.

Tiền Giang nỗ lực hiện thực hóa khát vọng vươn lên

Cập nhật: 09:49, 12/01/2022 (GMT+7)

“Huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế… Phấn đấu đến năm 2025, trở thành tỉnh phát triển trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam” - đó là các mục tiêu đề ra trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang khóa XI.

Đường phố TP. Mỹ Tho chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI. Ảnh: DUY NHỰT
Đường phố TP. Mỹ Tho chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI. Ảnh: DUY NHỰT

ĐIỂM SÁNG VÀ THÁCH THỨC

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Tiền Giang đã không ngừng nỗ lực phát huy lợi thế về nguồn nguyên liệu và vị thế địa chính trị trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đạt được một số kết quả nổi bật như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,3%, đứng thứ 2 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 xếp hạng thứ 45/63 tỉnh, thành phố, tăng lên 3 bậc so với năm 2015. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 45 ngàn tỷ đồng (gấp 1,2 lần so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X). GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 58,6 triệu đồng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm hơn 83% tổng số xã (vượt 23% so với kế hoạch).

Cùng với đó là phát triển công nghiệp chế biến nông sản, nhất là chủ động trong hợp tác, chuyển giao khoa học công nghệ, thu hút đầu tư với vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh; thu hút 39 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 46 dự án đăng ký tăng vốn thêm 1,14 tỷ USD…

Tuy kinh tế, xã hội của Tiền Giang có chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ, nhưng nông nghiệp vẫn là chủ đạo; áp lực cạnh tranh do hội nhập ngày càng tăng; nguy cơ hạn, mặn xâm nhập do biến đổi khí hậu rất lớn; vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo nhiều cơ hội cho phát triển, nhưng sẽ là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của địa phương.

Theo quan điểm chỉ đạo của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong thời gian tới, nền kinh tế đất nước sẽ chuyển đổi mạnh sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Tuy nhiên, trong những năm đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân trên địa bàn tỉnh. Do đó, Tiền Giang cần tranh thủ hơn nữa những chính sách hỗ trợ từ Trung ương và những thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ để nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản gắn kết với phát triển thị trường du lịch của địa phương.

QUYẾT LIỆT THỰC HIỆN 3 KHÂU ĐỘT PHÁ

Phát triển xứng tầm với vị thế cửa ngõ quan trọng của vùng ĐBSCL, Tiền Giang tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được, huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh...

Dây chuyền chế biến rau quả cấp đông của Nhà máy chế biến nông sản của Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico - Tiền Giang  tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo đi vào hoạt động. Ảnh: Minh Thành
Dây chuyền chế biến rau quả cấp đông của Nhà máy chế biến nông sản của Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico - Tiền Giang tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo đi vào hoạt động. Ảnh: MINH THÀNH

Thứ nhất là tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lục, vùng động lực. Nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng khoa học và công nghệ vào khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ trái cây. Khai thác, phát triển có hiệu quả vùng động lực khu vực Gò Công và Đông Nam Tân Phước về công nghiệp; tập trung phát triển đô thị gắn với phát triển thị trường bất động sản vùng Trung tâm.

Kế đến là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi đồng bộ, thông suốt giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng ĐBSCL…; trong đó, ưu tiên xây dựng hoàn thành các tuyến đường chính theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây của tỉnh, khai thác hiệu quả đầu tư công trình giao thông ven biển, ven sông Tiền.

Và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thị trường; tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

CHÚ TRỌNG CÁC GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Một là, triển khai thực hiện công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp, đồng bộ, thống nhất trong định hướng phát triển gắn với thực hiện theo lộ trình các Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ngành Công nghiệp theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn lực, gia tăng năng lực cạnh tranh. Rà soát, điều chỉnh ranh giới hành chính, ưu tiên mở rộng khu vực nội thị; chú trọng không gian phát triển hành lang dọc đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Quốc lộ 1, Quốc lộ 50 qua địa bàn tỉnh.

Hai là, tiếp tục thực hiện theo lộ trình các đề án tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, thương mại, du lịch của tỉnh. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khi hậu. Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế. Phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao và duy trì các sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh. Khuyến khích đầu tư hình thành các khu du lịch sinh thái, dịch vụ du lịch có quy mô lớn và các dự án bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, làng nghề.

Ba là, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế phù hợp với điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Bốn là, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp kết hợp với các công trình, dự án quan trọng đang đầu tư, hoàn thành như đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; cầu Mỹ Thuận 2; tập trung đầu tư phát triển vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước và khu vực phía Đông ven sông Soài Rạp. Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, dự án khu dân cư đô thị tại trung tâm và các địa phương; thực hiện hiệu quả các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên và liên kết tiểu vùng, phát triển nội vùng, liên vùng trong và ngoài tỉnh, trong đó đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Cầu Rạch Miễu 2 đi qua địa phận huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho và tuyến đường ven biển kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây sẽ đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang.

Năm là, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phát huy sức mạnh giá trị văn hóa, con người Việt Nam; nâng cao chất lượng các lễ hội, sự kiện văn hóa và hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, công trình văn hóa; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Sáu là, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với nhu cầu của thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao các đề tài, nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ đến người dân, doanh nghiệp...

Bảy là, chú trọng chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh; duy trì bền vững bảo hiểm y tế toàn dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, đổi mới hoạt động hỗ trợ nghèo và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ đối với người có công, gắn với hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, nâng cao mức sống cho gia đình chính sách; tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng của nhân dân vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

TS. HÀ THỊ THOA

.
.
.