Thứ Bảy, 04/06/2022, 14:50 (GMT+7)
.

ĐBQH tiếp tục đề nghị giảm ngay thuế xăng dầu ​

Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu, vì để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến hiệu ứng domino giá cả các mặt hàng khác.

Chiều 3-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Thảo luận về 2 dự thảo luật này, đáng chú ý, ĐB Đỗ Đức Hiển (TPHCM) và các ĐBQH đều chung quan điểm: Cả 2 luật này đều phải đảm bảo yêu cầu về an ninh quốc phòng, do đó cần rà soát thật kỹ các quy định.

Đáng chú ý, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia, bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế..

Thảo luận về luật này, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, Luật Dầu khí được ban hành năm 1993, đã qua mấy lần sửa đổi, nhờ có luật mà hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí Việt Nam đã phát triển, góp phần vào phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, những năm gần dây, sản lượng khai thác dầu khí của chúng ta đang trên đà suy giảm: từ mức 17 triệu tấn năm 2016, năm 2021 chỉ còn 11 triệu tấn. Hiện, muốn khai thác tiếp thì phải khai thác, thăm dò ở vùng nước sâu, xa bờ, có điều kiện thi công phức tạp, do đó cần những cơ chế, chính sách cho ngành dầu khí.

a
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, những năm gần đây, khi có những cú sốc xăng dầu đơn cử khi có xung đột Nga - Ukraine, nhiều quốc gia có chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực xăng dầu, như Malaysia hiện giá xăng dầu rất thấp. “Chúng ta có những quy định, chính sách hỗ trợ cho ngành dầu khí nhưng chưa được luật hóa, do đó ủng hộ sửa luật dầu khí”, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu. Tuy nhiên, theo ĐB, những quốc gia khai thác dầu mỏ thì dân phải được thụ hưởng từ việc khai thác đó, trong bối cảnh hiện nay, không có lý do gì mà không sử dụng các công cụ để giảm giá xăng dầu nhằm chia sẻ khó khăn với người dân.

ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều thách thức, đời sống người lao động, người dân, người nghèo đang gặp nhiều khó khăn do giá cả xăng dầu và một số mặt hàng tăng cao. Bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng đã làm gia tăng khủng hoảng năng lượng, xăng dầu, khí đốt, khủng hoảng nhân đạo và đe dọa an ninh lương thực toàn cầu, gây áp lực đến lạm phát toàn thế giới và nhiều quốc gia.

Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến 2 biến số quan trọng, đó là giá xăng dầu và giá lương thực.

Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu, vì để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến hiệu ứng domino giá cả các mặt hàng khác.
“Đề nghị giảm ngay thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong thời điểm này, bởi giá xăng dầu thế giới vẫn sẽ còn nhiều bất ổn. Xa hơn, cần trình Quốc hội giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng dầu… Phải bảo đảm người dân được thụ hưởng khi Việt Nam có sản lượng khai thác dầu khá lớn”, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.

a
Đại biểu Lê Thanh Phong (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

Về chính sách ưu đãi đầu tư, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt (Luật chỉ nêu nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết hoặc giao Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cụ thể). Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, giữ nguyên các mức ưu đãi theo quy định hiện hành, cụ thể giữ nguyên mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32% và thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10%, tỷ lệ thu hồi chi phí là 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.

ĐB Lê Thanh Phong (TPHCM) cho rằng, Luật dầu khí sửa đổi phải bảo đảm vừa phát triển kinh tế vừa bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo, do đó đồng tình tạo điều kiện để các nhà đầu tư khai thác được thuận lợi. “Và khi khai thác được dầu thì khi đó, người dân phải được thụ hưởng, vì dầu khí là tài sản sở hữu toàn dân. Cần quy định sản lượng dầu khí khai thác được phải phục vụ trước hết ở thị trường trong nước, tránh tình trạng như vừa qua, khi giá xăng dầu tăng thì các cửa hàng xăng đóng cửa không bán cho dân. Trong bối cảnh giả cả bất ổn hiện nay, đề nghị phải bảo đảm việc chủ động an ninh năng lượng quốc gia, có chính sách để bảo hộ với mặt hàng xăng dầu”, ĐB Lê Thanh Phong phát biểu.

Trước đó, trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều ĐBQH cũng đề nghị giảm các loại thuế đối với mặt hàng xăng dầu để kiềm chế giá xăng dầu.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.