Thứ Hai, 14/11/2022, 09:28 (GMT+7)
.

Từ "Kỹ sư chân đất" đến "Nông dân Việt Nam xuất sắc"

Đến xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nhắc đến anh Dương Quốc Thái thì gần như ai cũng biết với biệt danh “Kỹ sư chân đất”, vì có nhiều sáng chế hữu ích phục vụ cho ngành Nông nghiệp. Anh Thái đạt nhiều giải thưởng tại các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và cấp quốc gia; nhiều năm đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” các cấp và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam 2 lần vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” vào năm 2015 và 2022.

TỪ Ý TƯỞNG GIÚP NGƯỜI NÔNG DÂN

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Thái buộc dừng việc học từ năm lớp 6 để phụ giúp gia đình, lo việc đồng áng. Nếm trải nỗi vất vả trong làm nông, càng thấu hiểu cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” của nông dân, anh càng nung nấu ý tưởng cải thiện hiệu quả lao động cho nông dân.

Anh Thái bên cạnh sản phẩm nông cụ cải tiến do anh phát minh.
Anh Thái bên cạnh sản phẩm nông cụ cải tiến do anh phát minh.

Năm 1994, anh Thái theo học nghề sửa chữa máy nổ, công việc này giúp anh tiếp cận được nhiều sơ đồ cấu tạo, nguyên lý hoạt động của các máy móc, thiết bị tiên tiến. Ban ngày, anh giúp việc cho cơ sở sửa chữa cơ khí, thời gian rảnh anh tự mày mò tháo lắp các động cơ và kinh nghiệm, kỹ năng cũng dần tích lũy từ đó.

Sau khi nắm được kiến thức cơ bản và phương thức vận hành của động cơ, anh thử nghiệm các nguyên lý đã học vào sửa chữa các loại máy nổ cho người dân trên địa bàn xã. Năm 2002, để thuận tiện sáng chế, cải tiến động cơ, anh Thái đầu tư mở cơ sở sản xuất. Những năm đầu thành lập, do chưa trang bị các loại máy móc phục vụ cơ khí nông nghiệp nên cơ sở chỉ sửa chữa các loại máy xăng, máy dầu đơn giản, vì vậy thu nhập không cao.

Sau thời gian hoạt động, cơ sở sản xuất dần đi vào ổn định, anh nhận thấy sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu có giá thành rất cao, nhưng máy móc chưa phát huy tối đa công suất vốn có, đôi khi hoạt động không phù hợp với đặc điểm đồng ruộng địa phương dẫn đến năng suất chưa hiệu quả. Ngoài ra, nông dân đa phần khó khăn mà nhu cầu về máy móc cơ giới hóa đồng ruộng rất lớn. Nghĩ là làm, anh Thái bắt tay vào cải tiến máy móc sẵn có.

Anh Dương Quốc Thái tỉ mỉ hoàn thành các công đoạn sáng chế.
Anh Dương Quốc Thái tỉ mỉ hoàn thành các công đoạn sáng chế.

Nhờ tính kiên trì, chịu khó tìm tòi học hỏi, góp nhặt kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại, anh đã chế tạo thành công sản phẩm đầu tay phục vụ sản xuất nông nghiệp với công suất bằng 50 - 100 nhân công lao động/ngày, giúp giảm chi phí đáng kể trong phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Anh Thái chia sẻ: “Sản phẩm đầu tay phải mất gần 2 năm mới có thể cải tiến thành công, từ lên ý tưởng đến cải biến tăng công suất nhưng phải phù hợp với động cơ là cả một quá trình gian nan. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, thành công cũng đến với anh khi kết quả cho ra rất khả quan. Nhiều đêm tôi không ngủ được, chỉ mong đến ngày đưa sản phẩm ra thị trường để nông dân được hưởng thành quả mà mình cải tiến. Nghĩ đến sản phẩm làm ra được nhiều người đón nhận, đối với tôi là niềm tự hào, là động lực để tiếp tục cống hiến, phát minh”.

KHÔNG NGỪNG SÁNG TẠO

Từ đó, anh Thái mạnh dạn đầu tư trang bị thêm nhiều loại máy cơ khí bán tự động như: Máy tiện, máy mài mặt phẳng, máy xọc then… giúp cơ sở sản xuất được nhiều loại sản phẩm, tăng độ bền, độ chính xác, đáp ứng yêu cầu thị hiếu của người dân.

Năm 2005, lấy ý tưởng từ dàn xới nhập khẩu Nhật Bản với bông xới 0,8 m, có phạm vi và năng suất xới thấp, anh Thái cải tiến lên bông xới lên 1,2 m và cho năng suất vượt trội. Năm 2007, việc tiêu thụ sản phẩm đã đạt hiệu quả khả quan, mỗi năm cơ sở sản xuất dàn xới và bánh dặm sử dụng cho máy Kubota cung cấp ra thị trường khoảng 15 máy.

Anh Thái tỉ mỉ hoàn thành từng công đoạn sáng chế.
Anh Thái tỉ mỉ hoàn thành từng công đoạn sáng chế.

Năm 2014, trước tình hình nhân công lao động đắp bờ ruộng theo phương thức truyền thống mất nhiều thời gian và công sức, nhưng hiệu quả lao động không cao, anh Thái tiếp tục nghiên cứu sáng chế ra “Máy đắp bờ ruộng siêu tốc thế hệ mới”, với năng suất đạt 10.000 m/ngày, tăng gấp 40 lần so phương thức đắp bờ truyền thống, giảm chi phí đầu tư mua máy chuyên đắp bờ của Nhật từ 170 triệu đồng xuống còn 28 triệu đồng đối với sản phẩm anh sáng chế.

Anh Thái cho biết, từ năm 2005 đến nay, anh đã có 6 mô hình sáng chế, cải tiến và sản xuất nhiều thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ổn định, được nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh, khu vực và nước ngoài. Với số lượng sản xuất hằng năm khoảng 150 thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, sau khi trừ các khoản chi phí, nhân công lao động, hằng năm anh Thái thu về lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng.

Năm 2016, anh tiếp tục sáng chế “Máy đào rãnh đất thoát nước” hoạt động trên tất cả địa hình ruộng, năng suất 10.000 m/ngày, tăng hiệu quả lao động gấp 33 lần đào rãnh truyền thống, giảm chi phí đầu tư mua máy chuyên dụng của Nhật Bản từ 150 triệu đồng xuống còn 24 triệu đồng đối với sản phẩm của anh Thái.

Năm 2019, anh Thái được giới thiệu đi Hàn Quốc đào tạo kiến thức về máy nông nghiệp. Sau 1 tháng học tập, anh Thái về nước lên ý tưởng áp dụng kiến thức đã học vào sáng chế “Máy đào rãnh đặt ống nước sạch nông thôn mới” và “Máy đào rãnh cáp quang dưới đất”. Sản phẩm của anh Thái ngày càng được chăm chút về mẫu mã, hình dáng thiết kế, được thị trường trong nước ưa chuộng. Đồng thời, anh còn đưa sản phẩm tiếp cận thị trường Ấn Độ, Philippines…

GÓP SỨC CHO QUÊ HƯƠNG

Những năm qua, anh Thái đã giúp giải quyết cho hơn 26 lao động có việc làm thường xuyên, với thu nhập ổn định từ 11,5 triệu đồng/người/tháng và từ 9 - 15 lao động thời vụ, với số tiền từ 300.000 đến 350.000 đồng/người/ngày. Hằng năm, anh cùng chính quyền, đoàn thể xã hỗ trợ 30 - 50 hộ nghèo có vốn tham gia sản xuất, hỗ trợ bán thiết bị không tính lãi, hướng dẫn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong vận hành máy đắp bờ, máy xới. Từ đó đã giúp cho 23 hộ nghèo, cận nghèo có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Trong các cuộc vận động quyên góp xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, anh luôn tiên phong, hăng hái hưởng ứng. Anh đã hỗ trợ 330 triệu đồng để sửa chữa các tuyến đường nông thôn; hỗ trợ gần 100 triệu đồng xây dựng, sửa chữa mới các công trình cầu nông thôn, hệ thống chiếu sáng; treo cờ 2,5 km trên các tuyến đường chính liên ấp, xã, tạo điều kiện để các em học sinh đến trường được dễ dàng, người dân thuận tiện trong vận chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán, anh cùng Hội Nông dân xã Hậu Mỹ Bắc B thực hiện nhiều hoạt động thiết thực như hỗ trợ 5.000 phần quà cho hội viên, nông dân khó khăn vui xuân, đón tết với tổng trị giá 150 triệu đồng.

LÊ MINH

* BÀI DỰ THI GIẢI BÁO CHÍ NGUYỄN ĐỨC CẢNH TIỀN GIANG LẦN THỨ XI (2022 - 2023)

 

 

.
.
.