Thứ Năm, 07/07/2022, 08:49 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Tạo động lực để kinh tế tư nhân phát triển

(ABO) Tiền Giang đã và đang xây dựng môi trường thân thiện, cởi mở để thu hút đầu tư, đồng thời tạo động lực để kinh tế tư nhân phát triển.

Để thay đổi hình ảnh, tạo sân chơi lành mạnh, tạo môi trường khởi nghiệp, sáng tạo cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, những năm gần đây, Tiền Giang đã không ngừng nỗ lực thông qua việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro nhằm thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, theo cơ chế thị trường.

Một trong những chủ trương lớn là Tiền Giang không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thực hiện cải cách hành chính. Điểm nhấn quan trọng là rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhằm kéo giảm chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Tiền Giang không ngừng gia tăng.
Doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Tiền Giang không ngừng gia tăng.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong lĩnh vực đăng ký đầu tư và thành lập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài, rút ngắn thời gian thực hiện so với quy định. Hiện Tiền Giang đã rút ngắn thời gian trả kết quả đối với hồ sơ thành lập doanh nghiệp còn 2 ngày (quy định tối đa 3 ngày); thời gian giải quyết thủ tục chấp nhận chủ trương đầu tư đối với dự án trong các khu, cụm công nghiệp còn 9 ngày và đối với dự án nằm ngoài khu, cụm công nghiệp còn 20 ngày (quy định tối đa là 35 ngày). Ngoài ra, các thủ tục về thuế, đất đai, xây dựng cũng theo hướng tinh gọn, hiệu quả và có lợi cho nhà đầu tư.

Bên cạnh việc kiến tạo môi trường đầu tư, Tiền Giang cũng không ngừng thực hiện các giải pháp nhằm bãi bỏ các rào cản, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và nguồn lực; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.

Đánh giá về nỗ lực của Tiền Giang trong việc kiến tạo môi trường đầu tư, trao đổi gần đây ông Đỗ Văn Triều, Giám đốc Toyota Tiền Giang, cho biết chính quyền địa phương hỗ trợ rất tốt. Từ khi thành lập đến nay, Toyota Tiền Giang luôn nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ rất kịp thời của các sở, ngành và địa phương. “Môi trường đầu tư ở Tiền Giang rất tiềm năng. Trước đây, khi chuẩn bị đầu tư vào Tiền Giang chúng tôi cũng có nhận thông tin đây là thị trường với lượng tiêu dùng có giới hạn. Tuy nhiên, trải qua thời gian đầu tư kinh doanh tại Tiền Giang, chúng tôi nhận thấy thị trường Tiền Giang rất tốt và tin tưởng rằng trong những năm sắp tới với đà tăng trưởng chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tốc độ tăng trưởng của Tiền Giang phải dao động từ 20% - 30% mỗi năm” - ông Đỗ Văn Triều cho biết.

Môi trường đầu tư của Tiền Giang không ngừng thông thoáng.
Môi trường đầu tư của Tiền Giang không ngừng thông thoáng.

Khi bàn về những chính sách điều hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian qua, ông Trần Đỗ Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tiền Giang cho rằng, với thâm niên gần 40 năm liên tục tham gia sản xuất - kinh doanh, chúng tôi nhận thấy sự phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là rất ấn tượng, nếu không muốn nói là mạnh mẽ và chất lượng chưa từng có; tất nhiên nó cũng nằm trong xu hướng chung của cả nước khi Chính phủ tập trung quyết liệt vào phát triển doanh nghiệp, nhất là tạo động lực cho kinh tế tư nhân.

Dấu ấn đặc biệt liên quan đến kinh tế tư nhân là Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. “Trong chặng đường sắp tới, nói gì thì nói, Tiền Giang phải lấy kinh tế làm mũi nhọn, khơi nguồn từ những nền tảng hiện hữu mà tiếp tục phát huy. Tất nhiên, muốn phát triển kinh tế, điều đầu tiên là phải chú ý đổi mới đội ngũ doanh nghiệp, mà nền tảng là tạo dựng được đội ngũ doanh nhân. Muốn làm được điều này cần phải có cơ chế, chính sách thông qua hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng” - ông Trần Đỗ Liêm cho biết.

Thông qua thực hiện nhiều giải pháp, Tiền Giang đã tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển. Một trong những điểm đáng chú ý là số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Tiền Giang trong những năm gần đây tăng khá cao. Nếu như năm 2017 Tiền Giang có 640 doanh nghiệp thành lập mới, sang năm 2020 là 773 doanh nghiệp; tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 2017 - 2021 của Tiền Giang là 3.359 doanh nghiệp, với tốc độ tăng bình quân là 11%/năm.

Kinh tế tư nhân cũng đã chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng GRDP của Tiền Giang hằng năm. Cụ thể năm 2020 kinh tế tư nhân đã chiếm 82% trong tổng GRDP của Tiền Giang. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, phần lớn doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn Tiền Giang có quy mô nhỏ, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tốc độ đổi mới công nghệ còn chậm…

TA

.
.
.