Thứ Tư, 11/05/2022, 09:28 (GMT+7)
.
CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH CỦA TIỀN GIANG NĂM 2021:

Nhìn về Tính năng động

Trong bộn bề những khó khăn của cả năm 2021 dưới sự càn quét của vi rút SARS-CoV-2, nhưng Tiền Giang vẫn để lại những điểm son đáng kể, nhất là thông qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021.

Tính năng động, một trong những chỉ số thành phần trong cơ cấu PCI, của Tiền Giang đã bật lên cho thấy sự ghi nhận từ cộng đồng doanh nghiệp thông qua các giải pháp điều hành kịp thời của tỉnh trong giai đoạn khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

LINH HOẠT ỨNG PHÓ

Nhìn vào thực tiễn cho thấy, năm 2021 dịch Covid-19 kéo dài đã tác động rất lớn đến nhiều mặt của đời sống - xã hội; trong đó, có khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (SXKD). Chuỗi sản xuất hàng hóa bị đứt gãy, sản xuất đình trệ, rất nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động.

Trong bộn bề khó khăn đó, nhiều giải pháp được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành kịp thời nhằm từng bước ổn định và phục hồi SXKD; trong đó, phương án “3 tại chỗ” đã được nhiều doanh nghiệp tính đến nhằm duy trì sản xuất, ổn định đời sống người lao động. Dù vậy, hầu hết doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động với nhiều lý do khác nhau.

Thế nhưng, thực hiện được phương án này cũng là điều rất khó khăn, do chưa có tiền lệ, phát sinh chi phí và yêu cầu đặt ra là sự an toàn cho người lao động. Để thực hiện được mục tiêu này, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, nhưng UBND tỉnh vẫn định kỳ họp với khối các doanh nghiệp nhằm kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn.

Tiền Giang kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn đã tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tiền Giang kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn đã tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thông qua nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, điều hành và vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, nhiều dự án lớn đã kịp về đích đúng tiến độ, góp phần giữ vững niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, đáng chú ý là: Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Dự án Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, Dự án Điện gió Tân Phú Đông 2… Trong khó khăn, hành động kịp thời đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm.

Khi đánh giá về công tác điều hành trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là đối với khối doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng nhấn mạnh, bài học kinh nghiệm đầu tiên là điều hành rất quyết liệt và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh. Ngoài sự quyết tâm, còn có đồng hành của doanh nghiệp, mặc dù chi phí thực hiện “3 tại chỗ” rất lớn như: Các doanh nghiệp phải lo chỗ nghỉ, làm, ăn, đi lại của công nhân; chi phí cho công tác phòng, chống dịch khác như khẩu trang, diệt khuẩn xét nghiệm… và cả rủi ro. Bài học kinh nghiệm nữa là khi gặp tình huống khó khăn, vướng mắc, tỉnh đã trực tiếp, nhanh chóng, kịp thời cùng với doanh nghiệp để tháo gỡ, chẳng hạn cho doanh nghiệp xét nghiệm, tiêm vắc xin, tìm nguồn lao động…

Tính năng động của Tiền Giang còn được thể hiện thông qua những hành động kịp thời khác. Ngay khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Tiền Giang đã tính toán ngay kế hoạch khôi phục kinh tế - xã hội. Riêng trong các lĩnh vực khôi phục hoạt động SXKD, tỉnh cũng ban hành kế hoạch để các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế lựa chọn mô hình phù hợp.

Bằng chứng là ngay khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, ngày 28-10-2021, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Công văn 6526 hướng dẫn thực hiện các phương án SXKD đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; các doanh nghiệp quyết định lựa chọn các phương án hoạt động SXKD gắn với phòng, chống dịch Covid-19. Điểm nhấn quan trọng là đến cuối tháng 12-2021, gần như 100% doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp đã hoạt động trở lại theo quỹ đạo bình thường mới.

THAY ĐỔI TƯ DUY LÃNH ĐẠO

Nhìn xa hơn, Tiền Giang đã bắt đầu chuyển mình khá lâu, nhất là thay đổi tư duy lãnh đạo, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, hỗ trợ. Bởi Tiền Giang luôn xác định muốn thay đổi môi trường đầu tư, kinh doanh phải thay đổi chính mình, trong đó các thành viên UBND và Thường trực UBND tỉnh phải đi tiên phong; tiếp theo là các tổ liên ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành.

Điểm cần thay đổi trước tiên là trong cách tiếp xúc với các nhà đầu tư; đồng thời, thay đổi hệ thống nhân sự liên quan đến xúc tiến đầu tư, cần đảm bảo đúng ngành, đúng nghề và am hiểu nhiều lĩnh vực có liên quan để giúp nhà đầu tư cảm thụ được chính sách của tỉnh. Có lẽ được khơi nguồn từ tư duy đó, nên hình ảnh của Tiền Giang đã được thay đổi khá lớn dưới góc nhìn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Một trong những điểm nhấn là Tiền Giang hiện tiếp tục giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp không quá 15 ngày (Luật quy định 35 ngày) khi nhận được hồ sơ hợp lệ; đối với các dự án trong khu, cụm công nghiệp là 9 ngày; tiếp nhận và giải quyết thủ tục đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tối đa 2 ngày làm việc (quy định 3 ngày)…

Tính năng động có điểm số cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây trong cơ cấu các chỉ số thành phhần PCI của tỉnh Tiền Giang năm 2021 vừa được VCCI công bố, với 6,83 điểm, tăng 1,01 điểm so với năm 2020.

Nếu như năm 2011, Tính năng động của Tiền Giang chỉ đạt 1,93 điểm, nằm trong nhóm chỉ số thành phần thấp điểm nhất của PCI năm đó. Tính năng động sau đó có thay đổi theo chiều hướng tăng giảm trong các năm liền sau, đặc biệt là tăng mạnh lên 6,6 điểm vào năm 2012, sau đó quay đầu giảm trong các năm 2013, 2014 và 2016, sau đó tăng trở lại và bật cao vào năm 2021.

Đây cũng là một trong những chỉ số thành phần có mức tăng điểm cao, góp phần đưa PCI nằm 2021 của Tiền Giang tăng 12 bậc so với năm 2020. Nếu so sánh từ năm 2006 đến nay, điểm số Tính năng động của PCI năm 2021 nằm ở mức cao thứ nhì (sau năm 2009, với 7,43 điểm, PCI xếp hạng 9/63 tỉnh, thành và là năm Tiền Giang có chỉ số PCI cao nhất kể từ khi PCI được thực hiện vào năm 2006 đến nay).

Một trong những điểm nhấn khác thể hiện tinh thần đổi mới là Tiền Giang đã thành lập và đi vào hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, Tổ thẩm định dự án đầu tư ngoài ngân sách, Tổ tiếp xúc đầu tư cấp tỉnh, cấp huyện, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp... đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp...

Đồng thời, tỉnh cũng đã xây dựng, cập nhật thường xuyên Danh mục dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh với đầy đủ thông tin liên quan: Mục tiêu dự án, hiện trạng đất đai, giá đất tạm tính, cơ quan quản lý... và tổ chức công bố công khai thông qua các kênh thông tin đại chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư ngay từ khâu tiếp cận nghiên cứu, tìm hiểu dự án...

Nhìn từ đòi hỏi của thực tiễn và quyết tâm trong việc cải thiện hình ảnh của tỉnh, trao đổi gần đây Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Thông cho rằng, PCI là một trong những thước đo hành động của chính quyền. PCI thúc đẩy những hoạt động thực chất nhằm cải thiện chất lượng điều hành và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Dựa trên những thực chứng từ kết quả PCI là cơ sở để chính quyền địa phương tìm tòi và phát triển những ý tưởng cải cách.

Từ đó, những năm qua, Tiền Giang đã nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thân thiện, thông thoáng và minh bạch, tạo thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp; doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo động lực, thu hút nhanh nguồn lực đầu tư xã hội vào tỉnh.

Thời gian qua, Tiền Giang cũng đã triển khai nhanh chóng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, chủ động nắm bắt hoạt động SXKD của doanh nghiệp, từ đó xây dựng các giải pháp hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh bị ảnh hưởng hết sức nặng nề của đại dịch Covid-19.

Trên bức tranh tổng thể, Chỉ số Tính năng động, nằm trong cơ cấu PCI, nhằm đo lường tính sáng tạo, sáng suốt của chính quyền tỉnh trong quá trình thực thi chính sách của Trung ương, trong việc đưa ra những sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách đôi khi chưa rõ ràng của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, cũng như tính hiệu lực thực thi của các cấp sở, ngành và huyện, thị, thành với các chủ trương của lãnh đạo tỉnh.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI, Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), bài học rút ra được từ các cuộc khảo sát, phỏng vấn doanh nghiệp là đánh giá một môi trường kinh doanh tốt không phải nhờ những bản kế hoạch hành động hoành tráng, số lượng văn bản ban hành dày đặc, hay những ngôn từ tốt đẹp, mà phải nhìn từ việc thực hiện từng thủ tục hành chính cụ thể. Đó là điểm trải nghiệm đầu tiên của doanh nghiệp, nhà đầu tư với chính quyền địa phương…

THẾ ANH

.
.
.