.

Nhiều giải pháp tận dụng phụ phẩm từ trái mít

Cập nhật: 21:02, 31/03/2022 (GMT+7)

(ABO) Chiều 31-3, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang) phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nghiên cứu tận dụng phụ phẩm từ quả mít để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”.

Hội thảo do đồng chí Nguyễn Tấn Quốc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bạch Long Giang, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đồng chủ trì.

Tiền Giang là địa phương có diện tích mít lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 14.450 ha (chiếm 17,5% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh), tập trung ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, TX. Cai Lậy... Năng suất bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt 26,1 tấn/ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 241.177 tấn, chiếm 15,1 sản lượng cây ăn trái toàn tỉnh.

Vấn đề nan giải của trái mít hiện nay là khối lượng mít lớn hơn so với những loại trái cây khác. Cùng với đó, lượng xơ mít trong một trái lớn hơn hoặc tương đương thịt trái. Việc sử dụng một phần nhỏ gây lãng phí về kinh tế và nguồn nguyên liệu, chi phí xử lý rác phế liệu về môi trường.

Các đại biểu phát biểu tham luận tại Hội thảo.
Các đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo.

Do đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu tận dụng phụ phẩm từ quả mít để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng trên địa bản tỉnh Tiền Giang” nhằm mục tiêu khai thác triệt để các phần còn lại của trái mít (gồm hạt mít, xơ và vỏ trái mít), ứng dụng các công nghệ mới để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, góp phần nâng cao giá trị sử dụng cho trái mít.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia của nhóm nghiên cứu đã trình bày các tham luận về giải pháp khai thác phần còn lại của trái mít như: Thực trạng trồng, chế biến các sản phẩm từ mít và phụ phẩm của trái mít trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất tinh bột từ phụ phẩm hạt mít; nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất thức ăn ủ chua từ xơ và vỏ mít tại tỉnh Tiền Giang; nghiên cứu đánh giá hiệu quả của giá thể hữu cơ sau compost vỏ và xơ mít với vật liệu nông nghiệp địa phương khác nhau trên cây cải xanh. Qua thực nghiệm, các giải pháp đều cho thấy hiệu quả và tiềm năng sản xuất sản phẩm từ phần còn lại của trái mít.

Tại hội thảo, một số đại biểu góp ý để nghiên cứu hoàn thiện và gần với thực tiễn hơn như: Việc tổ chức thu gom nguyên liệu còn lại từ trái mít từ các vựa thu mua, cơ sở sơ chế trái cây; làm sao để đảm bảo giá trị và chất lượng của sản phẩm khi ra thị trường có đủ sức cạnh tranh…

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Tấn Quốc cho biết Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hoàn thiện các nghiên cứu để sớm ứng dụng vào thực tiễn nhằm đa dạng hóa các sản phẩm từ mít và góp phần gia tăng giá trị cho cây mít.

CAO THẮNG

.
.
.