Thứ Ba, 17/05/2022, 09:14 (GMT+7)
.

189 ngày khởi nghiệp: Dự án đồng hành cùng những ai muốn thay đổi

Xuất thân là một kỹ sư xây dựng nhưng sớm nắm bắt xu thế của thế giới cũng như Việt Nam về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, anh Lê Trọng Kha (sinh ra và lớn lên tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã chọn hướng đi riêng cho mình về xây dựng hệ sinh thái công bằng trong khởi nghiệp. Mới đây, anh tiếp tục khởi xướng triển khai Dự án “189 ngày khởi nghiệp cùng bạn” (gọi tắt là Dự án 189 ngày) nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng bạn trẻ cả nước trong quá trình khởi nghiệp…

189 NGÀY KHỞI NGHIỆP

Anh Lê Trọng Kha bắt đầu với Dự án xã hội “Đi tìm đầu ra và nâng tầm giá trị nông sản Việt” vào năm 2015. Đến năm 2016, anh sáng lập thương hiệu LeKhaMart (trụ sở tại đường 7A, cư xá Bình Thới, phường 8, quận 11, TP. Hồ Chí Minh) nhằm kết nối những nông dân, nhà sản xuất chân chính với nhau, từ đó hình thành những vùng chuyên canh sản xuất nông sản lớn đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu và chế biến sau thu hoạch được dễ dàng hơn.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan gian hàng của LeKhaMart tại Hội nghị Xúc tiến thương mại được tổ chức tại TP. Hà Nội.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan gian hàng của LeKhaMart tại Hội nghị Xúc tiến thương mại được tổ chức tại TP. Hà Nội.

Hơn 6 năm qua, thường xuyên tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm Việt Nam tại các hội chợ, hội thảo xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước, anh Kha nhận thấy nhu cầu thị trường còn nhiều tiềm năng, đòi hỏi nông dân, nhà sản xuất cần tư duy đúng và cần hợp tác với người làm thương mại để giải quyết bài toán đầu vào, đầu ra sao cho hiệu quả, góp phần nâng tầm giá trị nông sản Việt.

Khi tham quan, học tập, trải nghiệm tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc... cùng kinh nghiệm giải quyết nhiều vấn đề liên quan trong giai đoạn khởi nghiệp, anh Kha mong muốn được phối hợp với các tỉnh, thành để chia sẻ, hỗ trợ, làm cầu nối giúp các bạn trẻ giảm thiểu rủi ro, gặt hái thành công trên bước đường khởi nghiệp.

Trong tháng 4-2022, Ban Chủ nhiệm Dự án 189 ngày có văn bản đề nghị lãnh đạo UBND của 63 tỉnh, thành hỗ trợ, tạo điều kiện triển khai dự án. Đồng thời, đề nghị tỉnh, thành cung cấp thông tin về định hướng quy hoạch, phát triển một số sản phẩm chủ lực của địa phương đến năm 2030 để giúp các thành viên dự án có cơ sở phối hợp triển khai một số dự án khởi nghiệp mà địa phương có tiềm năng, lợi thế. Các start-up ở các tỉnh, thành có thể đăng ký tham gia dự án theo đường
link: https://forms.gle/sKE8mxUwdD12TrKx7.

Dự án 189 ngày được khởi xướng nhằm hỗ trợ cho các bạn trẻ bắt đầu khởi nghiệp (start-up) hoặc trong giai đoạn chuẩn bị khởi nghiệp tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Theo anh Kha, dự án có tên Dự án 189 ngày là do được triển khai tại 63 tỉnh, thành (mỗi tỉnh, thành sẽ tổ chức gặp mặt trực tiếp các bạn khởi nghiệp trong 3 ngày) và chia làm 3 giai đoạn: Nghiên cứu và đánh giá (tháng 1-2022 đến tháng 4-2023); Tạo quỹ hỗ trợ cùng khởi nghiệp (tháng 5-2023 đến tháng 5-2025); Giáo dục và tiếp cận cộng đồng (tháng 6-2025 đến tháng 6-2027).

Về đối tượng tham gia là tất cả start-up quan tâm đến chủ đề về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa hợp tác, khởi nghiệp tinh gọn, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng thương hiệu… cùng với mong muốn tìm đầu ra cho sản phẩm, dịch vụ của mình và không giới hạn lĩnh vực. Trong 3 ngày gặp gỡ tại địa phương, các bạn trẻ sẽ có cơ hội giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác, trao đổi, cung ứng sản phẩm, dịch vụ mà mình có nhu cầu hoặc có lợi thế. Và hoạt động khởi nghiệp sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là tập trung tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho các start-up trong lĩnh vực nông nghiệp.

HIỆU ỨNG KHI THAM GIA DỰ ÁN

Theo Lê Trọng Kha, trong 3 ngày làm việc tại địa phương, ngoài được chia sẻ kiến thức, trao đổi, giao lưu với các doanh nhân và lãnh đạo địa phương, các thành viên còn được tham quan thực tế tại một số cơ sở sản xuất và được học hỏi kinh nghiệm, cách thức các chuyên gia thực hiện hoạt động tư vấn, hỗ trợ bạn trẻ tháo gỡ khó khăn trong quá trình khởi nghiệp.

Theo đó, những lợi ích của thành viên khi tham gia Dự án 189 ngày là được thảo luận sâu về văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề chữ tín trong kinh doanh; làm rõ khái niệm “khởi nghiệp tinh gọn” nhằm tối ưu hóa chi phí gắn với triển khai và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc…; vấn đề thiết kế, xây dựng nhãn hiệu, đặt tên sản phẩm, khi nào cần làm bảo hộ thương hiệu, bảo hộ ở đâu…

Anh Lê Trọng Kha tại vườn của mình.
Anh Lê Trọng Kha tại vườn của mình.

Về lâu dài, Dự án 189 ngày còn cử nhân viên trực tiếp đến tư vấn, giúp đối tác xác định nhu cầu của thị trường trước khi tạo ra sản phẩm; tư vấn kỹ thuật đóng gói, vận chuyển, bảo quản nông sản giữ được độ tươi ngon lâu; tư vấn việc lựa chọn phân khúc thị trường, khu vực bán hàng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng…

Đồng thời, hỗ trợ thành viên hoàn thiện quy trình sản xuất, cải tiến bao bì, nhãn mác, đóng gói sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quy định của Việt Nam và quốc gia nhập khẩu cũng như đảm bảo an toàn cho sản phẩm trong quá trình vận chuyển, bảo quản… “Ngoài giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho các thành viên tại các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước, với số lượng thành viên đông đảo trong cả nước tham gia Dự án 189 ngày (trên vài ngàn người), họ hoàn toàn có thể trở thành đối tác trong cung ứng đầu vào, hỗ trợ tiêu thụ đầu ra hiệu quả” - anh Kha cho biết thêm.

Về nguồn kinh phí hoạt động, Dự án 189 ngày kéo dài 5 năm dự kiến sẽ vận động từ một số nhà tài trợ cùng sự đóng góp của các thành viên để hình thành Quỹ Khởi nghiệp của dự án. Kết thúc giai đoạn 1, Ban Chủ nhiệm Dự án 189 ngày sẽ có báo cáo tổng hợp gửi Chính phủ, các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành và đề xuất hỗ trợ kinh phí triển khai cho giai đoạn tiếp theo, nhất là kinh phí từ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

VĂN XĨ - TUẤN LÂM

.
.
.