Thứ Sáu, 05/11/2021, 05:33 (GMT+7)
.

Xuất khẩu gạo Việt Nam tăng cao do doanh nghiệp đẩy mạnh việc trả đơn hàng

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang đẩy mạnh việc trả đơn hàng đã ký kết theo hợp đồng nhưng bị đình trệ bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua. Điều này đã giúp xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh trở lại từ tháng 10.

Doanh nghiệp đẩy mạnh trả đơn hàng “kéo” xuất khẩu gạo tăng mạnh. Ảnh: Trung Chánh
Doanh nghiệp đẩy mạnh trả đơn hàng “kéo” xuất khẩu gạo tăng mạnh. Ảnh: Trung Chánh

Sau khi các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và phía Nam nói chung nới lỏng việc đi lại và hoạt động sản xuất, kinh doanh đã giúp xuất khẩu gạo của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể so với trước đó.

Cụ thể, báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, trong nửa đầu tháng 10-2021, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt trên 294.000 tấn với trị giá trên 154 triệu đô la Mỹ, tăng 61,68% về lượng và 57,71% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này, giúp đưa luỹ kế xuất khẩu gạo Việt Nam từ đầu năm đến ngày 15-10 đạt 4,866 triệu tấn với trị giá 2,572 tỉ đô la Mỹ, giảm 5,88% về lượng và 1,08% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Về lý do giúp xuất khẩu gạo Việt Nam bật tăng mạnh trở lại trong nửa đầu tháng 10, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, ba tháng trước đó, khi các địa phương phía Nam thực hiện giãn cách phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến xuất khẩu gạo của hầu hết doanh nghiệp bị ngưng trệ. Khi việc đi lại được nới lỏng, các doanh nghiệp đã tập trung giao những đơn hàng bị ngưng trệ trước đó.

Trên thực tế, tình hình giao hàng của doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp rất nhiều khó khăn trong đợt cao điểm về giãn cách xã hội tại các tỉnh phía Nam vừa qua.

Cụ thể, hồi tháng 8, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, doanh nghiệp không dám ký hợp đồng với đối tác nước ngoài vì lo không giao được hàng.

Cụ thể, khả năng giao hàng của Intimex Group trong tháng 8 không đạt được 50% trên tổng số lượng đơn hàng 50.000 tấn. Ông Nam vào thời điểm đó đã chia sẻ rằng nếu việc thực hiện hợp đồng cứ tiếp tục rơi vào tình trạng chậm trễ, thì uy tín và thị trường của doanh nghiệp có khả năng sẽ mất.

Trong khi đó, tại TP Cần Thơ, cảng Tân Cảng Thốt Nốt lúc bấy giờ cũng buộc phải tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19, khiến lượng hàng ùn ứ cục bộ tại đây đến ngày 26-8 là 6.000 tấn, tương đương khoảng 300 container.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vào ngày 25-8 cũng cho biết, cảng Tân Cảng Hiệp Phước đã tạm ngưng dịch vụ đóng rút gạo tại cảng sà lan của đơn vị này do có công nhân mắc Covid-19.

Trong khi đó, bến 125 Tân Cảng Cát Lái và Tân Cảng Nhơn Trạch (TPHCM) còn hoạt động phục vụ đóng gạo bằng container, tuy nhiên, năng lực đóng hàng của hai cảng này đều thấp hơn so với thời gian trước, gây ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu gạo.

Ngoài yếu tố doanh nghiệp đẩy mạnh giải phóng hàng bị kẹt trước đó, theo ông Phạm Thái Bình của Trung An, thị trường nước ngoài sau thời gian bị đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch Covid-19, cũng đã quay lại đặt hàng nhiều hơn, giúp xuất khẩu gạo Việt Nam tăng trở lại. “Bên cạnh đó, chất lượng gạo Việt Nam gần đây đã thay đổi rất nhiều nên khách hàng tin dùng cũng được tăng lên”, ông Bình nói.

Doanh nhân này dự báo, trong hai tháng cuối năm nay, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu những đơn hàng đã ký kết trước đó nhưng chưa hoàn tất việc giao hàng.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.