Thứ Năm, 18/11/2021, 14:04 (GMT+7)
.

"Cửa hẹp" xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc

Trung Quốc vừa có những điều chỉnh quy định xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo đó, sẽ thắt chặt hơn việc đăng ký nhóm hàng hóa nhập khẩu và thắt chặt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Điều này được đánh giá sẽ gây nhiều trở ngại cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc.

Một sản phẩm sữa trong nước được yêu chuộng và đã vươn xa sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Một sản phẩm sữa trong nước được yêu chuộng và đã vươn xa sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thắt chặt kiểm soát hàng xuất khẩu

Đại diện Bộ Công thương cho biết, Chính phủ Trung Quốc vừa ban hành lệnh 248 về “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu”, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Theo đó, với lệnh 248, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký với hải quan Trung Quốc. Trong đó, nhóm 1 gồm 18 nhóm mặt hàng phải đăng ký thông qua các cơ quan quản lý nhà nước; nhóm 2 là thực phẩm (ngoài 18 mặt hàng thuộc nhóm 1) đăng ký trực tiếp với hải quan Trung Quốc. 

Riêng với lệnh 249 sẽ tập trung thắt chặt công tác kiểm định chất lượng sản phẩm, bao bì hàng hóa. Trong đó, nhấn mạnh đến yếu tố cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm với thực phẩm sản xuất. Ngoài ra, lệnh này cũng là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức chấp nhận phương án đánh giá trực tuyến. 

Đánh giá về những thay đổi trong tiêu chuẩn xuất nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết, có 5 vấn đề gây khó cho doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc. 

Cụ thể, Trung Quốc chưa mở cửa thị trường cho nhiều loại sản phẩm nông thủy hải sản; đưa ra các quy định, tiêu chuẩn ngặt nghèo, chặt chẽ hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói; thị trường có tính cạnh tranh cao và do ảnh hưởng tác động của dịch bệnh nên Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát hàng hóa thông quan. 

Trên thực tế, hiện có 128 sản phẩm thủy hải sản và 9 loại trái cây Việt Nam được Trung Quốc cấp phép xuất khẩu vào thị trường này - thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ. Trong đó, cá biệt có những sản phẩm vốn là chủ lực của nông nghiệp Việt Nam như tổ yến, sầu riêng... nhưng chưa được Trung Quốc mở cửa thị trường. 

Một vấn đề khác, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Trung Quốc chịu sức ép cạnh tranh rất cao do Trung Quốc đang mở rộng vùng nuôi trồng trong nước, đồng thời mở cửa xuất khẩu cho những sản phẩm cùng loại với hàng xuất khẩu Việt Nam từ các nước khác trong khu vực. 

Nâng chuẩn hàng Việt để mở rộng thị trường

Cũng theo ông Nông Đức Lai, giai đoạn 2016-2020, có 13.591 sản phẩm hàng hóa nhập cảnh từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ vi phạm quy định của Trung Quốc. Đứng đầu là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italy, Australia, Pháp, Đức và Việt Nam. Các sản phẩm vi phạm thường là đồ uống, đồ sấy khô… Trong đó, tỷ lệ nhóm hàng hóa Việt Nam vi phạm chiếm hơn 4%. Riêng 9 tháng đầu năm 2021, có 138 lượt sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất vào Trung Quốc vi phạm, chiếm 7,3%. Nguyên nhân vi phạm là tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa tuân thủ đúng quy trình nhập khẩu. Chủ yếu ở các nhóm hàng như hoa quả sấy khô, đường, gạo, sản phẩm thủy sản, đồ uống, hạt vỏ cứng…

Do vậy, để có thể xuất khẩu an toàn vào thị trường Trung Quốc, sản phẩm hàng hóa Việt Nam phải tăng cường mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Các vùng nuôi trồng thủy sản, cơ sở chế biến đóng gói phải đảm bảo điều kiện sản xuất, tiêu chuẩn an toàn đáp ứng yêu cầu về chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, kể cả trường hợp nước nhập khẩu cần kiểm tra. Đặc biệt, phải chú trọng và quan tâm bao bì, không chỉ đáp ứng yêu cầu, quy định của Trung Quốc mà còn phải nâng cao giá trị sản phẩm. Cuối cùng là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát với sản xuất và sản phẩm nông sản, thực phẩm. 

Ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh quốc tế Vinamilk, chia sẻ, kinh nghiệm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cho thấy, sản phẩm sữa của công ty không những đạt tiêu chuẩn organic của châu Âu mà còn hoàn thiện và bổ sung thêm chứng nhận chuẩn hữu cơ đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, các yếu tố bao bì, mẫu mã sản phẩm đều được Vinamilk đầu tư để đáp ứng thị hiếu riêng nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình vận chuyển và phân phối trên thị trường. Trên mỗi hộp sữa, ngoài ký hiệu “organic” đều có một dãy số riêng để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng theo 2 tiêu chuẩn organic mà Vinamilk đang sở hữu. Người tiêu dùng nhờ đó có thể an tâm với nguồn gốc chuẩn organic và chất lượng của từng hộp sữa.

Ở góc độ khác, nhiều doanh nghiệp cho rằng, với 2 lệnh mới, doanh nghiệp chỉ có thể xuất khẩu hàng hóa khi Chính phủ Trung Quốc mở cửa thị trường cho mặt hàng đó. Vậy với 18 mặt hàng nhóm 1 phải được Chính phủ Trung Quốc mở cửa thị trường gồm thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản; sản phẩm từ sữa; yến sào và sản phẩm từ tổ yến; ruột động vật; sản phẩm từ ong; trứng và các sản phẩm trứng; dầu thực phẩm và nguyên liệu; bánh có nhân các loại; ngũ cốc dùng làm thực phẩm… vẫn còn rất nhiều mặt hàng mà Chính phủ Trung Quốc chưa mở cửa cho Việt Nam. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp trong nước chưa thể xuất khẩu các mặt hàng trên vào thị trường này.

Do vậy, cùng với việc doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất, cần thiết các cơ quan chức năng phải đẩy nhanh đàm phán để được Chính phủ Trung Quốc mở cửa thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, tạo cơ cở cho doanh nghiệp duy trì thị phần và mở rộng xuất khẩu tại thị trường rất tiềm năng này.

(Theo www.sggp.org.vn)

.
.
.