Thứ Tư, 08/12/2021, 14:28 (GMT+7)
.

Nâng cao năng lực dự báo, quyết định các vấn đề về kinh tế vĩ mô

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” là sự kiện quan trọng với sự tham gia của nhiều lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi, phát triển của thế giới. Đánh giá về tính hiệu quả và những giá trị mà Diễn đàn mang lại, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn.

* PV: Tiến sĩ đánh giá như thế nào về các bài tham luận, các giải pháp được các chuyên gia đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021?

* Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn: Diễn đàn đã nhận được tổng cộng 30 báo cáo, bài viết và bài tham luận có chất lượng với tâm huyết và trách nhiệm rất cao. Các bài tham luận, trao đổi và thảo luận tại Diễn đàn đã góp phần làm rõ tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam năm 2020 và năm 2021; thực trạng một số ngành, lĩnh vực quan trọng bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 như: Thương mại, dịch vụ, logistics, vận tải, hàng không, du lịch…; nguồn lực và kết quả thực hiện các chính sách ứng phó với dịch Covid-19; cập nhật tình hình, diễn biến mới nhất của kinh tế thế giới; kinh nghiệm quốc tế và những hàm ý về chính sách; những vấn đề về cải cách thể chế; dư địa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và phối hợp hai chính sách này...

Các đại biểu đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và hiến kế, kiến nghị nhiều giải pháp để tháo gỡ. Đồng thời, đánh giá cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ và sớm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ và cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp (DN) và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức và cộng đồng quốc tế.

Diễn đàn đã thống nhất một số nguyên tắc lớn, yêu cầu các chính sách tổng thể tập trung hỗ trợ phục hồi các ngành, lĩnh vực quan trọng và DN bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, chuẩn bị năng lực đầu tư, tạo điều kiện phục hồi kinh tế; đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn hướng đến các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao như: Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông có tính kết nối tới các cửa ngõ, liên kết vùng, khu công nghiệp, cảng biển, logistics, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, các dự án bảo đảm an toàn hồ chứa, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, thích ứng biến đổi khí hậu...

Các chính sách hỗ trợ cần xác định “đúng” và “trúng” các đối tượng để tạo tác động lan tỏa, kích thích phục hồi nền kinh tế, bảo đảm hiệu quả… Các bài tham luận chất lượng, tâm huyết cùng với các ý kiến phản biện, trao đổi sâu sắc, thẳng thắn đã mang đến nhiều thông tin hữu ích, có giá trị thực tiễn cao.

* PV: Theo Tiến sĩ, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 có ý nghĩa như thế nào?

* Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn: Về mặt tổng thể, đứng ở góc độ Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 có ý nghĩa, mục đích rất rõ ràng, nhằm tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; nâng cao chất lượng, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể, nhất là các vấn đề về kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài nguyên, môi trường, lao động, việc làm…

 Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 đã đề ra nhiều giải pháp,  gói hỗ trợ  nhằm giúp DN sớm phục hồi  sản xuất không  “lỡ nhịp” xu thế phát triển  của thế giới.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 đã đề ra nhiều giải pháp, gói hỗ trợ nhằm giúp DN sớm phục hồi sản xuất không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới.

Thời gian vừa qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời về phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; Chính phủ và các bộ, ngành đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân.

Tuy nhiên, nền kinh tế của nước ta vẫn đang chịu tác động mạnh mẽ và tiêu cực của dịch Covid-19; tăng trưởng GDP quý III-2021 giảm sâu, sản xuất của DN bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lao động, việc làm, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn...

Các ý kiến đại biểu đều cho rằng, quy mô các chính sách hỗ trợ còn thấp so với một số quốc gia có điều kiện tương đồng; chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực đủ mạnh để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và phía cầu của nền kinh tế.

Để thực hiện thành công các nghị quyết của Quốc hội, cấp thiết, khẩn trương phải có các chính sách hỗ trợ cả về kinh tế và xã hội trên cơ sở phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của đất nước để bảo vệ thành quả đã đạt được trong thời gian qua, tránh nguy cơ tụt hậu, “lỡ nhịp” thời gian và “lỡ nhịp” phát triển, đạt được các mục tiêu phục hồi trước mắt cũng như phát triển trong dài hạn.

Thông qua Diễn đàn đã một phần có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về đưa chính sách vào cuộc sống cũng nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm giai đoạn 2021 - 2030...

* PV: DN Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (trong đó có tỉnh Tiền Giang) bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, theo Tiến sĩ, các DN cần làm gì để sớm hấp thụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng như các gói hỗ trợ từ Trung ương trong thời gian tới?

* Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn: Theo nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động rõ ràng theo khu vực; các DN tại Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng mạnh hơn bởi đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư, sức chịu đựng chung của DN ở những khu vực này cũng thấp hơn đáng kể những khu vực khác.

Trước tình hình khó khăn của DN, Quốc hội, Chính phủ đã có một loạt các điều chỉnh chính sách quan trọng, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1447 ngày 30-8-2021 về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Trước đó là Quyết định 23/2021 ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19… Sắp tới đây là Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển KT-XH, trong đó có nhóm nhiệm vụ, mục tiêu rất rõ ràng là hỗ trợ phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Về phía các DN, trong đó có các DN ở tỉnh Tiền Giang, tôi xin đề xuất một số kiến nghị sau: Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để tổ chức tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người lao động, tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Chia sẻ gánh nặng về chi phí phòng dịch và tiêm chủng với Chính phủ. Tiếp tục chủ động tìm hiểu và phổ biến các bài học kinh nghiệm, thực hành tốt trong duy trì sản xuất và phòng, chống dịch bệnh; nghiên cứu triển khai các phương thức tổ chức sản xuất an toàn trong toàn chuỗi cung ứng.

Cùng với đó, DN chủ động xây dựng chiến lược với tầm nhìn dài hạn hơn, có kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh hậu đại dịch như tái cấu trúc DN, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, có phương án giữ chân người lao động và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Tăng cường đối thoại xã hội, coi trọng sự tham gia và vai trò của Công đoàn và người lao động trong giải quyết các vấn đề của DN, của đời sống công nhân… Ngoài ra, các DN cần thúc đẩy quản trị DN tốt, nâng cao năng lực cạnh tranh, để từ đó nâng cao năng lực hấp thụ Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế cũng như các gói hỗ trợ từ Chính phủ.

PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

THU HOÀI (thực hiện)

.
.
.