Thứ Sáu, 23/09/2022, 14:08 (GMT+7)
.

Huyện Châu Thành: Tháo "điểm nghẽn" thúc đẩy đầu tư công

Công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đến nay chưa đạt như mong đợi. Vì vậy, huyện đã đề ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân đúng tiến độ đặt ra.

NHIỀU NGUYÊN NHÂN KHÁCH QUAN

Trong năm 2022, tổng vốn đầu tư trên địa bàn huyện theo kế hoạch vốn được giao gần 225,9 tỷ đồng với 106 công trình. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 142,8 tỷ đồng, ngân sách huyện 37,315 tỷ đồng, ngân sách tỉnh chuyển về huyện 40,902 tỷ đồng. Đến nay, 54 công trình đã hoàn thành, 32 công trình đang thi công, đang thực hiện quy trình xây dựng cơ bản 20 công trình. Tổng nguồn vốn giải ngân trên 63,9 tỷ đồng, đạt 28,3% so với kế hoạch đề ra.

Trong những năm qua,  đường giao thông nông thôn  trên địa bàn huyện  đã được đầu tư mạnh mẽ.
Những năm qua, đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Châu Thành đã được đầu tư mạnh mẽ.

Theo Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Châu Thành Võ Thị Trinh, các nguồn vốn giải ngân chưa đạt là công tác lập kế hoạch, dự án đầu tư do địa phương chậm cập nhật danh mục các công trình, dự án để đưa vào kế hoạch danh mục đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 nên khi triển khai kế hoạch gặp nhiều khó khăn do không nằm trong danh mục đầu tư công.

Mặt khác, khi có trong danh mục đầu tư công thì các địa phương ban đầu chỉ là khái toán nên chưa thống kê được hết quy mô đầu tư. Đồng thời, chỉ số xây dựng ngày càng tăng nên thường vượt tổng mức đầu tư so với thời điểm lập danh mục đầu tư. Ngoài ra, chi phí giải phóng mặt bằng tăng dẫn đến tổng mức đầu tư tăng nên đến thời điểm triển khai thực hiện dự án năm 2022 thì đơn giá bồi thường đất, vật kiến trúc, cây trái hoa màu tăng cao.

Đồng chí Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang yêu các các sở, ban, ngành tỉnh trong thời gian tới tăng cường đi thực tế, làm việc với UBND huyện để nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Song song, UBND huyện Châu Thành phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết để rút ngắn thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư nhằm triển khai nhanh trong năm 2023 sau khi được HĐND tỉnh thông qua.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ trì, phối hợp Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại mục tiêu, quy mô đầu tư, phạm vi giải phóng mặt bằng Dự án Đê bờ Tây kinh Nguyễn Tấn Thành, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét.

Đặc biệt, các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan cần rà soát lại cơ sở pháp lý thực hiện Dự án Khu thương mại, dịch vụ và nhà ở Vĩnh Kim, Khu dân cư An Phú Giang, Khu dân cư Đông Long Giang nhằm tháo gỡ khó khăn, đánh giá thực hiện...; nếu nhà đầu tư không thực hiện thì có đề xuất trình UBND tỉnh thu hồi dự án theo quy định.

Theo UBND huyện Châu Thành, tỷ lệ giải ngân thấp do các công trình đang trong giai đoạn thẩm định dự án, thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán. Trong đó, một số công trình mới được giao vốn bổ sung như đường Kinh Kháng Chiến (đường huyện 38B); Trường TH Bình Đức, Trường TH Long Định, Trường Mầm non Long Định để hoàn trả cho quỹ đầu tư nhưng đến nay chưa giải ngân do đang hoàn chỉnh hồ sơ đo đạc, khảo sát mở rộng thêm diện tích và điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.

Đối với các công trình giao thông chưa thỏa thuận được với người dân do yêu cầu hỗ trợ với kinh phí bồi thường. Mặt khác, một số công trình tuy đã bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng nhưng đến nay địa phương chưa tổ chức họp dân, thông báo cho hộ dân tự đốn cây, tự tháo dỡ vật kiến trúc bàn giao mặt bằng để thi công công trình. Bên cạnh đó, một số nhà thầu đồng thời nhận thi công nhiều công trình ở nhiều chủ đầu tư khác nhau, do đó ảnh hưởng đến việc điều động nhân lực, thiết bị, vật tư để triển khai thi công công trình.

TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP

Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai, để quản lý và triển khai đầu tư công năm 2022 một cách đồng bộ và hiệu quả, UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương tìm vị trí đất xây dựng, thỏa thuận với các hộ dân để thu hồi đất, lập dự án đầu tư sớm trình thẩm định, phê duyệt để triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng công trình; khẩn trương đẩy nhanh hoàn chỉnh phương án giải phóng mặt bằng trình thẩm định và phê duyệt, để sớm trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức đấu thầu theo quy định.

“Các đơn vị có liên quan tập trung quản lý chặt chẽ tiến độ thi công các công trình, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để công trình thi công liên tục không bị gián đoạn. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc các đơn vị thi công tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Đặc biệt đôn đốc đơn vị thi công lập khối lượng thanh toán khi có khối lượng hoàn thành, tập trung thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và phấn đấu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đạt 100% theo yêu cầu của tỉnh”- đồng chí Huỳnh Văn Bé Hai cho biết thêm.

Một góc của thị trấn Tân Hiệp.
Một góc thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành.

Tại buổi làm việc với Huyện ủy Châu Thành gần đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng yêu cầu huyện Châu Thành rà soát, đánh giá hiệu quả công tác điều hành thực hiện kế hoạch đầu tư công của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, địa phương phải nghiên cứu, đầu tư tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất để tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Đặc biệt, các công trình phải đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đánh giá nguồn lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư trên địa bàn huyện (nhất là nguồn nhân lực).Trường hợp nguồn lực còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ được giao thì có kế hoạch hoặc kiến nghị tỉnh bổ sung, điều động, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng nhiệm vụ được giao.

TUẤN LÂM

.
.
.