.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số phải được triển khai một cách tổng thể đảm bảo hiệu quả

Cập nhật: 15:32, 04/08/2022 (GMT+7)

(ABO) Ngày 4-8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức sự kiện trực tuyến Chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

NHNN tỉnh Tiền Giang và các ngân hàng tham dự sự kiện Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại điểm cầu Tiền Giang.
NHNN tỉnh Tiền Giang và các ngân hàng tham dự sự kiện Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng tại điểm cầu Tiền Giang.

Theo Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Đồng thời, ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025 như: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động…

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia, Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; Đề án Phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư của Chính phủ.

Cụ thể, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý; chú trọng triển khai Đề án 06; hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tài chính cho người dân.

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao của NHNN Việt Nam, của ngành Ngân hàng trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, trong thời gian tới, trước hết, cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để rà soát, ban hành, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số; tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng.

Việc chuyển đổi số phải được triển khai một cách tổng thể đảm bảo hiệu quả, không được lãng phí nguồn lực; có trọng tâm, trọng điểm; tránh tình trạng "trăm hoa đua nở"; phân định rõ ứng dụng công nghệ và trung gian tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân sang hoạt động trung gian tài chính.

NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành như hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng để làm hạt nhân và theo kịp được nhu cầu phát triển của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán.

Đồng thời, đẩy mạnh kết nối, liên kết giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các ngành, lĩnh vực khác nhằm mang lợi ích tổng thể cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn, bao gồm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng, dữ liệu cá nhân; cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu, kết nối theo chuẩn; tăng cường kiểm tra, giám sát…

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả.

Song song đó, cần quan tâm hơn nữa công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về nhân lực công nghệ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp để phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ của người lao động ngành Ngân hàng nhằm phục vụ tốt hơn nữa người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số để phát triển, tiếp nhận các công nghệ mới vào các hoạt động ngân hàng.

M. THÀNH

.
.
.