Thứ Sáu, 29/10/2021, 10:11 (GMT+7)
.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang kiểm tra tình hình sản xuất của hợp tác xã, doanh nghiệp

(ABO) Chiều 28-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng đến kiểm tra tình hình sản xuất tại Hợp tác xã (HTX) Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo) và Công ty TNHH Hữu Biên (huyện Châu Thành).

Đồng chí Phạm Văn Trọng tìm hiểu tình hình sản xuất tại HTX Mỹ Tịnh An.
Đồng chí Phạm Văn Trọng tìm hiểu tình hình sản xuất tại HTX Mỹ Tịnh An.

Hiện HTX Mỹ Tịnh An có khoảng 100 thành viên với diện tích sản xuất 120 ha theo chuẩn GAP.

Thời gian qua, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ nông sản, nhưng HTX vẫn đảm bảo duy trì hoạt động thu mua, xuất khẩu, tạo đầu ra ổn định cho thành viên.

Hiện HTX đã cho thành viên xông đèn xử lý nghịch vụ thanh long để cung ứng cho thị trường vào những tháng cuối năm.

Riêng Công ty TNHH Hữu Biên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh đến nay, doanh nghiệp (DN) duy trì hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”.

Đồng chí Phạm Văn Trọng tìm hiểu tình hình sản xuất tại Công ty TNHH Hữu Biên.
Đồng chí Phạm Văn Trọng tìm hiểu tình hình sản xuất tại Công ty TNHH Hữu Biên.

Sau ngày 1-11, công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương án “3 tại chỗ” với khoảng 200 lao động.

* Trước đó, chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng chủ trì cuộc họp triển khai Công văn 6526 của UBND tỉnh về việc hướng dẫn thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Theo đó, các  DN được lựa chọn, quyết định việc thực hiện và chịu trách nhiệm phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo các phương án sau: Tổ chức cho người lao động đi, về hằng ngày; “3 tại chỗ”; kết hợp “3 tại chỗ” và đi, về hằng ngày.

DN chỉ được hoạt động một trong các phương án trên khi đáp ứng các tiêu chí thể hiện trong phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền thông qua.

Về điều kiện sử dụng lao động, DN sử dụng lao động đã tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 hoặc người đã khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng và cư trú ở vùng cấp độ 1, 2; trường hợp đặc biệt, DN có khó khăn về nhân sự (lao động kỹ thuật, chuyên môn, cán bộ quản lý không có người thay thế) thì cơ quan có thẩm quyền xem xét và chịu trách nhiệm cho phép DN sử dụng lao động đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin qua 14 ngày.

DN được lựa chọn quy mô sử dụng lao động phù hợp với quy mô sản xuất và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Về việc di chuyển của người lao động, người lao động trong nội tỉnh đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch được di chuyển đến nơi làm việc bằng phương tiện cá nhân hoặc bằng phương tiện đưa đón tập trung do DN bố trí, sắp xếp.

Đối với việc di chuyển liên tỉnh, thực hiện di chuyển người lao động bằng phương tiện đưa đón tập trung. Việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân của người lao động sẽ được thực hiện khi có văn bản thông báo của UBND tỉnh Tiền Giang với các tỉnh, thành phố liên quan.

Người lao động trước khi trở lại DN làm việc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ. Đồng thời, thực hiện xét nghiệm tầm soát định kỳ theo quy định của Bộ Y tế.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phạm Văn Trọng cho biết, Công văn 6526 bắt đầu thực hiện từ ngày 1-11-2021. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉnh đã nhận được một số phương án của các DN.

Đồng chí Phạm Văn Trọng đề nghị các DN nên điều chỉnh lại phương án sản xuất, kinh doanh sau khi hướng dẫn này có hiệu lực.

Về công tác phòng, chống dịch, dù tỉnh đã kiểm soát được dịch Covid-19, nhưng các DN cần xem xét, căn cứ vào tình hình chung để lựa chọn mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp…

M. THÀNH

.
.
.