Chủ Nhật, 02/01/2022, 10:52 (GMT+7)
.

Tiêu thụ nông sản đang "nước sôi lửa bỏng"

 

a
Xe chở nông sản ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: HÙNG TRÁNG

Do phía Trung Quốc hạn chế nhập nông sản để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, hàng nghìn xe container chở trái cây chủ lực của Việt Nam như thanh long, mít, xoài… đang ùn ứ tại các cửa khẩu. Ngoài ra, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 còn một sản lượng lớn nông sản đang tiếp tục được thu hoạch tại nhiều địa phương, khiến việc tiêu thụ ở vào tình trạng “nước sôi lửa bỏng”.

Chính vì vậy, chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, nắm chắc thông tin thị trường, thông tin thông quan tại cửa khẩu, khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường nội địa là những vấn đề các địa phương cần sớm thực hiện để chủ động các phương án tiêu thụ nông sản thời gian tới.

“Tắc” chồng “tắc”

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, Đinh Thị Thu cho biết: Phía Bằng Tường (Trung Quốc) đã thông báo ngừng nhập khẩu thanh long Việt Nam từ 0 giờ ngày 29-12-2021 đến 24 giờ ngày 26-1-2022 nên hiện nhiều xe thanh long đã quay đầu về tiêu thụ nội địa. Mặt khác, Trung Quốc cũng sẽ tạm dừng nhập khẩu hàng hóa trên container lạnh trong 28 ngày dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, trong đó 14 ngày trước Tết và 14 ngày sau Tết. Trong bối cảnh 2.900 xe nông sản còn đang ùn tắc tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn thì các quyết định trên của Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tồn hàng nông sản của các địa phương trên cả nước.

Còn tại tỉnh Quảng Ninh, tình trạng ách tắc cũng xảy ra do các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai thông quan khó khăn, các doanh nghiệp đưa hàng về cửa khẩu Móng Cái-Đông Hưng thông quan nên dẫn đến nhu cầu thông quan tăng đột biến. Từ ngày 8-12-2021 đến nay, thành phố Đông Hưng tiếp tục siết chặt công tác phòng, chống dịch trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu như: xét nghiệm lái xe trung chuyển Việt Nam 1 lần/ngày, thực hiện nghiêm ngặt xét nghiệm, khử khuẩn phương tiện, bao bì, container từ Việt Nam sang. Trước đó, từ ngày 25-11-2021, khống chế lượng hoa quả Việt Nam và Thái Lan nhập khẩu 50 container/ngày và từ 3-12-2021 hạn chế chỉ cho nhập khẩu 30 container/ngày (trong đó 20 container hoa quả Thái Lan quá cảnh và 10 container Việt Nam xuất khẩu).

Trong khi đó, tại nhiều vùng trọng điểm nông nghiệp trên cả nước đều đang bước vào vụ thu hoạch rộ các loại nông sản chủ lực phục vụ Tết Nguyên đán. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, từ nay đến quý I-2022, sản lượng thanh long cần tiêu thụ là 300.000 tấn; xoài 250.000 tấn, bưởi 140.000 tấn, mít 160.000 tấn, cam 130.000 tấn… Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, Đinh Thị Phương Khanh cho biết: Việc tiêu thụ thanh long thời điểm này tại Long An đang trong tình trạng “nước sôi lửa bỏng”.

Vì người dân trồng thanh long rất trông mong vào thời điểm trái vụ, thanh long có giá cao nhất nhưng khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu, đồng loạt các kho thanh long trên địa bàn tỉnh dừng thu nhận hàng. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 10.000 ha thanh long với sản lượng khoảng 20.000 tấn. Qua rà soát, Long An hiện có 117 kho thanh long, trong đó có 100 kho đông lạnh với tổng công suất khoảng 5.400 tấn. Tuy nhiên lượng tồn hiện nay đã gần 3.000 tấn, chỉ còn sức chứa 2.400 tấn. Chưa kể hiện còn khoảng 200 xe thanh long của Long An đang tồn trên các cửa khẩu phía bắc. Đây là áp lực rất lớn đối với ngành nông nghiệp tỉnh trong việc tìm hướng tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh Bình Thuận cũng không ngoại lệ khi trữ lượng tổng kho lạnh chỉ đạt 16.000 tấn, trong khi, sản lượng thanh long của tỉnh đến cuối tháng 2-2022 khoảng 120.000 tấn. Hiện tại việc đưa thanh long vào chế biến cũng không khả thi do năng lực chế biến của các doanh nghiệp đều ở mức thấp.

Đẩy mạnh chế biến và thay đổi tư duy thị trường

Trước áp lực tiêu thụ nông sản dịp cuối năm, nhiều đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp đang có các giải pháp chung tay gỡ khó. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) Đinh Cao Khuê cho biết: Hiện công ty cũng đang tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm nông sản bị ách tắc tại biên giới. Cụ thể, mỗi ngày công ty tiêu thụ khoảng 100-150 tấn sản phẩm nông sản các loại. Ông Khuê nhấn mạnh: “Công ty đang chế biến xoài với số lượng lớn, nếu các đơn vị có sản phẩm xoài, dứa, chanh leo hay chuối gặp khó khăn trên cửa khẩu, công ty sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ”.

Ông Paul Lê, đại diện Tập đoàn Central Retail khẳng định: Central Retail sẽ hỗ trợ tiêu thụ các nông sản thanh long, dưa hấu, hướng mạnh vào thị trường nội địa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao dịp Tết. Đồng thời hỗ trợ các nông sản của Việt Nam đến với hệ thống bán lẻ nước ngoài, không chỉ dừng lại ở Thái Lan mà còn ở thị trường như Pháp, Đức, Mỹ… vốn rất yêu thích nông sản nhiệt đới. Tuy nhiên, ông Paul Lê cho rằng, trước tiên cần phân loại các sản phẩm đang bị ùn tắc tại cửa khẩu cũng như nhà vườn để chọn ra các nông sản đạt tiêu chuẩn kinh doanh trong siêu thị cũng như xuất khẩu.

Mặc dù vậy, đây cũng chỉ là những giải pháp cấp bách, mang tính thời điểm. Về lâu dài, cần có các giải pháp chủ động và đồng bộ. Trong đó, các địa phương sản xuất nông nghiệp trọng điểm cần duy trì theo dõi, dự báo và lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ, nhất là thời điểm trước Tết Nguyên đán nhằm kiểm soát điều tiết được cung cầu hàng hóa nông sản phục vụ nhu cầu tại chỗ và xuất khẩu. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong điều tiết hàng nông sản xuất khẩu; Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, nông dân thực hiện các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; kiểm soát, chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý chặt chẽ đối với lái xe, người đi cùng phương tiện từ vùng trồng, vùng sản xuất, cơ sở chế biến đến chở hàng tiêu thụ, xuất khẩu tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Đáng lưu ý, mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh biên giới có cửa khẩu đã thông tin sớm đến các địa phương có sản lượng nông sản lớn nhưng công tác phối hợp vẫn chưa nhuần nhuyễn và hiệu quả dẫn đến tình trạng xe container liên tục đổ về các cửa khẩu dù đã ách tắc. Mặt khác, một số doanh nghiệp cũng chưa thực hiện nghiêm quy định 5K, dẫn đến một số lái xe nhiễm Covid-19, cho nên phía Trung Quốc kiểm soát người, phương tiện vận chuyển, bao bì hàng hóa nghiêm ngặt hơn, khiến tốc độ thông quan giảm mạnh.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nêu rõ: Hiện vẫn có nhiều ý kiến nói rằng thị trường Trung Quốc có giá tốt hơn, nên dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp với UBND tỉnh Lạng Sơn và thông tin rộng rãi đến các địa phương về việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, nhưng xe vẫn cứ ùn ùn lên cửa khẩu. Do đó, các doanh nghiệp cần tích cực thay đổi tư duy và thích nghi với điều kiện thực tế, chuyển hướng mạnh mẽ trong tiêu thụ nông sản.

Trong đó, một mặt hướng về thị trường nội địa; mặt khác với thị trường Trung Quốc thì phải chuyển sang xuất khẩu chính ngạch (hiện nay xuất khẩu chính ngạch mới chỉ chiếm 30%). Ngoài ra, cần tư duy phát triển tiêu thụ nông sản theo hướng đa thị trường, để tận dụng nhiều cơ hội, đồng thời giảm rủi ro khi có biến động tiêu cực tại bất kỳ thị trường nào.

Theo nhandan.vn

 

.
.
.