.

Phong trào thanh niên khởi nghiệp ở Tiền Giang

Cập nhật: 15:55, 15/08/2022 (GMT+7)

Trong những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã thu hút đông đảo thanh niên hưởng ứng. Những tấm gương tiêu biểu, các mô hình nổi bật đã xuất hiện ngày một nhiều hơn. Có thanh niên còn rất trẻ nhưng dám nghĩ, dám làm, tích cực lao động, sản xuất, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp...

a
Phan Lê Thúy Vi khoe cặp chồn hương sinh sản.

Những thanh niên dám nghĩ, dám làm

Từ bỏ công việc ổn định, lương cao tại một doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Hoàng Việt, sinh năm 1991 trở về quê nhà ở xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang để khởi nghiệp với mô hình nuôi hươu. Đây là mô hình rất mới tại miền tây và cũng có rất ít người thành công khi nuôi con vật hoang dã này.

Qua trao đổi, anh Việt cho biết: “Trước đây, trong một chuyến đi công tác tại miền trung, anh bắt gặp mô hình nuôi hươu tại đây khá hiệu quả. Năm 2019, anh từ bỏ công việc và bắt đầu khởi nghiệp tại quê nhà với 10 con hươu sao. Bên cạnh đó, anh cũng đầu tư cải tạo lại khu chuồng nuôi heo trước đây của gia đình để làm trại chăn nuôi hươu”.

a
Trang trại nuôi hươu của thanh niên Nguyễn Hoàng Việt, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Anh Việt chia sẻ: “Thức ăn của hươu chủ yếu là các loại trái cây, lá cây và các phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, người nuôi hươu cần chú ý dấu hiệu hươu bị bệnh về đường ruột như bụng chướng, phân lỏng… Khi có các dấu hiệu, người nuôi cần cho hươu ăn những loại thức ăn có vị chát như lá chuối xanh, lá ổi… để chữa bệnh đường ruột cho hươu. Nhờ chịu khó chăm sóc, đàn hươu của gia đình anh phát triển tốt. Hiện tại, trang trại của anh đã phát triển lên 30 con”.

Một con hươu đực trưởng thành sau 2 năm sẽ cho nhung từ 500-800g/con, có nhiều hươu đực cho nhung gần 1kg/lần. Cứ 8 tháng, những con hươu này sẽ được lấy nhung/lần. Với giá nhung trên thị trường dao động từ 13-15 triệu đồng/kg, nguồn thu từ nhung hươu khá cao và ổn định. Riêng đối với hươu cái sau 2 năm nuôi sẽ được phối giống để sinh hươu con. Hươu con được nuôi từ 3-4 tháng là có thể xuất bán con giống ra thị trường, trung bình từ 12-15 triệu đồng/con đối với hươu đực và từ 8-10 triệu đồng/con đối với hươu cái.

Bên cạnh nuôi hươu lấy nhung và bán hươu giống, anh Việt còn đầu tư các loại máy móc để chế biến nhung hươu thành các sản phẩm bồi bổ cơ thể như: nhung hươu ngâm mật ong, ngâm rượu, các sản phẩm cao hươu bồi bổ xương khớp người già… Hiện nay, nguồn nhung hươu và các sản phẩm từ nhung hươu của gia đình anh được tiêu thụ qua các mối quan hệ cá nhân và trên sàn thương mại điện tử, giúp mang lại cho gia đình nguồn thu nhập gần 450 triệu đồng/năm. Rời mô hình khởi nghiệp “mới, lạ” của anh Việt, chúng tôi tìm đến mô hình khởi nghiệp nuôi chồn hương của đoàn viên trẻ Phan Lê Thúy Vi, sinh năm 1994, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

a
Nguyễn Hoàng Việt thực hiện một trong những công đoạn sơ chế nhung hươu.

Năm 2018, bằng nguồn vốn tự có và Tỉnh đoàn Tiền Giang hỗ trợ 50 triệu đồng, cô giáo mầm non Phan Lê Thúy Vi đã khởi nghiệp với 6 cặp chồn hương. Do chưa có kinh nghiệm, trong quá trình nuôi, chồn hương thường xuyên cắn nhau dẫn đến một số con bị thương, chậm phát triển... Thấy vậy, Thúy Vi cùng chồng tìm hiểu cách nuôi qua sách, báo, internet và trực tiếp học hỏi kinh nghiệm ở những trại nuôi chồn hương lớn trên cả nước.

Đến nay, trang trại của Thúy Vi đã có 30 con chồn hương sinh sản. Hiện, các con này đang được phối để cung cấp giống theo đơn đặt hàng. Chồn hương thương phẩm trên thị trường có giá 1,6-1,8 triệu đồng/kg, chồn con (3 tháng tuổi) 5 triệu đồng/cặp, giống trưởng thành 10 triệu đồng/con.

Thúy Vi chia sẻ: “Lúc đầu, người nuôi cần chọn con giống tốt. Đối với chồn hương dưới 6 tháng tuổi, người nuôi cần cho chồn ăn trái cây như chuối, đu đủ, sau đó có thể tập ăn thêm cá sống. Đặc biệt, người nuôi cần vệ sinh chuồng thường xuyên để chồn hương ít nhiễm bệnh”.

Nói về dự tính trong thời gian tới, Thúy Vi cho biết, sẽ phát triển đàn chồn hương bán thịt và giống, trong đó ưu tiên phát triển con giống trước.

Đồng hành cùng phong trào khởi nghiệp

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam”; trong đó, có nội dung thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong cộng đồng dân cư, hình thành rõ nét hệ sinh thái khởi nghiệp... Với kỳ vọng, khởi nghiệp sẽ tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, giúp hoàn thành mục tiêu nghị quyết đại hội đề ra.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Tiền Giang Nguyễn Thành Luân chia sẻ: Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Tiền Giang, Ủy ban Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam đã duy trì hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, vốn hỗ trợ khởi nghiệp, hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ 90 ý tưởng, dự án trị giá 2 tỷ đồng.

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ; đồng thời thông qua các hoạt động, địa phương đã hỗ trợ 368 dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao, với tổng số vốn khoảng 6,8 tỷ đồng.

Để phong trào khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên đạt kết quả cao, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Tiền Giang Nguyễn Thành Luân đề xuất: Chúng ta cần xây dựng, ban hành các văn bản hỗ trợ khởi nghiệp theo hướng tiếp cận mới, phù hợp với đặc thù của hoạt động khởi nghiệp và tình hình thực tế của địa phương; tổ chức thêm những buổi tập huấn, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; kêu gọi đầu tư; chương trình xúc tiến thương mại…

Qua đó, bật nổi lên một số dự án khởi nghiệp, các gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, mô hình đoàn viên, thanh niên làm kinh tế giỏi, những cách làm hay, phương pháp đổi mới hiệu quả để lan tỏa tinh thần lập nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kịp thời tuyên dương những điển hình tiên tiến…

Thời gian tới, địa phương cần thiết lập mạng lưới liên kết giữa các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, doanh nhân thành đạt với đoàn các cấp… nhằm hỗ trợ đoàn viên, thanh niên trong hợp tác, trao đổi, nắm bắt, cập nhật thông tin; hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp khả thi; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của thanh niên trong quá trình khởi nghiệp để kịp thời có những biện pháp hỗ trợ, đồng hành với thanh niên.

Có thể khẳng định: Qua thời gian triển khai, phong trào khởi nghiệp tại tỉnh Tiền Giang đã bật nổi lên nhiều mô hình tiêu biểu như: Dự án “Trồng na Thái” của bạn Đoàn Chí Hữu ở huyện Cái Bè, dự án “Nuôi chồn hương” của bạn Phan Lê Thúy Vi tại huyện Tân Phước, dự án “Trồng rau sạch công nghệ cao ứng dụng phương pháp thủy canh hồi lưu” của bạn Huỳnh Thanh Triều ở huyện Gò Công Tây…

Việc xây dựng tinh thần khởi nghiệp, tạo lập một cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển vững mạnh với những sản phẩm có giá trị cao đã trở thành yêu cầu hết sức cụ thể, thiết thực trong giai đoạn hiện nay.

Theo nhandan.vn



 

.
.
.