Thứ Sáu, 12/11/2021, 10:15 (GMT+7)
.
"KÍCH" TIÊU THỤ HÀNG HÓA

BÀI 1: Khai thông hàng nông sản

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, giải bài toán kinh tế, nhất là khai thông tiêu thụ hàng hóa nông sản, đảm bảo lưu thông thông suốt là mục tiêu rất quan trọng, nhằm đảm bảo được mục tiêu “kép”.

Sau khi tỉnh Tiền Giang chuyển sang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, tình hình tiêu thụ, giá cả nông sản trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.

Giá nhiều loại nông sản được điều chỉnh, tình hình tiêu thụ dần được khai thông, từng bước góp phần ổn định đời sống người dân.

RAU MÀU TĂNG GIÁ

Với việc Tiền Giang cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước chuyển sang trạng thái mới, tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhiều hoạt động, loại hình dịch vụ cũng được hoạt động trở lại. Điều này đã tác động tích cực đến tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện nhiều loại nông sản trên địa bàn tỉnh đã tăng giá trở lại sau thời gian giảm giá do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tình hình tiêu thụ nông sản cũng được cải thiện khi các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị… đã hoạt động trở lại bình thường, đặc biệt là không còn gặp khó khăn trong khâu vận chuyển.

Giá rau màu tại xã Thân Cửu Nghĩa tăng trở lại sau thời gian giãn cách xã hội.
Giá rau màu tại xã Thân Cửu Nghĩa tăng trở lại sau thời gian giãn cách xã hội.

Trong nhóm hàng nông sản, giá các mặt hàng rau màu được cải thiện đáng kể. Ghi nhận thực tế tại vùng chuyên canh rau màu của huyện Châu Thành, hiện giá nhiều loại rau đã tăng gấp 2 - 3 lần so với giai đoạn tỉnh thực hiện chủ trương giãn cách xã hội.

Theo đó, rau má có giá dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg; ngò gai, rau om từ 7.000 - 10.000 đồng/kg; rau quế khoảng 25.000 đồng/kg. Cụ thể, tại xã Nhị Bình (huyện Châu Thành) hiện có hơn 230 ha chuyên canh rau diếp cá ở phía Nam Quốc lộ 1.

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, có thời điểm giá rau diếp cá xuống rất thấp, thương lái không thu mua, nông dân phải cắt bỏ. Hiện giá rau diếp cá hơn 11.000 đồng/kg, tăng 2 lần so với tháng trước.

Còn tại vùng chuyên canh rau của xã Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành), nông dân cũng rất phấn khởi khi rau tăng giá trở lại. Ông Lê Văn Đẹp (xã Thân Cửu Nghĩa) chia sẻ: “Trước kia khi giãn cách xã hội, rau bán được rất ít vì thương lái không vận chuyển hàng lên các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh được. Hiện nay, tình hình đã tốt hơn do nhiều chợ hoạt động trở lại nên thương lái thu mua nhiều hơn, giá cả cũng tăng theo. Tuy nhiên, chi phí đầu vào như phân, thuốc cũng tăng lên gần gấp đôi nên lợi nhuận cũng không nhiều”.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn, dù trong điều kiện dịch bệnh, nhưng Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang đã xây dựng một nhà máy chế biến nông sản, với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long.

Về năng lực chế biến, nhà máy tiêu thụ khoảng 90 triệu trái dừa/năm. Ngoài ra, công ty còn tiêu thụ các loại trái cây như: Xoài, đu đủ, thanh long… khoảng 120.000 tấn/năm; đậu bắp, đậu nành… khoảng 60.000 tấn/năm.

Hiện nay, công ty đã đưa vào vận hành 2 dây chuyền chế biến trái cây. Ngành Nông nghiệp đã chủ động kết nối giữa công ty và các địa phương để đưa nông sản của tỉnh nhà vào chế biến tại nhà máy, hạn chế tối đa sử dụng nguyên liệu từ các địa phương khác. Phía doanh nghiệp sẽ đưa ra kế hoạch thu mua, tiêu chí, quy trình kỹ thuật của từng loại nông sản.

Ngành Nông nghiệp sẽ làm việc với các địa phương, HTX để cung cấp ổn định những loại nông sản đảm bảo tiêu chuẩn. Những loại nông sản chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với công ty thực hiện các mô hình, hướng dẫn để từng bước cung cấp cho doanh nghiệp.

Giá rau màu của vùng chuyên canh ở các huyện, thị phía Đông của tỉnh, những ngày qua cũng tăng trở lại. Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Hòa Thạnh (xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây), hiện thương lái thu mua rau tại ruộng với giá từ 4.000 - 6.000 đồng/kg tùy theo loại.

Với mức giá này, người trồng có lãi. Hiện tại, mỗi ngày HTX cung ứng cho các đối tác từ 4 - 5 tấn rau các loại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn nên người dân có tâm lý dè dặt trong chi tiêu, phần nào ảnh hưởng đến việc tiêu thụ rau màu.

Tương tự như rau màu, sau thời gian giá sả xuống thấp, tồn đọng nhiều, những ngày qua, sả tại huyện Tân Phú Đông đã tăng giá trở lại. Điều này đã góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn. Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn, hiện giá sả nằm ở mức khoảng 2.500 đồng/kg, cao hơn khoảng 1 tháng trước 1.000 đồng/kg.

BIẾN ĐỘNG GIÁ TRÁI CÂY

Thực tế cho thấy, dù tiêu thụ nông sản đã được cải thiện, nhưng hiện một số loại trái cây vẫn còn tiêu thụ chậm, giá thấp. Hiện mít Thái siêu sớm tại các huyện phía Tây được các thương lái thu mua với giá 19.000 đồng/kg (loại 1), 9.000 đồng/kg (loại 2), 5.000 đồng/kg (loại 3), giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với tuần trước. Với mức giá này, nông dân có lãi khá. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ mít loại 1 không nhiều.

Ông Ngô Văn Bé Em, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Lợi A (huyện Cái Bè) cho biết, những ngày qua, việc tiêu thụ trái cây tại HTX tương đối ổn định. Tuy nhiên, gần đây, việc tiêu thụ bị chậm lại, các đối tác lấy hàng ít lại. Không riêng gì ở HTX, mà thị trường tiêu thụ trái cây nói chung cũng bị chậm lại. Hiện mỗi ngày, HTX cung ứng hàng xuất khẩu và các đối tác tại TP. Hồ Chí Minh khoảng 3 - 4 tấn trái, chủ yếu là ổi và cam. Hiện giá ổi và cam tương đối thấp, giá giảm so với cách nay khoảng 1 tuần.

Tiêu thụ nông sản tại Tiền Giang được khai thông.		                                                                                                                                                                                                                                                            Ảnh: minh thành
Tiêu thụ nông sản tại Tiền Giang được khai thông.

Tại chợ An Hữu (xã An Hữu, huyện Cái Bè) - chợ đầu mối trái cây lớn nhất ở huyện Cái Bè, hiện nhiều loại trái cây có mức giá tương đối thấp. Theo Tổ Quản lý chợ An Hữu, hiện cam sành loại 1 có giá khoảng 10.000 đồng/kg, xoài cát chu khoảng 12.000 đồng/kg. Nhiều người dân không dám mang trái cây đến chợ nên lượng trái cây về chợ ít. Dịch bệnh bùng phát trở lại nên nhiều bạn hàng không dám đến để mua.

Còn ghi nhận tại chợ trái cây Thạnh Trị (phường 4, TP. Mỹ Tho), lượng trái cây về chợ không nhiều. Theo một chủ vựa trái cây tại đây, hiện sức tiêu thụ trái cây giảm khoảng 50% so với ngày thường, do các tiểu thương bán chậm.

Thời điểm này, nông dân huyện Chợ Gạo bước vào mùa nghịch của trái thanh long. Theo ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc HTX Thiên Phúc (xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo), hiện thanh long ruột đỏ có giá khoảng 10.000 đồng/kg. Mức giá này, nông dân không có lãi, huề vốn hoặc lỗ do chi phí xử lý nghịch vụ cao. Những ngày trước, giá thanh long tăng lên vài ngày rồi lại giảm. Hiện việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang gặp khó do nước này áp dụng các chính sách mới trong nhập khẩu.

Đánh giá chung cho thấy, những ngày qua, việc tiêu thụ trái cây đã được cải thiện (trừ thanh long), giá bán tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg tùy theo loại trái. Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Võ Văn Lập, thời điểm này, sản lượng trái cây trên địa bàn tỉnh không nhiều do chưa vào chính vụ. Do đó, dù giá nhiều loại trái cây tăng so với trước, nhưng vẫn chỉ ở mức tương đối.

A. PHƯƠNG - A. THƯ - N. SƯƠNG

(Còn tiếp)

.
.
.