.

Bài 2: Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch

Cập nhật: 09:10, 08/06/2022 (GMT+7)

Bài 1: Xuất khẩu thanh long chính ngạch gặp khó do đâu?

Trung Quốc là thị trường rất lớn và tiềm năng trong việc xuất khẩu nông sản của nước ta. Tuy nhiên, thời gian qua, phần lớn nông sản của nước ta, trong đó có Tiền Giang chủ yếu xuất bằng đường tiểu ngạch, tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch vẫn còn thấp. Không thể phủ nhận việc xuất khẩu tiểu ngạch đã giải quyết một lượng lớn nông sản của nước ta, nhưng hình thức xuất khẩu này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát vừa qua. Phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn về việc tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh.

* PV: Xin đồng chí cho biết vì sao tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch của Tiền Giang còn thấp?

* Đồng chí Đặng Văn Tuấn: Xuất khẩu nông sản qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay diễn ra chủ yếu thông qua 2 hình thức là: Xuất khẩu thương mại quốc tế thông thường (hay còn gọi là chính ngạch); xuất khẩu qua hình thức trao đổi của cư dân biên giới (hay còn gọi là tiểu ngạch).

Tỷ lệ xuất khẩu thanh long chính ngạch còn rất thấp.
Tỷ lệ xuất khẩu thanh long chính ngạch còn rất thấp.

Theo quy định của Trung Quốc, hàng hóa nhập khẩu vào nước này theo hình thức trao đổi cư dân biên giới sẽ được hưởng một số ưu đãi nhất định. Cụ thể là được miễn kiểm dịch, không cần hợp đồng, không cần thanh toán qua ngân hàng và được miễn thuế nếu hàng hóa trao đổi không vượt quá 8.000 Nhân dân tệ/người/ngày.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng hình thức trao đổi cư dân để buôn bán, cụ thể là lập danh sách cư dân, sau đó gom tiêu chuẩn miễn thuế của cư dân để nhập khẩu hàng, đây chính là hoạt động tiểu ngạch. Hàng hóa xuất khẩu vào Trung Quốc nếu không phải theo hình thức trao đổi cư dân biên giới, sẽ đều là hàng xuất khẩu chính ngạch.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh (chính ngạch) ước đạt 6.812 tấn với kim ngạch đạt 15 triệu USD (chiếm 0,75% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh), giảm 6,21% về lượng và tăng 3% về trị giá. Rau, quả của tỉnh đã xuất qua hơn 25 thị trường như: Hoa Kỳ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Trái cây của tỉnh chủ yếu là xuất khẩu trái cây tươi (đông lạnh), trái cây đóng lon, sản phẩm cô đặc…

Trong đó, xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc chiếm 2,23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau, quả của tỉnh. Nguyên nhân xuất khẩu chính ngạch nông sản của Tiền Giang qua thị trường Trung Quốc còn ở tỷ lệ thấp là do một bộ phận không nhỏ thương nhân và nông dân chọn xuất khẩu qua thị trường này theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch).

Vì xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch, mặt hàng nào cũng có thể bán được, mặt hàng sản xuất theo tiêu chuẩn nào cũng có thể bán được. Đặc biệt là nông sản, có thể không cần mã số vùng trồng hay mã số doanh nghiệp. Bao bì, đóng gói cũng không cần theo tiêu chuẩn xuất khẩu, các loại quả có thể dùng rơm để lót và đựng trong bao bì thô sơ như sọt, bao tải dứa… Bên cạnh đó, các loại trái cây, nông sản chưa được Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính thức vẫn xuất khẩu tiểu ngạch được bình thường.

Hiện nay, Trung Quốc mới cho phép 9 loại trái cây của Việt Nam (thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt) được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, nhưng trong đó chỉ đàm phán và ký được một Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái măng cụt. Do đó, việc thông quan các loại trái cây còn lại tỷ lệ kiểm tra khi thông quan cao, dẫn đến thời gian kéo dài.

Xuất khẩu tiểu ngạch có ý nghĩa quan trọng với nhiều mặt hàng, nhưng do không được phân định với xuất khẩu chính ngạch, không được thống kê, tổng hợp riêng nên việc đánh giá, nhận định về hoạt động tiểu ngạch gặp rất nhiều khó khăn.

Chuyển đổi sản xuất và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ để sản xuất thanh long bền vững.
Chuyển đổi sản xuất và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ để sản xuất thanh long bền vững.

Xuất khẩu tiểu ngạch chủ yếu tập trung tại 3 cửa khẩu là Kim Thành (Lào Cai), Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh). Do đó, mỗi khi nông sản vào vụ thu hoạch thì xảy ra ùn ứ do không thể chuyển hàng hóa sang các cửa khẩu khác và cũng không thể tận dụng các phương thức vận chuyển khác như đường sắt, đường biển và đường hàng không.

Có thể nói, các ưu đãi của Trung Quốc đối với hình thức trao đổi cư dân biên giới kết hợp với chính sách có tính tương thích cao của Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn đến việc hình thành xuất khẩu tiểu ngạch tồn tại và phát triển.

* PV: Trong thời gian tới, tỉnh có giải pháp gì để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch?

* Đồng chí Đặng Văn Tuấn: Để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp. Trước hết, tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều phải thực hiện nghiêm túc các quy định về bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, ghi nhãn hàng hóa...

Đồng thời, đẩy mạnh việc đăng ký vùng trồng cũng như công tác truy xuất nguồn gốc để tạo điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch và giảm thời gian thông quan hàng hóa. Song song đó, tỉnh cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sản xuất theo kế hoạch, quy hoạch, giảm sản xuất tự phát, tăng sản xuất theo tín hiệu thị trường và theo đơn đặt hàng. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, hộ kinh doanh áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị nông sản chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp; đồng thời, chú trọng phát triển hệ thống kho trữ, bảo vệ nông sản. Cùng với đó là phổ biến và hướng dẫn các hộ dân về phương thức sản xuất, nuôi trồng, đóng gói, chế biến... để đáp ứng tiêu chuẩn của từng nước, từng khu vực nhập khẩu; tập huấn, cung cấp thông tin về các FTA, đặc biệt là các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa… đối với những thị trường tiềm năng, sản phẩm hàng hóa của tỉnh có khả năng xuất khẩu với số lượng lớn.

Ngoài ra, các ngành chức năng phải hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, ứng dụng khoa học công nghệ và các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và ngoài nước với chi phí thấp.

ANH PHƯƠNG - TRỌNG ĐẠT

.
.
.