Thứ Hai, 14/02/2022, 10:01 (GMT+7)
.

Nông dân và những kỳ vọng đầu năm

Năm 2021, hoạt động sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và ở tỉnh nói riêng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tình hình tiêu thụ nông sản khó khăn, giá thấp khiến nhiều nông dân điêu đứng. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nông nghiệp vẫn khẳng định được vai trò “trụ đỡ” trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Bằng chứng là trong năm 2021 tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh vẫn duy trì ở mức dương, tăng 1,91% so với năm 2020. Khép lại năm 2021 với nhiều khó khăn, nông dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang quyết tâm và kỳ vọng trong năm 2022, hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ gặp thuận lợi, tình hình tiêu thụ, xuất khẩu nông sản khởi sắc để nông dân yên tâm sản xuất.

Ông Huỳnh Văn Hiệp kỳ vọng trong năm 2022 dịch Covid-19 sẽ được đẩy lùi để hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân được ổn định.
Nhiều nông dân mong muốn đầu ra nông sản được ổn định trong năm mới.

* ÔNG HUỲNH VĂN HIỆP, XÃ HỮU ĐẠO, HUYỆN CHÂU THÀNH:
Mong dịch bệnh sớm đẩy lùi, nông dân ổn định cuộc sống

2021 là năm khó khăn đối với nông dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện dịch bệnh đã được kiểm soát nên tôi cảm thấy rất phấn khởi. Tôi mong dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi để hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế được trở lại như trước, giúp nông dân ổn định cuộc sống.

Nhiều nông dân mong muốn đầu ra nông sản được ổn định trong năm mới.
Ông Huỳnh Văn Hiệp kỳ vọng trong năm 2022 dịch Covid-19 sẽ được đẩy lùi để hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân được ổn định.

* ÔNG NGUYỄN VĂN HÙNG, XÃ BÌNH TRƯNG, HUYỆN CHÂU THÀNH:
Đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Trải qua giai đoạn ảnh hưởng bởi hạn, mặn và dịch Covid-19, nông dân chúng tôi kỳ vọng giá trái cây sẽ ổn định. Bởi hiện giá trái cây khá bấp bênh, trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao, nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

Để thích ứng với tình hình mới, trong năm 2022, nông dân chúng tôi sẽ đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, gia đình sử dụng phân hữu cơ, thuốc an toàn sinh học trong sản xuất cây ăn trái nhằm tạo ra chất lượng trái tốt nhất.

* ANH TRẦN BÌNH TÂN, XÃ KIỂNG PHƯỚC, HUYỆN GÒ CÔNG ĐÔNG:
Mong các ngành, các cấp hỗ trợ tìm đầu ra cho nông sản

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, về lâu dài, để tạo đầu ra ổn định cho nông sản, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục rà soát lại quy hoạch để tạo sự đa dạng về cây trồng. Đồng thời, từng bước nâng chất lượng nông sản để đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Những năm qua, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tôi và người dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây lúa sang trồng thanh long.

Bước đầu, việc chuyển đổi mang lại hiệu quả, thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm 2021, do tác động của dịch Covid-19 cùng việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp khó nên đầu ra cho trái thanh long bị ách tắc.

Tôi và người dân địa phương phải bán thanh long với giá rất thấp dẫn đến thua lỗ trong vụ mùa tết. Trong năm 2022, tôi kỳ vọng và mong muốn các ngành chức năng và chính quyền địa phương hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho nông sản, như vậy bà con mới an tâm sản xuất.

Muốn làm được điều này, phải cần một tổ chức đứng ra đại diện cho nông dân, chứ họ không thể tự bơi. Do đó, trong thời gian tới, tôi cùng một số nông dân ở xã cùng chính quyền địa phương đã có kế hoạch thành lập hợp tác xã để từng bước tìm kiếm doanh nghiệp liên kết tiêu thụ nông sản.

* ÔNG LÊ VĂN PHƯỚC, XÃ TÂN PHÚ, HUYỆN TÂN PHÚ ĐÔNG:
Mong sớm hoàn thành dự án bổ cấp nước ngọt để tưới tiêu trong mùa khô

Những năm gần đây, hạn, mặn ảnh hưởng lớn đến việc trồng trọt của gia đình cũng như người dân địa phương. Dù tôi rất tâm huyết, mong muốn gắn bó lâu dài với cây mãng cầu Xiêm, nhưng không thể được. Do đó, gia đình tôi phải chuyển sang trồng dừa, chanh… để tìm hướng đi mới.

Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất vẫn là việc thiếu nước tưới cho cây trồng trong mùa khô. Trong năm mới, tôi mong muốn chính quyền địa phương sớm hoàn thành dự án trạm bơm bổ cấp nước ngọt cho khu vực này để cung cấp nước tưới tiêu trong mùa khô. Có như vậy, người dân mới an tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

M. THÀNH

.
.
.