Thứ Hai, 08/08/2022, 20:15 (GMT+7)
.

Chuyển hướng linh hoạt để đẩy mạnh xuất khẩu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm này, ngành nông nghiệp có bốn sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD, là cà phê, gạo, tôm và sản phẩm gỗ, góp phần quan trọng đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản bảy tháng đầu năm 2022 đạt gần 32,3 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt từ khâu nhập nguyên liệu cho đến chế biến thanh long tại Đồng Nai (Ảnh: TTXVN)
Quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt từ khâu nhập nguyên liệu cho đến chế biến thanh long tại Đồng Nai (Ảnh: TTXVN)

Đây là con số ấn tượng, khẳng định nỗ lực của cả lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nông sản. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, dự báo xuất khẩu nông sản sẽ phải đối mặt nhiều thách thức. Đó là giá vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng mạnh, trong khi dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến giao thương hàng hóa giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, lạm phát kinh tế toàn cầu đã tác động đến nhu cầu tiêu dùng của người dân, khiến nhiều ngành hàng đứng trước nguy cơ sụt giảm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu.

Cụ thể, xuất khẩu thủy sản tháng 7 đã sụt xuống dưới ngưỡng 1 tỷ USD, đạt 970 triệu USD, giảm 4% so với tháng 6/2022; trong đó tôm-mặt hàng xuất khẩu chủ lực-trong tháng 7 đã giảm gần 13% so với cùng kỳ, chỉ đạt 385 triệu USD. Riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau, quả thì liên tục sụt giảm, khiến bảy tháng đầu năm giảm tới 16,1% so với cùng kỳ, đạt hơn 1,9 tỷ USD, trong khi đây là ngành hàng có lợi thế lớn của Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, sản xuất tôm trong nước và nhu cầu tôm thế giới sẽ không khả quan trong những tháng cuối năm 2022 nên các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu cá tra. Về thị trường, do thị trường Mỹ đang giảm sâu nên cần hướng tập trung vào thị trường châu Âu và Trung Quốc đang giữ được sự tăng trưởng tốt.

Đối với mặt hàng rau quả, nguyên nhân chủ yếu và quan trọng của sự sụt giảm đến từ thị trường Trung Quốc-do từ đầu năm 2022 đến nay, nước này liên tiếp đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt phòng, chống Covid-19, làm ảnh hưởng nặng nề đến giao thương hàng hóa, nhất là các loại trái cây xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Vì vậy, ngoài việc tăng cường xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Ấu (EU), Nhật Bản, Mỹ, thì cần sẵn sàng chuyển hướng xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch tại thị trường Trung Quốc để giải quyết triệt để bài toán ùn tắc tại cửa khẩu.

Một số loại trái cây cần tập trung xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thời điểm này là sầu riêng và chanh leo do Trung Quốc đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam; đồng thời đồng ý nhập khẩu thí điểm chính ngạch quả chanh leo Việt Nam từ đầu tháng 7/2022. Mặt khác, nhu cầu và giá bán hai loại quả này cũng đang ghi nhận sự tăng trưởng rất mạnh ở thị trường Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn để xuất khẩu rau, quả cả năm đạt mục tiêu 4 tỷ USD, góp phần “tiếp sức” cho toàn ngành nông nghiệp năm 2022 “về đích” với con số kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD như kỳ vọng.

(Theo nhandan.vn)


 

 

.
.
.