Thứ Tư, 17/11/2021, 18:41 (GMT+7)
.
HUYỆN GÒ CÔNG TÂY:

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã có 12/12 xã đạt chuẩn NTM; trong đó, có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện Gò Công Tây cũng đã đánh giá hoàn thành của tiêu chí huyện NTM.

HOÀN THIỆN CƠ SỞ HẠ TẦNG

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong những công tác nổi bật của huyện Gò Công Tây trong xây dựng NTM, đặc biệt là hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất y tế, giáo dục. Trong đó, hệ thống giao thông rất được UBND huyện Gò Công Tây quan tâm đầu tư, nâng cấp, từng bước hoàn thiện để tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các công trình xây dựng cơ bản của huyện Gò Công Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa tháng 12-2021.  Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng kiểm tra công trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Gò Công Tây.
Các công trình xây dựng cơ bản của huyện Gò Công Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa tháng 12-2021. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng kiểm tra công trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Gò Công Tây.

Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã đầu tư nâng cấp, cứng hóa, làm mới và mở rộng 328 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 347,847 km; xây mới 48 cầu nông thôn; với tổng kinh phí đầu tư cả giai đoạn hơn 562,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, huyện cũng đã thực hiện trên 214 tuyến đường có lắp đặt hệ thống chiếu sáng, với tổng chiều dài 291 km; đảm bảo việc đi lại của người dân thuận tiện, an toàn, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, nhất là vào ban đêm.

Thống nhất đề nghị Trung ương công nhận huyện Gò Công Tây đạt chuẩn NTM năm 2021

Ngày 16-11, Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tổ chức họp Ban Chỉ đạo để thảo luận, bỏ phiếu, đề nghị xét công nhận huyện Gò Công Tây đạt chuẩn NTM năm 2021. Cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Phạm Văn Trọng chủ trì.

Theo báo cáo thẩm tra, hiện nay 100% xã trên địa bàn huyện Gò Công Tây được công nhận đạt chuẩn quốc gia xây dựng NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đã tổ chức lễ công bố. Huyện Gò Công Tây đã thực hiện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã bỏ phiếu thống nhất đề nghị Trung ương công nhận huyện Gò Công Tây đạt chuẩn NTM năm 2021.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phạm Văn Trọng đánh giá cao sự quyết tâm của huyện Gò Công Tây trong triển khai thực hiện các công tác xây dựng huyện NTM trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo huyện nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các sở, ngành cho sự phát triển của huyện trong thời gian tới.

Đảng bộ, chính quyền huyện cần biến quyết tâm thành hành động cụ thể để triển khai các công việc từ nay đến khi đề nghị Hội đồng của Trung ương thẩm định công nhận huyện NTM và vì sự phát triển chung của huyện. Các thành viên của Ban Chỉ đạo tiếp tục hỗ trợ huyện trong quá trình thực hiện công tác cho đến ngày được công nhận huyện NTM và trong thời gian sắp tới.

Cùng với đó, các công trình xây dựng cơ bản phục vụ dân sinh như trạm y tế, trường học được UBND huyện Gò Công Tây tập trung thực hiện. Đến nay, có 13 trạm y tế xã được đầu tư xây dựng mới và cải tạo (kinh phí hơn 57 tỷ đồng); 31 trường học được đầu tư xây dựng, nâng cấp theo hướng đạt chuẩn về cơ sở vật chất (với tổng kinh phí hơn 476,3 tỷ đồng) và có 26/31 trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn 12 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia qua 10 năm xây dựng NTM.  

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây Ngô Văn Dũng cho biết, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng NTM của huyện khi các công trình xây dựng cơ bản phải tạm dừng. Tuy nhiên, các công trình đã ngay lập tức khởi động trở lại trong điều kiện bình thường mới và đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo hoàn thành vào giữa tháng 12-2021.

ĐẢM BẢO CẢNH QUAN, MÔI TRƯỜNG

Công tác giữ gìn môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp cũng là một trong những nội dung được huyện quan tâm thực hiện thường xuyên để tạo diện mạo mới cho địa phương. Trong đó, công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được huyện đặc biệt chú trọng.

Theo đó, UBND huyện Gò Công Tây giao Ban Quản lý chợ gom rác thải sinh hoạt của các hộ dân sống 2 bên các trục lộ lớn để vận chuyển về bãi rác Long Chánh (xã Long Chánh, TX. Gò Công) xử lý. Đến nay, lượng rác thải được thu gom hằng ngày đạt 46,34%, số hộ tham gia ký hợp đồng thu gom rác tăng 12% so với năm 2011. Còn đối với người dân ở các tuyến đường nhỏ, xe thu gom rác không thể đến, các xã, thị trấn đã triển khai các giải pháp linh hoạt nhằm đảm bảo tỷ lệ thu gom rác tại địa phương.

Chủ tịch UBND xã Long Vĩnh Huỳnh Thị Kim Huệ cho biết: “Xe thu gom rác của Ban Quản lý chợ chỉ có thể thu gom trực tiếp từ các hộ dân ở dọc theo các tuyến lộ lớn. Đối với người dân ở các tuyến đường nhỏ, UBND xã tổ chức Tổ thu gom rác của người dân để mang ra đường lớn cho xe đến thu gom, góp phần nâng cao tỷ lệ thu gom rác thải rắn sinh hoạt của xã đạt 80,14%”.

Xác định người dân đóng vai trò quan trọng, quyết định đến việc đảm bảo giữ vững vệ sinh môi trường, tạo và duy trì cảnh quan xanh - sạch - đẹp, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng các tuyến đường hoa, giữ gìn vệ sinh xóm làng. Từ đó, người dân ở các xã chủ động phân loại rác thải sinh hoạt và dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh nhà bảo đảm thông thoáng, sạch đẹp. Đến nay, người dân và các đoàn thể của huyện đã tích cực tham gia thực hiện 40 tuyến đường hoa, với tổng chiều dài 50,442 km, tăng 80% so với năm 2011.

Anh Huỳnh Minh Chánh (ấp Thới An A, xã Long Vĩnh) cho biết: “Qua phát động của UBND xã và các đoàn thể, tôi và gia đình đã chủ động phân loại rác thải sinh hoạt và dành ra mỗi tuần 1 ngày để dọn dẹp, vệ sinh ở khuôn viên nhà. Cùng với đó, gia đình tôi cũng thường xuyên phát quang bụi rậm ở 2 bên đoạn đường đi qua trước nhà để luôn thông thoáng, sạch đẹp”.

CAO THẮNG

.
.
.