Thứ Bảy, 17/09/2022, 09:28 (GMT+7)
.

"Nhịp đập" doanh nghiệp dần ổn định - BÀI 2: Khai thông những "điểm nghẽn"

"Nhịp đập" doanh nghiệp dần ổn định - BÀI 1: Khởi sắc

Đánh giá tình hình phục hồi kinh tế theo kế hoạch chung của tỉnh Tiền Giang, nhất là đối với các DN trên địa bàn tỉnh, Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn cho biết:

Hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng năm 2022 đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Hiện tại tình hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN) thuận lợi hơn so với cùng kỳ, đơn hàng tăng do tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ và phát triển DN. Tuy nhiên, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới tăng đã tạo áp lực đến chi phí sản xuất của DN; giá xăng, dầu đã tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, ít nhiều cũng gây áp lực lên hoạt động SXKD của các DN.

* Phóng viên (PV): Kết quả các chỉ tiêu chủ yếu đạt được như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Đặng Văn Tuấn: Một số chỉ tiêu cụ thể mà Tiền Giang đạt được như: Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 10% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 8 tháng ước đạt 50.682 tỷ đồng, tăng hơn 25%, đạt hơn 71% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu 8 tháng thực hiện 2,63 tỷ USD, tăng hơn 22% so cùng kỳ và đạt hơn 78% kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu 8 tháng thực hiện 1,48 tỷ USD, tăng hơn 21%.

Hầu hết các DN đã trở lại guồng quay SXKD ổn định.
Hầu hết các DN đã trở lại guồng quay SXKD ổn định.

Các DN tại khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) hoạt động sản xuất ổn định. Tổng số DN trong KCN, CCN là 185 dự án (trong đó 177 DN đang hoạt động và 8 DN chưa hoạt động, đang xây dựng nhà xưởng, tạm dừng hoạt động), giải quyết việc làm cho 109.090 lao động.

Trong đó, trong KCN có 106 DN (78 DN FDI), giải quyết việc làm cho 91.778 lao động; CCN có 79 DN (6 DN FDI), giải quyết việc làm cho 17.312 lao động. Hiện tại, các DN đã đi vào hoạt động trở lại. Ngoài ra, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 985 DN sản xuất công nghiệp ngoài khu, CCN và hiện đã hoạt động ổn định trở lại.

* PV: Đâu là những “điểm nghẽn” trong phục hồi kinh tế của các DN?

* Đồng chí Đặng Văn Tuấn: Khó khăn lớn nhất hiện nay mà DN gặp phải là chi phí vận chuyển tăng cao, áp lực giá xăng, dầu làm cho chi phí sản xuất, chi phí vận tải đường biển đang neo ở mức cao; đồng thời, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất ở mức cao do ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột giữa Nga và Ukraine.

Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; tình hình thiếu lao động tại các DN vẫn còn diễn ra. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện các DN đang thiếu lao động (khoảng 9.000 lao động) nên chưa đảm bảo hoạt động sản xuất; các DN đang tập trung tuyển thêm lao động để đảm bảo hoạt động sản xuất.

Chưa kể, thị trường tiêu thụ chưa ổn định; sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng nguyên liệu không đồng đều; nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chưa kêu gọi được DN sản xuất nguyên liệu như chất phụ gia và chất dinh dưỡng.

Ngoài ra, các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm, như thị trường Trung Quốc, hiện thị trường này đang áp Lệnh 248 về “Quy định về đăng ký và quản lý DN sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh 249 “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” đối với DN muốn xuất khẩu vào thị trường này. Xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng, xuất khẩu của ta sẽ chịu tác động mạnh. Ngoài ra, một số ngành trong nhiều năm là động lực tăng trưởng xuất khẩu như sản phẩm ống đồng, ống thép không gỉ… đang phải đối diện với nhiều khó khăn do nhiều nước chuyển sang áp dụng nhiều hình thức mới thay vì áp dụng các hàng rào kỹ thuật như áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại...

* PV: Cần có chính sách hỗ trợ gì để giúp DN nói riêng, ngành Công thương nói chung vượt qua khó khăn?

* Đồng chí Đặng Văn Tuấn: Ngành Công thương sẽ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, kiến nghị hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh về tình hình hoạt động, thị trường tiêu thụ, nguyên liệu sản xuất, lao động; tập trung rà soát lại tình hình sản xuất ở từng ngành (đặc biệt là các ngành như: Dệt may, da giày, chế biến thủy sản, sản xuất kim loại, cơ khí...) và đánh giá tác động của dịch bệnh đến từng ngành để có giải pháp cụ thể hỗ trợ DN ổn định sản xuất.

Ngành Công thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh Tiền Giang về tháo gỡ khó khăn cho SXKD của các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương nhằm hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, khuyến khích giúp đỡ kịp thời cho DN trong quá trình triển khai đầu tư sản xuất.

Sở Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát danh mục quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh; xây dựng Phương án phát triển CCN để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030; phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị, thành rà soát lại các CCN trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn, như: CCN Song Thuận, CCN Tân Mỹ Chánh... để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.

Bên cạnh đó, Sở Công thương triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ: Đánh giá, xác nhận năng lực DN công nghiệp hỗ trợ; tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động công nghiệp hỗ trợ; xây dựng và trình UBND ban hành quyết định công bố Danh mục địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại và lĩnh vực ưu tiên tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2023; theo dõi tiến độ thực hiện mời gọi nhà đầu tư qua đấu giá quyền sử dụng đất: Dự án Khu thương mại, dịch vụ phường 6; Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ kinh doanh nông sản (tại ấp Hòa Phúc, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè); Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tỉnh Tiền Giang (thuộc Quảng trường Hùng Vương); Dự án Chợ và Khu phố Chợ Tân Lập 1 tại xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước.

Ngoài ra, Sở Công thương sẽ hỗ trợ các DN về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTAs đã ký kết, đặc biệt là tuyên truyền, hướng dẫn DN xuất nhập khẩu của tỉnh về quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định mà Việt Nam tham gia; theo dõi tình hình và thông báo các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang về việc Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý tại cửa khẩu biên giới nhằm phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, khuyến khích DN xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.