Thứ Tư, 01/12/2021, 10:16 (GMT+7)
.
HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT THƯƠNG MẠI NÔNG NGHIỆP BÌNH PHAN:

Nỗ lực mở rộng kênh tiêu thụ, đa dạng sản phẩm

Dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng Hợp tác xã (HTX) Sản xuất Thương mại Nông nghiệp Bình Phan (xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã chủ động, tìm kiếm các kênh tiêu thụ mới, góp phần duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

HTX Sản xuất Thương mại Nông nghiệp Bình Phan tập trung khôi phục hoạt động sản xuất, thích ứng trạng thái bình thường mới.
HTX Sản xuất Thương mại Nông nghiệp Bình Phan tập trung khôi phục hoạt động sản xuất, thích ứng trạng thái bình thường mới.

TÌM KIẾM KÊNH TIÊU THỤ MỚI

Được thành lập vào năm 2018, HTX Sản xuất Thương mại Nông nghiệp Bình Phan hoạt động trên lĩnh vực cung ứng vật tư nông nghiệp và sản xuất mặt hàng trà mãng cầu Xiêm mang thương hiệu Phụng Tiên. Sau thời gian hoạt động, HTX đã tập hợp được 22 thành viên chuyên cung cấp nguyên liệu mãng cầu tươi để sản xuất trà mãng cầu Xiêm.

Để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, HTX luôn chú trọng khâu chọn nguyên liệu. Hiện nguồn nguyên liệu để sản xuất trà mãng cầu Xiêm được HTX thu mua từ các xã trên địa bàn huyện Chợ Gạo và huyện Tân Phú Đông. Mãng cầu Xiêm được trồng và chăm sóc ít sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng của trà. Thị trường tiêu thụ trà mãng cầu Xiêm Phụng Tiên không chỉ trên địa bàn tỉnh, mà còn có mặt tại thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây.

Hưởng ứng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trà mãng cầu Phụng Tiên đã tham gia và được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Việc được xếp hạng sản phẩm OCOP góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm trà mãng cầu Phụng Tiên trên thị trường.

Theo HTX Sản xuất Thương mại Nông nghiệp Bình Phan, năm nay, do điều kiện thời tiết thuận lợi, nguồn nguyên liệu dồi dào nên hoạt động sản xuất của HTX đã đạt nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, diễn biến của dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài dẫn đến chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc HTX cho biết, thời gian qua, trà mãng cầu sản xuất ra nhiều, nhưng việc lưu thông, vận chuyển bị gián đoạn dẫn đến nhiều đơn hàng bị ùn ứ, không xuất đi được, doanh thu của đơn vị giảm đến 50%. Để tháo gỡ khó khăn, HTX đã đề ra các giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh tiêu thụ, sản xuất. Theo đó, HTX đã đẩy mạnh tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử. Đồng thời, thay thế phương thức vận chuyển truyền thống bằng vận chuyển qua đường bưu điện, dịch vụ chuyển phát nhanh. Điều này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần tiêu thụ số lượng sản phẩm tồn đọng.

ĐA DẠNG SẢN PHẨM

Với quyết tâm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh thích ứng trạng thái bình thường mới, HTX Sản xuất Thương mại Nông nghiệp Bình Phan đã đưa ra thêm nhiều chiến lược phát triển, mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm. Song song đó, các thành viên của HTX cũng luôn chủ động tìm tòi, nghiên cứu nâng cao kỹ thuật sản xuất cũng như nhu cầu thị trường để đáp ứng kịp thời thị hiếu của người tiêu dùng. Cụ thể, HTX đã lên kế hoạch phối hợp cùng HTX Nông nghiệp công nghệ cao Chợ Gạo nghiên cứu sản xuất nhiều sản phẩm mới như: Trà đinh lăng,  trà măng tây…

Đồng thời, hoàn thiện sản phẩm hiện có để mở rộng thị trường tiêu thụ. Không chỉ chú trọng về hình thức bao bì sản phẩm, HTX luôn đề cao chất lượng nguồn nguyên liệu, đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhằm mang lại sản phẩm sạch cho người dân. Đứng trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0, HTX định hướng mở rộng quy mô kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, đẩy mạnh truyền thông thương hiệu sản phẩm… Hoạt động này giúp cho việc sản xuất ổn định, đảm bảo đầu ra và không làm gián đoạn chuỗi sản xuất - cung ứng.

Thực tế cho thấy, HTX Sản xuất Thương mại Nông nghiệp Bình Phan bước đầu đã thành công trong việc kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân, hình thành liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, HTX đã không ngừng tìm kiếm hướng đi mới, tạo điểm tựa cho thành viên an tâm sản xuất và gắn bó với HTX.

NGỌC SƯƠNG

.
.
.