Thứ Ba, 24/05/2022, 08:17 (GMT+7)
.
"BÃO GIÁ" ĐÈ NẶNG NGƯỜI DÂN

Bài cuối: Áp lực đè nặng người dân

BÀI 1: Hàng hóa "té nước theo mưa"

Với việc nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng, áp lực thêm đè nặng với người dân.

Những ngày qua, khi giá xăng, dầu tăng trở lại và lập đỉnh mới đã dẫn đến các khoản chi phí phục vụ sinh hoạt hằng ngày của người dân tăng theo. Chi phí cho việc chi tiêu tăng, nhưng thu nhập không tăng, nhiều người phải thắt chặt chi tiêu.

Ông Lượm chật vật kiếm sống từ việc bán vé số lẻ.
Ông Lượm chật vật kiếm sống từ việc bán vé số lẻ.

THẮT CHẶT CHI TIÊU

Chị Trần Thị Thanh Ngân đang là công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Tân Hương (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Do giá xăng tăng cao nên mỗi ngày chị phải bỏ ra khoảng 35.000 đồng để di chuyển đến công ty và về nhà. Tính ra mỗi tháng, chị mất 900.000 đồng cho việc đi lại. “Trước đây, mỗi ngày tôi làm ca 8 giờ, từ khi xăng, dầu tăng giá, tôi thường xuyên xin tăng ca để có tiền bù vào chi phí xăng xe. Do có con nhỏ, chi tiêu trong gia đình rất khó khăn, nên khoản chi phí xăng xe đối với tôi rất quan trọng” - chị Ngân chia sẻ.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ cũng đang chịu tác động lớn của giá xăng, dầu. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Nhật, những ngày qua, tình hình phục hồi du lịch trên địa bàn tỉnh khá tốt. Mỗi ngày doanh nghiệp đón khoảng vài trăm lượt khách đến tỉnh. Đi cùng với việc phục hồi này, nguồn nhân lực phục vụ du lịch của công ty cũng trở lại làm việc, đặc biệt là lực lượng lái tàu.

Đội ngũ lái tàu này đều được công ty hợp đồng trả lương theo tháng, không trả theo chuyến như một số doanh nghiệp khác. Với việc giá xăng, dầu tăng quá cao, mỗi chuyến chở khách đi tham quan, chi phí cũng tăng nhiều. Khoản chi phí tăng thêm này doanh nghiệp phải gánh, trong khi đó giá tour không thể điều chỉnh tăng do đã ký hợp đồng trước đó.

Cùng chung nỗi lo với nhiều người lao động khác, dù đã theo nghề được 2 năm, nhưng chưa bao giờ anh Kiệt (nhân viên chuyển phát nhanh tại huyện Châu Thành) phải chật vật với giá xăng, dầu như hiện nay.

Do tính chất công việc phải di chuyển liên tục để chuyển phát đơn hàng nên mỗi ngày anh di chuyển không dưới 50 km. Với giá xăng ở thời điểm này, trung bình chi phí xăng xe vào khoảng 40.000 đồng/ ngày, ước tính mỗi tháng khoảng 1,2 triệu đồng.

Trong khi đó, mỗi đơn hàng giao thành công, tiền công sẽ được tính theo số lượng đơn hàng và quãng đường vận chuyển. Đơn hàng càng xa và nặng thì tiền công vận chuyển sẽ cao hơn, nhưng đổi lại không thể giao nhiều đơn hàng cùng lúc vì rủi ro hư hỏng cao, tiêu tốn nhiều thời gian. “Với giá xăng hiện nay, mỗi đơn hàng giao, tôi lời không nhiều. Hiện tôi đã chuyển sang sử dụng loại xăng E5, thay cho loại RON 95 để giảm chi phí di chuyển” - anh Kiệt chia sẻ thêm.

Còn đối với trường hợp của chị Nguyễn Tài Linh, sinh viên Trường Đại học Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long), trước đây, chị về thăm gia đình 3 - 4 lần/tháng. Từ khi giá xăng tăng cao, việc về quê không còn thường xuyên như trước, do chi phí đi lại tăng cao. Theo chị Linh, nếu trong thời gian tới, xăng, dầu vẫn tiếp tục đà tăng giá, có thể chị phải dần chuyển sang đi xe đạp để tiết kiệm chi phí.

NGƯỜI YẾU THẾ THÊM KHÓ

Có thể nói, cơn “bão giá” đang càn quét đời sống người dân, việc xoay trở về “bài toán” chi phí đang khiến nhiều người “đau đầu”, đặc biệt là đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Theo ông Võ Chí Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hữu Thành Phát, hiện nay người tiêu dùng bắt buộc phải chấp nhận việc giá hàng hóa tăng, từ đó dẫn đến việc chi tiêu tiết kiệm lại. “Ở công ty của tôi, nhân viên tiếp thị hoặc giao hàng được hỗ trợ tiền xăng 1 triệu đồng/tháng. Tôi biết 1 triệu đồng đó không đủ cho chi phí đi lại. Tuy nhiên, nếu tăng theo mức tăng của hàng hóa hiện nay thì doanh nghiệp sẽ không gồng gánh nổi” - ông Thành chia sẻ.

Ngày nào cũng vậy, đúng 7 giờ sáng là ông Lê Tấn Quốc Việt (phường 7, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) lại ra ngã tư Hùng Vương - Nguyễn Trãi để chạy xe ôm. Sau đại dịch, số người đi xe ôm giảm dẫn đến thu nhập của ông cũng giảm. Có ngày, ông không chạy được chuyến xe ôm nào. Những ngày qua, giá xăng tăng càng làm cho công việc chạy xe ôm của ông càng thêm khó khăn.

Dù giá xăng tăng, nhưng do khách ít nên ông cũng không dám tăng giá. Ông Việt chia sẻ: “Trước đây, mỗi chuyến xe ôm trong nội ô TP. Mỹ Tho, tôi lấy giá trung bình 20.000 đồng. Bây giờ, dù giá xăng tăng, nhưng tôi cũng không thể lên giá. Vợ tôi bị bệnh, tôi là lao động chính trong gia đình. Có đứa con trai ở chung nhưng cũng có gia đình nên chỉ phụ chi phí điện, nước hằng tháng. Cái gì cũng tăng giá nên cuộc sống gia đình hơi vất vả” - ông Việt bày tỏ.

Còn đối với ông Võ Văn Lượm (phường 3, TP. Mỹ Tho), đến nay ông đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề bán vé số lẻ. Dù tuổi đã cao, nhưng ông Lượm đang là lao động chính trong nhà. Mỗi ngày ông bán được 80 tờ vé số, lời khoảng 100.000 đồng. Do phải chạy ăn từng bữa nên ông không có tiền để lấy vé số trực tiếp tại đại lý mà lấy qua một trung gian khác với giá cao hơn. Mỗi lần ông chỉ lấy khoảng vài chục tờ vé số, bán hết mới lấy tiếp. Từ Tết Nguyên đán 2022 đến nay, cuộc sống gia đình càng khó khăn khi vật giá leo thang, số tiền ít ỏi ông kiếm được từ việc bán vé số phải rất gói ghém mới có thể trang trải chi tiêu trong gia đình.

A. THƯ - L. MINH

 

.
.
.