Thứ Ba, 27/09/2022, 08:55 (GMT+7)
.

Lãi suất tăng, dòng tiền tiếp tục đổ vào ngân hàng

Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng đang ở mức hấp dẫn, trong khi các kênh đầu tư khác lại đang trong giai đoạn điều chỉnh, nhiều người dân đã quay lại kênh gửi tiết kiệm ngân hàng.

Ngay sau khi quyết định tăng 1% với một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực, nhiều ngân hàng TMCP tư nhân đã tăng đáng kể lãi suất huy động. Theo đó, nhiều ngân hàng nâng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng lên mức chạm trần 5%/năm như: ACB, KienlongBank, SCB, VietCapital Bank… Riêng khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Big 4) – chiếm gần 50% thị phần huy động toàn hệ thống - vẫn giữ ổn định mặt bằng lãi suất.

Sẽ có nhiều ngân hàng nhập cuộc đua tăng lãi suất

Theo nhận định của các chuyên gia, trong tuần này thị trường sẽ chứng kiến thêm nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất huy động song mặt bằng lãi suất chung của thị trường sẽ không biến động quá mạnh. Lý do là khối Big 4 vẫn đang cố neo giữ lãi suất ổn định. Bên cạnh đó, cơ chế thưởng phạt room tín dụng cũng khiến các ngân hàng khó đua lãi suất cao.

b

Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn lên mức kịch trần kể từ ngày 23/9.

Bà Phùng Thị Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc VietcomBank cho biết, quyết định của NHNN ở thời điểm này rất phù hợp, phản ánh đúng với diễn biến thị trường và chính sách điều hành lãi suất của NHNN.

Ngay sau khi nhận được quyết định điều chỉnh lãi suất của NHNN, Vietcombank triển khai ngay các giải pháp để thực hiện rà soát các loại lãi suất huy động vốn, để đảm bảo chính sách lãi suất của Vietcombank phù hợp chính sách của NHNN, phù hợp với diễn biến thị trường và kế hoạch kinh doanh của Vietcombank. Từ đó, đảm bảo nguồn vốn để cung ứng cho hoạt động tín dụng, phát triển nền kinh tế.

Mặc dù tăng trần lãi suất huy động, song bà Yến cho biết từ đầu năm đến nay và trong thời gian tới, Vietcombank vẫn tiếp tục chính sách triển khai đồng loạt các giải pháp để hỗ trợ cho việc bình ổn lãi suất cho vay.

Theo dự báo của Chứng khoán VNDirect, lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm % trong những tháng cuối năm 2022, đưa lãi suất tiền gửi bình quân cho kỳ hạn 12 tháng tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022. Dù vậy, mức lãi suất này vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.

Sang năm 2023, VNDirect cho rằng đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì do NHNN tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, đồng thời ngân hàng thương mại tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.

Lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng khoảng 1 - 2%/năm trong cả năm nay. Các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 11,5% trong năm 2022.

Nhóm phân tích dự báo, lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, theo đó, lãi suất bình quân đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng sẽ tăng lên mức 6,6-6,8%/năm vào cuối năm 2023.

Vốn sẽ chảy vào ngân hàng nhiều hơn

Trên thực tế, gửi tiết kiệm đang được nhiều người lựa chọn. "Cuối tuần qua, khi hay tin lãi suất huy động tăng lên, tôi đã mang số tiền định đầu tư vào chứng khoán gửi tiết kiệm ngân hàng. Thứ nhất là rất an toàn, thứ hai là mức lãi suất ở thời điểm hiện tại chấp nhận được so với việc sử dụng số vốn đó để đi đầu tư vào thị trường chứng khoán hay hoạt động kinh doanh khác", anh Bùi Tiến, sống tại Long Biên, Hà Nội chia sẻ.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn chiến lược đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng: “Với việc tăng lãi suất tiền gửi của nhiều ngân hàng thương mại thì dòng vốn sẽ chảy vào ngân hàng nhiều hơn. Trước đây có thể nhiều nhà đầu tư còn để tiền ở tài khoản chứng khoán vì lãi suất kỳ hạn ngắn của các nhà băng thấp. Nhưng nay, kỳ hạn dưới 6 tháng đã tăng lên 5%/năm nên nhiều người sẽ chuyển sang gửi tiết kiệm nhiều hơn. NHNN công bố số liệu tiền gửi của hệ thống ngân hàng thương mại đến hết tháng 6 đã gia tăng và tôi nghĩ số liệu này trong quý 3/2022 vẫn tiếp tục đi lên”.

Theo số liệu của NHNN về tiền gửi của các tổ chức tín dụng, tính đến cuối tháng 6 số dư tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,61 triệu tỷ đồng, tăng 6,02% so với cuối năm 2021.

Đáng chú ý, tốc độ tăng của tiền gửi dân cư gần gấp đôi so với tiền gửi của các tổ chức kinh tế (tăng 3,61% so với cuối năm 2021, đạt 5,84 triệu tỷ đồng). So với tháng 5, lượng tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng tăng thêm hơn 50.400 tỷ đồng. Tổng cộng trong 6 tháng đầu năm 2022, dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng thêm hơn 318.000 tỷ đồng.

Rõ ràng, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn đang thu hút dòng tiền nhàn rỗi của người dân trong bối cảnh kênh đầu tư như chứng khoán trồi sụt bất thường, còn thanh khoản trên thị trường bất động sản lại quá trầm lắng.

Theo Vnbusiness

.
.
Liên kết hữu ích
.