.
VÌ SAO THANH LONG GIẢM SỨC HÚT?

BÀI 1: Qua thời vàng son?

Cập nhật: 09:04, 20/04/2022 (GMT+7)

Đề án Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án) đã mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, trước khó khăn trong việc tiêu thụ hiện nay, một số người dân đã “quay lưng” với cây trồng này.

Phong trào trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phát triển rất nhanh. Không riêng gì vùng đất Chợ Gạo, loại cây này còn được nông dân trồng nhiều ở khu vực Tân Phước và vùng Ngọt hóa Gò Công.

Thời vàng son của cây thanh long bắt đầu nhờ vào lợi nhuận mang lại rất cao, từ đó có sức hấp dẫn lớn đối với nông dân.

VƯỢT KẾ HOẠCH

Đăng Hưng Phước là một trong những xã có diện tích trồng thanh long lớn nhất ở tỉnh, với gần 1.000 ha. Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Hưng Phước Huỳnh Văn Thu cho biết, thời gian qua, xã đã tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đến nông dân. Thực tế cho thấy, Đề án đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trồng thanh long phát triển sản xuất; bởi nông dân được hưởng lợi từ việc đầu tư hệ thống giao thông, điện, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Điều này đã khơi nguồn để diện tích trồng thanh long trên địa bàn tăng nhanh trong thời gian qua.

Còn theo ông Nguyễn Thành Y, nông dân trồng thanh long tại huyện Chợ Gạo, thanh long cho lợi nhuận rất cao so với các loại cây trồng khác, chỉ mất 60 ngày từ lúc ra hoa là có thể thu hoạch. Nếu cây thanh long bị mai một, kinh tế của nông dân bị ảnh hưởng rất nhiều.

Thời gian qua, cây thanh long ở Tiền Giang phát triển nhanh về diện tích và sản lượng.
Thời gian qua, cây thanh long ở Tiền Giang phát triển nhanh về diện tích và sản lượng.

Chợ Gạo là địa phương dẫn đầu về diện tích trồng thanh long của tỉnh Tiền Giang, nhất là sau khi Đề án được triển khai thực hiện. Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng cho biết, từ năm 2005, địa phương xác định thanh long là 1 trong 2 cây trồng chủ lực của huyện. Năm 2007, Huyện ủy Chợ Gạo ban hành Nghị quyết chuyên đề để phát triển cây thanh long và sau đó, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Đề án để tập trung đầu tư khai thác loại cây ăn trái chủ lực này.

Trên cơ sở đó, diện tích thanh long của huyện phát triển mạnh, cơ sở hạ tầng phục vụ Đề án cũng được quan tâm đầu tư. Lợi nhuận từ cây thanh long giúp người dân trồng thanh long trên địa bàn huyện Chợ Gạo xây nhà cửa khang trang, đời sống nâng lên đáng kể…

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN-PTNT), hiện nay, việc xuất khẩu thanh long chính ngạch ở tỉnh chiếm tỷ lệ rất thấp từ 1% - 2%; xuất khẩu tiểu ngạch hơn 60%; chế biến khoảng 10%. Thị trường Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid”, những tháng qua các cửa khẩu tạm ngừng thông quan là nguyên nhân dẫn đến giá thanh long xuất thấp.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang, tính đến cuối năm 2021, diện tích trồng thanh long trong vùng Đề án đạt 9.472 ha (chiếm hơn 97% tổng diện tích thanh long toàn tỉnh), tăng 4.372 ha so với trước khi thực hiện Đề án. Trong vùng Đề án sản xuất chủ yếu các giống thanh long gồm: Ruột đỏ, ruột trắng, ruột tím hồng…; trong đó, diện tích thanh long ruột đỏ lớn nhất với khoảng 6.680 ha, chiếm hơn 70% diện tích.

Đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có xấp xỉ 10.000 ha trồng thanh long. Về lợi nhuận mang lại, theo thống kê của ngành Nông nghiệp năm 2019, nhà vườn trồng thanh long thu lợi nhuận 541 triệu đồng/ha, cao hơn trước khi thực hiện Đề án hơn 158 triệu đồng/ha. Trong 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên giá thanh long xuống thấp, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, bình quân 1 ha trồng thanh long, nông dân lãi từ 200 - 300 triệu đồng, gấp khoảng 10 lần so với trồng lúa. Thực tiễn cho thấy, cây thanh long thích nghi tốt ở cả 3 vùng đất trên địa bàn tỉnh gồm: Phù sa, mặn, phèn.

CÂN NHẮC VIỆC ĐỐN BỎ

Vào những ngày cuối tháng 3-2022, chúng tôi trở lại khu vực Chợ Gạo, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” thanh long ở tỉnh Tiền Giang, với hơn 7.000 ha. Tuy nhiên, sau thời gian dài giá thanh long xuống thấp, nhiều hộ dân đã bấm bụng phá bỏ cây “kinh tế” của gia đình. Không riêng gì huyện Chợ Gạo, tình trạng phá bỏ thanh long còn diễn ra ở một số xã cặp sông Tra của huyện Gò Công Tây.

Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Hưng Phước Huỳnh Văn Thu cho biết, trước tình trạng giá thanh long liên tục nằm ở mức thấp, diện tích thanh long ở xã hiện đã giảm khoảng 25 ha so với năm 2021. Về góc độ chính quyền địa phương, xã đã vận động nông dân nên bình tĩnh, không nên nôn nóng, chuyển sang các loại cây trồng có lợi nhuận cao. Bởi theo kinh nghiệm từ trước, khi nông dân “chạy theo” những cây trồng có lợi nhuận cao, khi thị trường có vấn đề nông dân tiếp tục chịu thiệt.

Nhìn tổng thể hơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng thông tin, từ cuối năm 2021 đến hết quý I-2022, diện tích thanh long trên địa bàn huyện giảm khoảng 500 ha. Đa phần các diện tích phá bỏ đã khai thác nhiều năm được nông dân chuyển qua trồng các cây khác, chủ yếu là dừa. Còn theo thống kê của Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh có hơn 500 ha thanh long bị phá bỏ chuyển sang cây trồng khác, nhiều nhất là ở các huyện Chợ Gạo, Tân Phước, Gò Công Tây.

Trên thực tế, việc nông dân phá bỏ thanh long hiện nay chủ yếu là do ảnh hưởng từ tình hình dịch Covid-19, giá cả xuống thấp. Nhìn từ góc độ thị trường, theo ông Trần Hữu Danh, Giám đốc Công ty TNHH Long Việt (huyện Chợ Gạo), thanh long hiện đang rớt giá rất sâu. Do đó, một số nông dân phá bỏ chuyển sang các cây trồng khác. Trong thời điểm mùa thuận vừa qua, có một số nhà vườn bỏ không thu hoạch.

Theo đánh giá của ông Danh, nguyên nhân chính khiến thanh long rớt giá là do tình hình dịch bệnh. Khi dịch bệnh xảy ra, các cửa khẩu phía Trung Quốc tạm ngừng thông quan. Hiện nay, các cửa khẩu đã mở trở lại, nhưng lượng xe vận chuyển nông sản sang Trung Quốc được thông quan rất ít. nên hàng hóa tồn động rất nhiều.

“Doanh nghiệp khi xuất hàng sang bên đó rất hồi hộp bởi chưa chắc gì qua được. Không riêng gì công ty mà tất cả các doanh nghiệp trong nước và Trung Quốc điều “dự phòng” rất nhiều do rủi ro rất cao. Việc xuất khẩu thanh long bằng đường biển hiện nay cũng rất khó khăn do giá thuê container cao. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thanh long của nước ta bị tồn đọng và rớt giá”- ông Trần Hữu Danh cho biết thêm.

THÁI AN - ANH THƯ

.
.
.