Chủ Nhật, 09/10/2022, 20:58 (GMT+7)
.

Khan hiếm nguồn cát để cung cấp cho các dự án cao tốc ở ĐBSCL

UBND tỉnh Sóc Trăng đã “thúc” Bộ Tài Nguyên và Môi trường sớm triển khai dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Đây là yêu cầu nhằm có nguồn cát phục vụ nhu cầu san lấp các dự án cao tốc ở vùng này.

Nguồn cát sông phục vụ xây dựng các dự án hạ tầng giao thông ngày càng khan hiếm. Ảnh: Trung Chánh
Nguồn cát sông phục vụ xây dựng các dự án hạ tầng giao thông ngày càng khan hiếm. Ảnh: Trung Chánh

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có báo cáo tình hình thực hiện dự án thành phần 4 của dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.

Theo đó, UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị, Bộ Giao thông Vận tải có hướng dẫn cơ chế, cách tính vận chuyển vật tư đến chân công trình, cách tính chi phí quản lý đầu tư xây dựng, chi phí quản lý dự án, định mức xây dựng đồng bộ cho toàn dự án. Đồng thời, hướng dẫn kiểm tra các địa phương công bố giá các loại vật liệu cho đúng quy định của pháp luật.

Kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh sách các mỏ vật liệu đáp ứng yêu cầu chất lượng, trữ lượng và phân chia khối lượng cụ thể cho từng dự án thành phần trước khí áp dụng thống nhất cho các địa phương trong dự án cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng để làm cơ sở xác định chi phí xây dựng dự án (cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng được chia làm 4 dự án thành phần).

Đặc biệt, UBND tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường sớm triển khai dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” nhằm đáp ứng kịp thời nguồn vật liệu cát san lấp cho các dự án hạ tầng giao thông ở ĐBSCL.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mục tiêu của dự án nêu trên là đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu xây dựng và san lấp, phục vụ khai thác, đáp ứng kịp thời nguồn vật liệu cho các dự án đường cao tốc. Đồng thời, xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu vực cụm công nghiệp vùng ĐBSCL.

Cụ thể, dự án sẽ đánh giá quy mô, chất lượng khoáng sản cát biển làm vật liệu xây dựng, san lấp tại vùng biển Sóc Trăng, đáp ứng mục tiêu đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển phục vụ khai thác 1 tỉ m3.

Ngoài ra, dự án cũng có mục tiêu nghiên cứu, đề xuất công nghệ khai thác, xử lý cát biển làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp phù hợp nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản…

Song song đó, dự án cũng nhằm tạo cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thiện hệ thông quy chuẩn kỹ thuật về điều tra, đánh giá, thăm dò và khai thác cát biển; đề xuất cơ chế chính sách quản lý, thăm dò, khai thác và sử dụng cát biển để từng bước thay thế nguồn cát xây dựng trên đất liền phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Liên quan đến nguồn cát phục vụ các dự án hạ tầng đường cao tốc, bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang, trong báo cáo về việc triển khai dự án thành phần 2 thuộc dự án cao tốc An Hữu- Cao Lãnh cho biết hiện nay có rất nhiều dự án quan trọng quốc gia đã và đang chuẩn bị triển khai ở ĐBSCL nên nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án là rất nhiều và cấp bách.

Tuy nhiên, theo bà Phương, các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh hầu hết được cung cấp từ các mỏ vật liệu của các địa phương khác, trong khi nguồn cung này từ các địa phương cũng đang ngày càng ít, không đảm bảo nguồn cung. “Do đó, việc tìm kiếm nguồn cung trong thời gian hiện nay cho dự án sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, bà cho biết.

Liên quan đến việc lấy cát biển phục vụ xây dựng các dự án hạ tầng đường cao tốc ở ĐBSCL, trao đổi với KTSG Online mới đây, ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập, cho rằng tất cả những nghiên cứu đều cho thấy tương lai cát về ĐBSCL sẽ rất ít do thủy điện ở thượng nguồn đã chặn lại. “Phần đang kẹt ở phía trên các đập thuỷ điện là vô phương”, ông Thiện nói và cho biết, việc cát không về ĐBSCL hoàn toàn là câu chuyện có thể xảy ra.

Trong khi đó, nhu cầu cát trong thời gian tới là rất lớn vì một loạt dự án hạ tầng giao thông như cao tốc Cần Thơ- Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng sẽ khởi công. Nhu cầu lớn trong khi nguồn cát lại khan hiếm nên việc nghĩ đến sử dụng cát biển cho các dự án giao thông là điều dễ hiểu.

Theo vị chuyên gia này, quá trình kiến tạo nên ĐBSCL bắt nguồn từ việc nước lũ đem theo cát xuống hàng năm. Trong 6.000 năm qua, đồng bằng tiến về phía biển trung bình 16 mét/năm và về mũi Cà Mau là 26 mét/năm. Trong quá trình này, bao giờ cát cũng đi trước lót nền sau đó tới phù sa, tức cát chính là nền tảng của ĐBSCL. “Vì vậy, lấy cát là lấy đi nền tảng đã kiến tạo nên ĐBSCL”, ông nói.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.