Thứ Hai, 02/01/2023, 15:37 (GMT+7)
.
DẤU SON SAU 1 NĂM "BÌNH THƯỜNG MỚI"

BÀI 1: Chuyển động tích cực

Sau hơn 1 năm trở lại trạng thái “bình thường mới”, Tiền Giang đã gặt hái được những thành công nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 112 ngày 5-4-2022 về phục hồi và phát triển KT-XH tỉnh Tiền Giang 2 năm 2022 - 2023 gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Phục hồi sản xuất trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng khối doanh nghiệp nói riêng, ngành Công nghiệp Tiền Giang nói chung cũng đã chạm đến nhiều dấu mốc mới. Nhiều dự án đầu tư có quy mô tương đối lớn trên địa bàn Tiền Giang đã và đang đi vào hoạt động, là nền tảng quan trọng đưa giá trị sản xuất công nghiệp chuyển động tích cực.

PHỤC HỒI

Bức tranh chung của năm 2022 được đánh giá trên nhiều yếu tố tác động. Bên cạnh diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng, dầu, nguyên, vật liệu, các yếu tố đầu vào biến động mạnh đã ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho sản xuất và đời sống người dân..., chưa  kể những hệ lụy rất lớn từ tác động của dịch Covid-19 của những năm trước chuyển sang. Thế nhưng, bằng nhiều nỗ lực nội sinh, Tiền Giang đã gặt hái được nhiều dấu son nhất định; trong đó, đáng chú ý là từ những chuyển động của khối doanh nghiệp nói riêng và ngành Công nghiệp nói chung.

Nhà máy Want Want Việt Nam chính thức đi vào hoạt động góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của Tiền Giang.                                                     Ảnh: VĂN THẢO
Nhà máy Want Want Việt Nam chính thức đi vào hoạt động góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của Tiền Giang. Ảnh: VĂN THẢO

Đánh giá chung của Sở Công thương cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh sau 1 năm Tiền Giang trở lại trạng thái “bình thường mới” có xu hướng phục hồi trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Bởi, năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Giá nguyên, nhiên liệu phục vụ đầu vào cho sản xuất tăng cao do ảnh hưởng biến động giá xăng, dầu có xu hướng tăng.

Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, lạm phát ở các nước phát triển (Mỹ, châu Âu) tăng cao, chi phí cước tàu đang tăng nhanh do Trung Quốc kiểm soát “Zero Covid-19”, đặc biệt là cước tàu đi Mỹ và EU dẫn đến khan hiếm container, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do thiếu nguồn nguyên liệu làm cho chi phí sản xuất tăng cao so cùng kỳ.

Chưa kể, vấn đề logistics khó khăn làm tắc nghẽn tại các cảng nhập khẩu chính; thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm tra, kiểm soát Vi rút Corona đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ổn định trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo chiến lược chung đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới tại các địa phương.

Đánh giá chung của UBND tỉnh cho thấy, dù chịu tác động của nhiều yếu tố trong và ngoài nước, nhưng với quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2022, quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình KT-XH tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực trong năm 2022. Hầu hết chỉ tiêu, kế hoạch đề ra đầu năm đều đạt, vượt mục tiêu kế hoạch.

Cụ thể là sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá nhanh; hoạt động thương mại - dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, xuất khẩu tăng trưởng tốt; thu ngân sách vượt dự toán; thu hút đầu tư tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất trong các năm gần đây; lĩnh vực an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, tình hình phạm tội về trật tự xã hội giảm, tai nạn giao thông đường bộ được kiềm chế…

Tuy nhiên, việc phát triển KT-XH của Tiền Giang cũng gặp không ít khó khăn như: Khả năng cạnh tranh, vấn đề tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tái cấu trúc ngành Công nghiệp, tình hình an ninh, trật tự có lúc, có nơi phát sinh sự vụ, sự việc phức tạp...

Phân tích cụ thể hơn về tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 thuận lợi hơn so cùng kỳ (do năm 2021 ảnh hưởng dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội).

Ngay từ đầu năm, Sở Công thương đã chủ động triển khai các chương trình, kế hoạch, linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Tuy nhiên, từ tháng 7-2022, do chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine cùng với việc thắt chặt chi tiêu do lạm phát ở Mỹ và châu Âu, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bị giảm đơn hàng, gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh.

ĐIỂM SÁNG

Mặc dù dưới tác động của nhiều yếu tố, nhưng tình hình sản xuất công nghiệp của Tiền Giang vẫn có nhiều điểm sáng hơn, nhất là thông qua các dự án đầu tư của các doanh nghiệp đã và đang đi vào hoạt động. Đánh giá của Sở Công thương cho thấy, thời gian qua trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai, góp phần làm gia tăng chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Dây chuyền sản xuất của Thabico Tiền Giang.                              Ảnh: MINH THÀNH
Dây chuyền sản xuất của Thabico Tiền Giang. Ảnh: MINH THÀNH

Cụ thể, tháng 6-2022, Công ty TNHH Sản xuất trái cây Hùng Phát (Tập đoàn ANDROS Asia) khai trương Kho lạnh Gò Công, có sức chứa 1.500 pallet. Kho lạnh có diện tích 6.000 m2 là một phần của nhà máy chế biến có diện tích 16.000 m2; trong đó, diện tích lưu trữ và xuất nhập hàng là 2.500 m2.

Còn Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang triển khai Dự án Nhà máy Chế biến trái cây tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, đã đưa vào vận hành chính thức vào đầu tháng 10-2021 dây chuyền chế biến rau quả cấp đông, với công suất 150 tấn nguyên liệu/ngày, chủ yếu sử dụng các loại trái cây chủ lực của tỉnh như thanh long, xoài, mít, chuối…

Trong năm 2022, công ty đưa vào vận hành dây chuyền chế biến sản phẩm từ dừa có công suất 300.000 trái/ngày đêm góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến của tỉnh. Trong khi đó, Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam (sản xuất và phân phối các sản phẩm như lốp xe công trình, lốp xe tải nhẹ, lốp xe nông nghiệp, lốp xe công nghiệp, lốp đặc ruột) xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Australia, Đông Nam Á… đi vào hoạt động trong năm 2022.

Chưa dừng lại ở đó, trong tháng 9-2022, Nhà máy Want Want Việt Nam được khánh thành, đây là dự án có 100% vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư khoảng 50 triệu USD. Nhà máy khởi công xây dựng từ tháng 7-2020, diện tích hơn 7,5 ha, gồm 2 khu nhà xưởng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa, các sản phẩm từ sữa, các loại bánh từ bột…, với quy mô 71.330 tấn/năm.

Sau khi đi vào sản xuất giai đoạn 1, hiện nhà máy có thể sản xuất bánh gạo, các loại thực phẩm khô, sữa chua, thức uống giải khát… Giá trị sản lượng hằng năm dự kiến đạt tới 150 triệu USD.

Công ty TNHH Global Running (Cụm công nghiệp Gia Thuận 1, huyện Gò Công Đông) được xây dựng vào tháng 6-2020, với vốn đầu tư 50 triệu USD; chuyên sản xuất, gia công các loại giày dép, phụ kiện giày dép; bắt đầu hoạt động sản xuất chính thức vào tháng 8-2021 với công suất thiết kế 7,5 triệu đôi/năm.

Công ty cổ phần Năng lượng Điện gió Tiền Giang đưa vào hoạt động Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2, công suất 50 MW, ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông từ cuối tháng 10-2021.

Đánh giá trên bức tranh tổng thể, theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2022 của Tiền Giang tăng hơn 14% so cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 14,6%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng gần 13%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng hơn 11%.

Dự kiến đến cuối năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12% so với cùng kỳ, chủ yếu thuộc thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và tập trung ở ngành như sản xuất đồ uống, sản phẩm từ cao su plastic, sản xuất kim loại… Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương, trước diễn biến phức tạp của cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, dự báo các ngành sản xuất những mặt hàng không thiết yếu, xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2023.

THÁI AN
                                  (Còn tiếp)

.
.
.