Thứ Bảy, 16/10/2021, 09:43 (GMT+7)
.

Nhiều nông sản giá thấp, tiêu thụ chậm

Dù dịch Covid-19 ở tỉnh Tiền Giang đã cơ bản được kiểm soát, giãn cách xã hội được nới lỏng, nhưng giá nhiều loại nông sản ở tỉnh tiếp tục ở mức thấp. Giá nhiều loại nông sản nằm ở mức thấp, tiêu thụ chậm khiến nhiều nông dân gặp khó.

RAU MÀU, TRÁI CÂY LẠI GẶP KHÓ

Sả là cây trồng chủ lực của huyện Tân Phú Đông với diện tích hơn 1.500 ha. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, việc tiêu thụ sả bị ảnh hưởng dẫn đến giá bán rất thấp. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Cây sả Tân Phú Đông cho biết, hiện sả được các thương lái thu mua với giá dao động từ 1.700 - 1.800 đồng/kg.

Hiện giá sả đang ở mức thấp, tiêu thụ khó.
Hiện giá sả đang ở mức thấp, tiêu thụ khó.

Mức giá này, nông dân lỗ nhiều do công thu hoạch hiện nằm ở mức từ 1.000 - 1.200 đồng/kg, chưa tính tiền vận chuyển. Theo ông Hùng, giá sả giảm sâu cách nay khoảng nửa tháng, trước đó vẫn còn nằm ở mức 2.000 đồng/kg. Giá sả giảm do các công ty và chợ đầu mối tiêu thụ ít. Hiện trên địa bàn huyện, sả đang đến giai đoạn thu hoạch nên số lượng rất nhiều dẫn đến giá giảm và tồn đọng. Hiện mỗi ngày, các hộ dân chỉ bán được khoảng hơn 100 kg sả, có hộ bán không được.

Theo một chủ vựa thu mua sả tại xã Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông), trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi ngày vựa thu mua khoảng 10 tấn. Tuy nhiên, hiện mỗi ngày, vựa chỉ thu mua khoảng 4 - 5 tấn, do tiêu thụ rất chậm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng, hiện sản lượng sả của toàn huyện còn hơn 10.000 tấn. Vừa qua, địa phương có liên hệ một số sở, ngành để tìm đầu mối tiêu thụ. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, một số đầu mối xuất khẩu tạm ngừng hoạt động nên việc tiêu thụ sả đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tại TP. Mỹ Tho, những ngày qua, nhiều vườn bưởi lông Cổ Cò đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn chưa thể bán được. Anh Võ Văn Mười Một (ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) trồng hơn 2 công bưởi lông Cổ Cò. Dù trong vườn đã có nhiều trái bưởi chín vàng nhưng chưa bán được. Mọi năm đến thời điểm này, gia đình anh đã bán hết bưởi. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bưởi giảm giá mạnh, tiêu thụ rất khó khăn.

Anh Một cho biết: “Từ khi bùng phát dịch đến giờ, bưởi da xanh giá rẻ quá nên thương lái chỉ mua bưởi đó. Từ đó, bưởi lông Cổ Cò khó tiêu thụ, hiện bưởi này loại 1 chỉ có giá 3.000 - 4.000 đồng/kg, còn loại nhỏ thì không ai mua. Lái đã hứa vài ngày nữa sẽ đến thu mua nhưng giá rất thấp”.

Ngoài các loại nông sản trên, hiện giá nhiều loại rau màu cũng đang nằm ở mức thấp, tiêu thụ chậm. Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc HTX Hòa Thạnh (xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây), bên cạnh một số loại rau có giá tương đối tốt, cũng có nhiều loại giá rẻ như: Bầu, bí, mướp… Giá các loại nông sản này được các thương lái thu mua tại ruộng chỉ khoảng 3.000 đồng/kg, nông dân không có lãi. Rau màu tiêu thụ chậm do sức mua tại các chợ yếu.

GIÁ HEO, GÀ THẤP

Cũng như nhiều loại nông sản khác, hiện giá nhiều loại gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện cũng đang ở mức thấp. Sau thời gian dài nằm ở mức cao do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đang lao dốc. Giá heo hơi gần như chạm đáy khiến người nuôi thua lỗ.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn, thời gian qua, ngành Công thương rất tích cực cùng các sở, ngành liên quan hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản. Theo đó, đối với từng mặt hàng nông sản, ngành sẽ liên hệ với các địa phương xem đơn vị nào có khó khăn trong tiêu thụ thì sẽ liên hệ các đơn vị thu mua, phân phối để kết nối. Nhìn một cách tổng quan, cung cầu phải dựa vào thị trường. Tuy nhiên, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, ngành Công thương cũng có các giải pháp để kết nối cung cầu, tạo thuận lợi, hỗ trợ cho các đơn vị gặp khó khăn trong mùa dịch để tiêu thụ nông sản, hàng hóa.

Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Thuần, heo hơi đang ở mức từ 40.000 - 42.000 đồng/kg, trong khi giá thành thấp nhất cũng đã là 48.000 đồng/kg. Thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, nên với mức giá này người nuôi lỗ khoảng 10.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Minh Thuần, nguyên nhân heo hơi giảm giá là do thời gian qua việc lưu thông, phân phối gặp ảnh hưởng vì tác động của đại dịch. Chưa kể, một số cơ sở kinh doanh ăn uống, các chợ đầu mối, truyền thống tạm dừng hoạt động khiến việc tiêu thụ thịt heo bị ảnh hưởng. Hiện heo tồn đọng trong dân vẫn còn nhiều. Với giá heo hơi như hiện tại, theo nhận định, người nuôi sẽ không dám tái đàn mạnh vào những tháng cuối năm.

Cũng qua ghi nhận, hiện giá gà lông màu trên địa bàn tỉnh cũng đang ở mức thấp. Theo một nhân viên kinh doanh Công ty TNHH JAPFA Comfeed Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hiện giá gà lông màu xuất chuồng ở mức 28.000 - 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, người dân lỗ khoảng 5.000 đồng/kg. Riêng giá gà lông trắng đã khởi sắc khi tăng từ mức 5.000 đồng/kg lên khoảng 26.000 đồng/kg, bằng với giá thành sản xuất.

T. ĐẠT

.
.
.