.

Làm giàu nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất

Cập nhật: 07:40, 05/01/2022 (GMT+7)

Từ phong trào Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, trên địa bàn xã Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã xuất hiện nhiều cá nhân mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Nguyễn Văn Đỉnh và anh Trần Văn Cường là những nông dân như thế.

* Anh Nguyễn Văn Đỉnh: Thu nhập cao nhờ trồng rau màu

Khởi đầu với 2.000 m2 đất gia đình cho, anh Nguyễn Văn Đỉnh quyết định trồng bắp cải. Nhờ có kinh nghiệm và kỹ thuật tích lũy được từ trồng rau màu trước đó, anh đã áp dụng vào canh tác bắp cải cho hiệu quả khả quan.

Anh Nguyễn Văn Đỉnh bên vườn cây thanh long đang vụ ra hoa.
Anh Nguyễn Văn Đỉnh bên vườn cây thanh long đang vụ ra hoa.

Bắp cải cho năng suất từ 6 - 7 tấn/vụ, giúp gia đình anh có nguồn thu ổn định. Sau 10 năm canh tác, gia đình anh mở rộng quy mô trồng bắp cải lên 5.000 m2, năng suất 20 tấn/vụ. “Giá bắp cải thời điểm này không ổn định, giá đỉnh điểm chỉ khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg, dù vậy sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Có thời điểm bắp cải bị mất giá, lợi nhuận thu nhập được chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình” - anh Đỉnh cho biết.

Năm 2009, anh được tham gia nhiều cuộc hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và được nhiều người giới thiệu biết đến cây hẹ. Lúc đầu, anh dần chuyển đổi 2.000 m2 đất sang trồng hẹ và gây dựng cây giống, sau thời gian trồng trọt thuận lợi, hiệu quả kinh tế cao, anh chuyển đổi thêm 2.000 m2 sang trồng hẹ. “Trồng hẹ quá trình chăm sóc và xử lý bệnh đơn giản hơn bắp cải, hẹ vốn ít hơn nhưng cho thu hoạch quanh năm, đạt giá trị kinh tế ổn định hơn so với trồng bắp cải, vì trồng bắp cải chỉ theo mùa tết, các vụ mùa khác trong năm năng suất rất thấp” - anh Đỉnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, với kinh nghiệm trồng trọt, sự nhạy bén và tinh thần ham học hỏi, anh nhanh chóng mở rộng thêm diện tích canh tác trồng hành và thanh long. Ngoài ra hằng năm, vào các dịp gần Tết cổ truyền, anh Đỉnh còn tận dụng những khoảng đất trống trồng thêm các loại hoa phục vụ nhu cầu ngày tết.

Sau nhiều năm chăm chỉ lao động, phấn đấu vươn lên làm giàu, đến nay gia đình anh có tổng diện tích canh tác với 4.000 m2 trồng hẹ, 6.000 m2 trồng hành và 7.000 m2 trồng thanh long. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí sản xuất gia đình anh thu lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng.

Với những kết quả đạt được, những năm qua, anh Nguyễn Văn Đỉnh đạt nhiều Bằng khen, danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp.

* Anh Trần Văn Cường: Làm giàu từ nuôi bò vỗ béo

Còn anh Trần Văn Cường, với 5.000 m2 đất canh tác, trước đây gia đình anh Cường trồng gừng và ớt. Do kỹ thuật canh tác còn nhiều hạn chế nên sau 5 năm,  hoa màu của gia đình anh Cường cho năng suất thấp. Cùng với đó, anh Cường chăn nuôi khoảng 6.000 con gà thả vườn, Tuy nhiên, do khó kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm nên anh dừng tái đàn đối với vật nuôi này.

Anh Trần Văn Cường đang chăm sóc đàn bò.
Anh Trần Văn Cường đang chăm sóc đàn bò.

Đến năm 2010, nhận thấy tiềm năng từ chăn nuôi bò, anh Cường mạnh dạn vay 12 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư vào mô hình nuôi bò vỗ béo. Ban đầu, anh chỉ nuôi 2 con bò, sau đó do bò có giá cao nên anh mở rộng quy mô chăn nuôi.

Số lượng đàn bò dần tăng lên, nhưng việc cung cấp nguồn thức ăn chưa đảm bảo, nên anh quyết định cải tạo 5.000 m2 đất để trồng cỏ, chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, giúp giảm chi phí. “Để nuôi bò đạt hiệu quả kinh tế cao thì việc chọn giống và cách chăm sóc là yếu tố quyết định thành công. Khâu chọn giống cần phải chọn những con giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh; trong quá trình chăm sóc cần chú ý đến chế độ ăn của bò và thường xuyên tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ, chuồng trại thông thoáng, sạch sẽ” - anh Cường chia sẻ.

Mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Cường chủ yếu là nuôi bán thịt, nên cho thu nhập khá cao. Với một con bò khoảng 18 tháng, gia đình anh Cường bán được khoảng 45 triệu đồng. Đồng thời, do giống bò của anh Cường thuộc loại lai giống bò Mỹ và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên chất lượng con giống đảm bảo, được nhiều người dân trong xã tìm đến mua về nuôi.

Đến nay, mô hình nuôi bò của anh đã xuất bán 30 con bò thịt và một số con bò giống, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng. Hiện anh đang nuôi 14 con bò để duy trì sinh sản tái đàn và chăm sóc vỗ béo cho những đợt xuất bán tiếp theo. Với những kết quả đạt được, những năm qua, anh Trần Văn Cường đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp xã, huyện.

LÊ MINH

.
.
.