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp, gần đây các tỉnh vùng ÐBSCL đã bắt đầu thay đổi trong tư duy, tập trung nâng cao chất lượng để đưa ra thị trường những nông sản xanh, sạch, an toàn sức khỏe, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Thế mạnh tôm sinh thái, lúa hữu cơ

Tỉnh Cà Mau hiện có gần 35.000 ha nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, tập trung tại hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, trong đó, hơn 22.000 ha đã được công nhận nuôi tôm sinh thái với gần 5.000 hộ nuôi. Ðây cũng là nơi duy nhất trong cả nước được chứng nhận tôm nuôi hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế (Nanurland) với gần 7.000 ha ở huyện Ngọc Hiển, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, Trần Hoàng Lạc cho biết, huyện đã xây dựng được ba xã trọng điểm về nuôi tôm sinh thái là Viên An, Viên An Ðông và Ðất Mũi. Trong đó, Viên An Ðông có 500 hộ nuôi tôm sinh thái đầu tiên đạt chuẩn xanh của tổ chức Seafood Watch (Mỹ). Mô hình này đã mở ra cơ hội mới để người nuôi tôm Ngọc Hiển bứt phá đi lên, tạo nguồn nguyên liệu tôm hữu cơ cho thị trường xuất khẩu, góp phần nâng cao vị thế, giá trị kinh tế và khẳng định uy tín tôm sạch Cà Mau trên thương trường quốc tế.

Ba năm qua, gia đình bà Trương Thị Kiều Diễm, ngụ xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau vẫn duy trì mô hình tôm sinh thái và lúa hữu cơ. Vụ mùa năm 2020, 4 ha đất bà Diễm thu hơn 100 triệu đồng. Vụ năm nay, thời tiết thuận lợi, cả tôm và lúa đang phát triển tốt. Bà Diễm cho biết: “Nuôi tôm và trồng lúa trên một cánh đồng theo hướng sinh thái và hữu cơ phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt, đặc biệt là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho lúa vì sẽ làm chết tôm, cũng không  được sử dụng thuốc trị bệnh cho tôm vì sẽ chết lúa. Ðổi lại, sản phẩm sạch được bao tiêu toàn bộ đầu ra với giá cao hơn nhiều so với mức giá chung trên thị trường”.

Tôm sinh thái, lúa hữu cơ là hai nhóm hàng nằm trong đề án cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh Cà Mau, đang được ngành chức năng địa phương vun bồi, mở rộng, phát triển. Trong đó, diện tích canh tác lúa - tôm của tỉnh hiện hơn 40.000 ha, khoảng một nửa trong số đó tập trung trên địa bàn huyện Thới Bình. Sau nhiều năm gây dựng, huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận 10.000 ha mô hình canh tác “lúa sạch Thới Bình”. Ðịa phương này đang xây dựng vùng lúa - tôm đặc sản an toàn, lúa - tôm chất lượng cao, lúa - tôm hữu cơ với tổng quy mô khoảng hơn 3.500 ha, tập trung ở các xã Trí Phải, Trí Lực, Thới Bình, Biển Bạch Ðông…

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Cà Mau, Nguyễn Trần Thức, trong các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ngành hàng lúa mà Cà Mau tạo dựng, có khoảng 8.500 ha lúa cao sản an toàn, 2.500 ha lúa thơm đặc sản (ST24, ST25, Ðài Thơm 8); lúa - tôm đặc sản (ST24, ST25) khoảng 3.000 ha, khoảng 700 ha lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế USDA, EU, JAS. Trong đó, USDA của Mỹ, EU của châu Âu và JAS của Nhật là ba tiêu chuẩn khắt khe và cao nhất thế giới hiện nay. Khi đạt được ba tiêu chuẩn nêu trên, hạt gạo và nông sản của Cà Mau có thể xuất khẩu qua bất cứ thị trường nào trên thế giới.

Các mô hình nông nghiệp sạch

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, đã xây dựng được hàng chục mô hình an toàn thực phẩm, trong đó đạt chứng nhận VietGAP hơn 260 ha. Hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước có địa chỉ tại ấp Bình Hòa, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ có 66 thành viên chuyên sản xuất chôm chôm trái vụ trên tổng diện tích 42 ha; sản lượng bình quân đạt 840 tấn/năm, năng suất trung bình 20 tấn/ha theo hướng Global GAP.

Ông Phạm Cao Sơn, thành viên hợp tác xã chia sẻ: “Gia đình trồng 7 công chôm chôm theo hướng sinh học, hữu cơ, trừ chi phí, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Sản xuất theo hướng an toàn sinh học chi phí đầu tư cao, nhưng chúng tôi canh tác vì mục tiêu hướng tới nông sản sạch và an toàn cho người tiêu dùng”. Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Ngọc Nhân cho biết: “Ðể  bảo đảm đầu vào và đầu ra của sản phẩm, cán bộ kỹ thuật theo sát hướng dẫn nông dân; kiểm tra và quản lý tốt các khâu sản xuất, thu hoạch và đóng gói. Sản phẩm của các thành viên tham gia vùng trồng đã được cấp mã số…”.

Tại tỉnh Ðồng Tháp, từ năm 2016, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT Ðồng Tháp) được triển khai tại sáu huyện với 23 xã, 41 hợp tác xã và một tổ hợp tác. Dự án bao phủ chuỗi sản xuất lúa gạo, từ tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng, “1 phải, 5 giảm”, xây dựng điểm trình diễn, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hàng hóa thiết bị cho nông dân, kết nối hợp tác xã với doanh nghiệp để hình thành những chuỗi liên kết hoàn chỉnh.

Hợp tác xã Mỹ Ðông 2, xã Mỹ Ðông, huyện Tháp Mười được dự án VnSAT hỗ trợ đã áp dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất lúa theo hướng VietGAP. Cánh đồng mẫu đầu tiên trên địa bàn tỉnh với diện tích 170 ha của hợp tác xã Mỹ Ðông 2 đã ứng dụng hoàn toàn công nghệ hiện đại vào tất cả các khâu sản xuất. Công nghệ đã giúp người nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí về giống, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, giảm khí nhà kính, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.

Nông dân Nguyễn Văn Thuận ngụ ấp 4, xã Mỹ Ðông chia sẻ: “Từ dự án VnSAT, bà con trong hợp tác xã được tập huấn kỹ thuật về canh tác lúa theo hướng VietGAP, áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nên giảm giống, giảm thuốc, giảm phân… ; quan trọng là giảm giá thành, tăng lợi nhuận và tạo ra nông sản sạch”.

Theo chuyên gia nông nghiệp Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân,  nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại vùng ÐBSCL đã mang lại hiệu quả khá tốt như mô hình lúa - tôm ở các tỉnh ven biển, nuôi tôm, cua sinh thái ở Cà Mau, trồng rau thủy canh, dưa hấu trong nhà lưới ở Cần Thơ, Hậu Giang… giúp người dân, địa phương có bước chuyển đổi về sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, an toàn. Tuy nhiên, diện tích, sản lượng các loại nông sản sản xuất theo hướng xanh chiếm tỷ lệ thấp, việc tiêu thụ sản phẩm nhiều lúc chưa ổn định.

Thu hoạch tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn Cà Mau. Ảnh: HỮU TÙNG
Thu hoạch tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn Cà Mau. Ảnh: HỮU TÙNG

Xây dựng nền “nông nghiệp xanh”

Bộ trưởng NN và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, để xây dựng được nền “nông nghiệp xanh”, góp phần tạo ra “tăng trưởng xanh” trong nông nghiệp, cần phải xây dựng một quy hoạch không dựa trên năng suất, sản lượng mà là dựa trên giá trị xanh, sạch gắn với liên kết thị trường. Trong đó đặc biệt lưu ý đến kinh tế nông thôn là các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ… để hình thành “hệ sinh thái kinh tế nông thôn”. Trong phát triển nông nghiệp, cần chuyển từ phát triển theo từng địa giới hành chính sang phát triển dựa trên không gian liên địa phương, liên vùng có cùng ngành hàng. Bên cạnh đó, cần khởi tạo chuyển đổi số một cách phù hợp trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Châu Minh Khôi, Trường đại học Cần Thơ, Nhà nước cần giúp nông dân ứng dụng các  thành tựu, tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất. Ðồng thời nông dân liên kết lại hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo thuận lợi, hiệu quả hơn trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp xanh. Các địa phương cần chủ động quy hoạch lại từng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện tự nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu để chuyển đổi sản xuất xanh gắn với ứng dụng khoa học, kỹ thuật và liên kết lại theo từng chuỗi giá trị ngành hàng để sản xuất và tiêu thụ nông sản xanh bền vững.

“Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ gắn với quy hoạch vùng sản xuất phù hợp điều kiện tự nhiên, sinh thái, môi trường từng vùng, tiểu vùng với từng loại cây trồng, vật nuôi cụ thể làm cơ sở chuyển đổi sang sản xuất xanh...”, Giáo sư, Tiến sĩ  Võ Tòng Xuân đề xuất.

(Theo nhandan.vn)

.
.
.