Thứ Bảy, 17/12/2022, 05:59 (GMT+7)
.

Quan tâm đến sản phẩm chế biến cao cấp để gia tăng giá trị của lúa gạo

Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh cho rằng, thị trường gạo còn một số sản phẩm chế biến cao cấp mà chúng ta ít chú ý, như mì gạo, bún khô… Đây là những sản phẩm mà khách hàng châu Âu rất thích. Do đó, đây cũng là một hướng đi cần được quan tâm để góp phần tăng giá trị của hạt gạo.

Cần quan tâm đến sản phẩm chế biến cao cấp để gia tăng giá trị của lúa gạo (Ảnh minh họa: B.T)
Cần quan tâm đến sản phẩm chế biến cao cấp để gia tăng giá trị của lúa gạo (Ảnh minh họa: B.T)

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 11 tháng năm 2022, chúng ta đã xuất khẩu số lượng gạo kỷ lục, đạt 7 triệu tấn với giá trị trên 3 tỷ USD. Chúng ta đã xuất khẩu vào thị trường như: Nhật Bản, EU,...

“Tôi cho rằng, kết quả trên không phải là “may rủi” mà là một quá trình. Chúng ta chọn tạo bộ giống lúa, đáp ứng yêu cầu các thị trường từ thấp cấp đến cao cấp” - ông Cường nhấn mạnh.

Cùng với đó là về canh tác, công tác khuyến nông đã nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật; đồng thời doanh nghiệp đã liên kết với nông dân, hợp tác xã sản xuất gạo để đáp ứng các tiêu chí của các nước có yêu cầu xuất khẩu cao như: Mỹ, EU.

Ông Cường cũng cho rằng, kết quả trên đạt được còn do quá trình chuẩn bị, nghiên cứu của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam đã thích ứng rất nhanh với yêu cầu của thị trường, yêu cầu của kỹ thuật.

Phân tích về những kết quả đạt được của xuất khẩu gạo trong năm 2022, ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, chúng ta đang hưởng lợi những kết quả từ chính sách tái cơ cấu nông nghiệp thực hiện từ gần 10 năm nay. Đó là chúng ta đã chuyển dần từ sản xuất gạo chất lượng thấp sang sản xuất lúa gạo chất lượng cao, với những bộ giống gạo rất thơm ngon.

Đặc biệt, trải qua dịch COVID-19, rất nhiều nước bày tỏ sự ngưỡng mộ chiến lược đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam và đã có nhiều đơn vị nước ngoài sang Việt Nam học tập.

Mặc dù đánh giá cao những kết quả của ngành hàng lúa gạo đạt được, ông Đào Thế Anh cũng cho rằng, hiện nay, về lúa gạo, chúng ta vẫn còn một số khâu yếu. Ví dụ, sau thu hoạch chưa đồng bộ, chưa đảm bảo các yêu cầu hữu cơ - đây cũng là điểm yếu của chúng ta do chưa theo kịp trình độ sản xuất.

Bên cạnh đó, thị trường gạo còn một số sản phẩm chế biến cao cấp mà chúng ta ít chú ý, như mì gạo, bún khô… Đây là những sản phẩm mà khách hàng châu Âu rất thích, do bảo quản được lâu và quan trọng là các sản phẩm này không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, ông Đào Thế Anh cho rằng, đây cũng là một hướng đi cần được quan tâm để góp phần tăng giá trị của hạt gạo.

Về kế hoạch sản xuất trong năm 2023, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Cục Trồng trọt đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn để xây dựng cụ thể các kế hoạch để đạt được tiêu chí luôn đảm an ninh lương thực quốc gia. Trong đó, đảm bảo sản xuất ra 43 triệu tấn thóc. Đồng thời, dựa trên phân tích những kết quả, hạn chế trong năm 2022, Cục Trồng trọt sẽ có định hướng cụ thể đối với ngành hàng lúa gạo, trong đó vừa phục vụ cho việc xuất khẩu nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước.

(Theo dangcongsan.vn)

 

.
.
.