Thứ Năm, 25/11/2021, 09:15 (GMT+7)
.

Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Đức Đông: Linh hoạt, chủ động trong sản xuất, kinh doanh

Dù chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, nhưng Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Đức Đông (xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã nỗ lực duy trì hoạt động, linh hoạt trong sản xuất và tạo đầu ra ổn định cho các thành viên.

NỖ LỰC DUY TRÌ SẢN XUẤT

HTX Nông nghiệp Mỹ Đức Đông được thành lập vào năm 2018, hoạt động trên lĩnh vực cung cấp nước sinh hoạt nông thôn, thu mua nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp. Hiện HTX có 210 thành viên, chuyên sản xuất các loại trái cây.

Hằng năm, HTX đều xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, linh hoạt với tình hình phát triển nông nghiệp của địa phương. 6 tháng đầu năm 2021, HTX hoạt động kinh doanh thuận lợi. Việc tiêu thụ nông sản ổn định, đặc biệt là hoạt động cung cấp nước sinh hoạt ổn định, luôn đảm bảo cung ứng kịp thời cho người dân.

Việc tiêu thụ nông sản tại HTX dần trở lại bình thường.
Việc tiêu thụ nông sản tại HTX dần trở lại bình thường.

Từ tháng 6-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản hầu như bị “tắc nghẽn”. Các kênh tiêu thụ không thể tiếp cận trực tiếp nguồn nông sản tại vườn, dẫn đến hoạt động sản xuất của thành viên gần như tạm dừng do không tiêu thụ được.

Ông Nguyễn Thanh Bình, thành viên HTX Nông nghiệp Mỹ Đức Đông cho biết, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mặt hàng nông sản như: Mít, chanh, ổi… giảm giá khoảng 50% - 60%, khó tiêu thụ. Chi phí thu hoạch và vận chuyển tăng cao nên nhiều hộ nông dân chọn cách quyên góp nông sản làm từ thiện. Mặt khác, các nhà vườn bán nông sản với giá rẻ cho các nhà hảo tâm tại TP. Hồ Chí Minh.

Trước tình hình trên, để tránh tình trạng ùn ứ nông sản, HTX đã liên kết với các vựa trái cây trên địa bàn, ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản, giúp thành viên có đầu ra và giá cả ổn định. Đồng thời, lập nhóm Zalo để nông dân thông báo tình hình mùa vụ, sản lượng để HTX nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc nhằm có giải pháp tháo gỡ cho thành viên.

Trên cơ sở đó, dù khó khăn, nhưng HTX đã tạo đầu ra ổn định. Có thời điểm, sản lượng tiêu thụ nông sản của các thành viên đạt 80 - 90 tấn/tháng, chủ yếu là mít và ổi. Tuy giá các nông sản tiêu thụ trong thời gian này thấp hơn so với thời điểm bình thường, nhưng phần nào đã giúp thành viên thu hồi một phần vốn sản xuất, tiếp thêm động lực tái sản xuất.

TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ THÀNH VIÊN

Để thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, HTX đã thực hiện nhiều biện pháp giúp từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, HTX đã kết nối lại các kênh tiêu thụ trong và ngoài địa phương. Đồng thời, hỗ trợ thành viên tiếp cận đến nguồn vật tư nông nghiệp chất lượng, trả chậm không tính lãi, giúp thành viên giảm chi phí sản xuất. Đối với các thành viên chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, HTX hỗ trợ hướng dẫn thành viên thủ tục vay vốn khi có nhu cầu để phục hồi sản xuất.

Bước đầu thích ứng với tình hình mới, việc tiêu thụ nông sản đã từng bước khởi sắc, dần đưa sản lượng tiêu thụ nông sản trở lại bình thường. Trung bình mỗi tháng, sản lượng tiêu thụ nông sản đạt trên 100 tấn.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Đức Đông Nguyễn Văn Đài cho biết, ngay sau khi hết giãn cách xã hội, HTX đã nhanh chóng vận động các thành viên từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, công tác đảm bảo về phòng, chống dịch được ưu tiên thực hiện hàng đầu, nhằm giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX được diễn ra liên tục. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục triển khai tập huấn kiến thức cho thành viên, nông dân tiếp cận đến các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng khoa học - kỹ thuật giúp giảm chi phí canh tác. Từ đó nâng cao giá trị nông sản, tạo thuận lợi cho nông sản địa phương vươn xa trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Song song đó, HTX sẽ lên kế hoạch mở rộng thêm kênh tiêu thụ nông sản và tạo ra mặt hàng nông sản mới đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước châu Á. Đồng thời, khôi phục lại chuỗi cung ứng nông sản gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Ngoài ra, HTX sẽ tập trung vận động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho, bãi để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại chỗ; đảm bảo duy trì bao tiêu đầu ra cho thành viên.

LÊ MINH

.
.
.