Thứ Tư, 05/01/2022, 20:49 (GMT+7)
.

Thanh long 'mắc kẹt', gây nhiều thiệt hại cho nông dân

Có đến 90% thanh long xuất khẩu của Việt Nam được tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc. Do đó, việc Trung Quốc ngưng nhập đã khiến loại trái cây này bị “mắc kẹt” từ nhà kho đến đồng ruộng, gây thiệt hại cho người dân hàng trăm tỉ đồng.

Thanh long mắc kẹt từ kho ra tới đồng ruộng do Trung Quốc ngưng mua, gây thiệt hại hại hàng trăm tỉ đồng. Ảnh: Trung Chánh
Thanh long mắc kẹt từ kho ra tới đồng ruộng do Trung Quốc ngưng mua, gây thiệt hại hại hàng trăm tỉ đồng. Ảnh: Trung Chánh

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thanh long cả nước đạt 891,35 triệu đô la Mỹ, chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 89,4%.

Do phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Trung Quốc, cho nên, khi thị trường này xảy ra biến động lập tức ảnh hưởng đến sản xuất đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam.

Để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long cũng đã đẩy mạnh bán sang các thị trường như Mỹ, Hà Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu thanh long sang các thị trường này vẫn chỉ ở dạng tiềm năng, chưa thể thay thế ngay vị trí thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc.

Trong bối cảnh mặt hàng thanh long xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như nêu trên, mới đây, ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, cho biết phía Trung Quốc đã có thông báo về việc nước này phát hiện một lô hàng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam nhiễm virus SARS-CoV-2.

Chính vì vậy, Hải quan Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) đã quyết định ngưng nhập khẩu thanh long của Việt Nam từ ngày 29-12-2021 đến hết ngày 26-1-2022.

Chưa dừng lại ở đó, trong nội dung báo cáo về tình hình ùn tắc nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu biên giới gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết phía Trung Quốc đã có thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu 28 ngày trước và sau Tết Nhâm Dần 2022 với hàng hoá bảo quản lạnh của Việt Nam.

Những động thái nêu trên của phía Trung Quốc đã khiến mặt hàng thanh long Việt Nam bị tồn đọng từ nhà kho đến đồng ruộng.

Ông Lê Quốc Dũng, Bí thư huyện uỷ huyện Châu Thành, tỉnh Long An – địa phương sản xuất thanh long trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long – cho biết tổng số kho thanh long của địa phương là 117, trong đó có 109 kho có hệ thống trữ lạnh với tổng sức chứa 5.400 tấn.

Theo ông Dũng, hiện tổng sản lượng thanh long được trữ lạnh trong các kho đạt khoảng 3.000 tấn, tức chỉ còn khả năng chứa thêm khoảng 2.400 tấn. “Thời gian trữ lạnh trong kho tối đa không quá 15 ngày (từ 10-15 ngày), cho nên, đến ngày 10-1, lượng đang chứa trong kho 3.000 tấn sẽ bị hư hỏng, nếu không xuất được”, ông Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, diện tích thanh long đến kỳ thu hoạch từ nay đến Tết Nguyên đán là khoảng 2.000 héc ta, với sản lượng khoảng 20.000 tấn, nhưng các kho không thể mua vào do cửa khẩu vẫn chưa thể xuất được.

Cụ thể, trong đợt từ ngày 1 đến 7-1, thu hoạch 500 héc ta, với sản lượng 5.000 tấn không thể nhập kho do không xuất khẩu được.

Đợt từ ngày 7 đến 14-1, dự kiến thu hoạch tiếp 500 héc ta, với sản lượng 5.000 tấn. Lượng này các nhà kho sẽ không thể mua vào do đúng vào thời điểm Trung Quốc đóng cửa khẩu trước vào sau Tết Nguyên đán.

Trong khi đó, đợt từ ngày 14 đến 21-1 và 21 đến 27-1, mỗi đợt dự kiến thu hoạch 500 héc ta với tổng sản lượng 10.000 tấn, nhưng cả hai đợt này dự kiến các nhà không vẫn không thể thu mua vào vì chưa biết có được xuất khẩu trở lại hay không.

Chính vì vậy, với sản lượng khoảng 20.000 tấn tồn đọng ngay trên đồng ruộng từ nay đến Tết Nguyên đán, ông Dũng cho biết, sẽ gây thiệt khoảng 400 tỉ đồng cho người nông dân. “Trong khi đó, với 3.000 tấn thanh long đang lưu kho, dự kiến các nhà kho cũng sẽ bị thiệt hại khoảng 60 tỉ đồng (đã nhập kho với giá 20.000 đồng/kg)”, ông cho biết.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.