Thứ Ba, 27/09/2022, 10:21 (GMT+7)
.
CUỘC VẬN ĐỘNG "NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM''

Kết nối tạo cơ hội quảng bá thương hiệu

Ngành Công thương các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang tích cực triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất thông qua các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để mở ra cơ hội mới trong tiêu thụ sản phầm của vùng.

Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa năm 2022 do Sở Công thương tỉnh Tiền Giang phối hợp với Sở Công thương tỉnh Long An và Bến Tre tổ chức gần đây đã thu hút nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất có những sản phẩm mới, chất lượng, sản phẩm đạt chuẩn OCOP của 3 tỉnh tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm.

Hội nghị kết nối cung cầu góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá  thương hiệu, sản phẩm. 						                 Ảnh: T. THIỆN
Hội nghị kết nối cung cầu góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Ảnh: T. THIỆN

Đây được xem là cơ hội để nhà sản xuất, đơn vị cung ứng, phân phối tìm hiểu nhu cầu, phương thức, tiêu chuẩn thu mua của các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi và các kênh phân phối trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, đây cũng là nhịp cầu để kết nối cung cầu của các doanh nghiệp trẻ, mới khởi sự có cơ hội tiếp xúc với những nhà phân phối, các doanh nghiệp cùng lĩnh vực để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như giới thiệu sản phẩm, hàng hóa đến các nhà phân phối.

Là một trong những đơn vị khởi nghiệp gần đây, với nhiều sản phẩm đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, HTX Nông nghiệp Đông Nghi (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) đã mang đến các loại bánh, sữa sấy được làm từ nguyên liệu sữa dê và trái cây sấy thăng hoa.

Nhân dịp này, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Lê Khắc Đông Nghi cũng đã giới thiệu đến các nhà phân phối về giống dê, cách nuôi, chăm sóc và công dụng của sữa dê. “Chúng tôi hy vọng sẽ ký kết được với hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích để phân phối các sản phẩm sấy thăng hoa sữa dê đến tay người tiêu dùng ở tất cả các tỉnh, thành trên khắp cả nước”- bà Lê Khắc Đông Nghi cho biết.

Cũng mong muốn đưa sản phẩm tiếp cận nhiều hơn với doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng, ông Phạm Ngọc Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vườn Nhà Mình (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) phấn khởi giới thiệu từng sản phẩm được chế xuất từ cây chùm ngây và công dụng đến các doanh nghiệp.

“Nhiều người vẫn còn chưa biết đến cây chùm ngây, cũng như chưa hiểu hết công dụng của nó. Chùm ngây còn được dùng trong bữa ăn hằng ngày, rất tốt cho sức khỏe. Sở Công thương nên tổ chức nhiều chương trình như vậy để các doanh nghiệp có cơ hội tham gia, giao lưu, hợp tác”- ông Phạm Ngọc Anh Tuấn chia sẻ.

Trên thực tế, Chương trình OCOP đã và đang được triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả ở nhiều tỉnh, thành. Do đó, các hoạt động kết nối cung cầu giữa các tỉnh, thành trong vùng sẽ là cơ hội lớn để đẩy mạnh tiêu thụ cũng như nhân rộng các sản phẩm OCOP.

Ông Bùi Băng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Trí Sơn (TP. Mỹ Tho) cho biết, nhờ tham gia hoạt động kết nối, các doanh nghiệp, HTX có điều kiện giới thiệu sản phẩm đến các nhà phân phối. Công ty hiện có 40 sản phẩm, trong đó có 18 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao. Sắp tới, công ty tiếp tục nghiên cứu các đề tài khoa học nâng cao công nghệ, tạo ra sản phẩm chăm sóc tốt hơn sức khỏe người tiêu dùng.

Hoạt động kết nối không chỉ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp hay HTX, mà còn đối với các đơn vị phân phối, kinh doanh. Ông Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng thu mua thực phẩm tươi sống, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam cho biết, trong những năm qua công ty mua rất nhiều nông sản, đặc biệt là trái cây, rau củ quả… xuất khẩu sang Thái Lan, Singapore.

Thời gian tới, sản lượng thu mua sẽ tăng thêm để đủ cung cấp trong nước và xuất khẩu. Sắp tới, MM Mega Market Việt Nam tổ chức chương trình OCOP, sẽ mời các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP tham gia, giới thiệu đến người tiêu dùng.

Bởi vì, OCOP là một trong những chiến lược mà MM Mega Market Việt Nam đồng hành cùng các sở, ban, ngành để người tiêu dùng biết đến sản phẩm tốt của tỉnh. “Hôm nay, tôi rất ấn tượng với sản phẩm OCOP gà ta Gò Công, chắc chắn trong thời gian ngắn sản phẩm này sẽ nằm trên quầy, kệ của MM Mega Market Việt Nam. Tôi hy vọng, sau chương trình sẽ kết nối là bước giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa với nhiều doanh nghiệp”- ông Phạm Văn Hùng chia sẻ thêm.

Những cái bắt tay thông qua các hoạt động liên kết, tiêu thụ nông sản, nhất là trong phạm vi các tỉnh, thành trong khu vực chắc chắn mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp, HTX cũng như các đơn vị phân phối tìm kiếm tiếng nói chung với mục tiêu cuối cùng là mang lại lợi ích cho mỗi bên.

Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho rằng, hoạt động kết nối cung cầu sẽ góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến khách hàng và đối tác, góp phần phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, góp phần tăng cường liên kết các vùng miền để trao đổi và tiêu thụ hàng hóa giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các tỉnh trong khu vực.

LÝ OANH

 

.
.
.