Thứ Hai, 23/01/2023, 22:07 (GMT+7)
.

Nông nghiệp luôn là 'trụ đỡ bảo hiểm' về mặt xã hội

Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế khi sản xuất của một số lĩnh vực rơi vào suy giảm, ngưng trệ, khi lao động dôi dư, tình trạng thất nghiệp xảy ra, nông nghiệp luôn luôn là "trụ đỡ bảo hiểm" về mặt xã hội. Nửa cuối năm 2022, vai trò trụ đỡ nền kinh tế của nông nghiệp càng thấy rõ.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt trên 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt trên 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021.

Xuất khẩu đạt kỷ lục

Năm 2022, các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản là điểm nhấn quan trọng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam, khi giá trị xuất siêu chiếm tới 2/3 tổng giá trị xuất siêu của cả nước. Giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt trên 53 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, xuất siêu tới 8,5 tỷ USD.

Trong đó, có 11 nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 2 nhóm hàng so với năm 2021.

Ấn tượng nhất là lĩnh vực thủy sản khi tăng trưởng nhảy vọt từ 8,9 tỷ USD năm 2021 lên 11 tỷ USD năm 2022. Như vậy, lần đầu tiên sau hơn 20 năm tham gia thị trường xuất khẩu, thủy sản chính thức gia nhập "câu lạc bộ" xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Trong đó, ngành tôm gần 4,3 tỷ USD, cá tra hơn 2,4 tỷ USD, cá ngừ 1 tỷ USD và các mặt hàng hải sản khác đạt hơn 3 tỷ USD…

Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, đóng góp của nông nghiệp không chỉ ở giá trị kim ngạch xuất khẩu mà quan trọng hơn là sự thâm nhập vào các thị trường với cung cách sản xuất ngày càng tiệm cận những chuẩn mực cao hơn.

Nói về dấu ấn của ngành nông nghiệp trong năm vừa qua, TS. Võ Trí Thành cho rằng, dù tỉ trọng của ngành nông nghiệp ngày càng nhỏ dần trong GDP nhưng tăng trưởng đạt 3,36% là mức cao nhất trong nhiều năm qua, đã góp phần cho sự phục hồi cũng như góp phần ổn định vĩ mô.

Giá trị này càng được ghi nhận khi năm vừa qua thế giới đối mặt với hai cuộc khủng hoảng về năng lượng và lương thực, giá lương thực toàn cầu tăng rất mạnh. Ngành nông nghiệp nước ta vừa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cả về nguồn cung ứng và giá cả, không gây biến động lớn, vừa phục vụ xuất khẩu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Ý nghĩa thứ hai, theo TS. Võ Trí Thành, ngành nông nghiệp đóng góp rất lớn vào sự ổn định vĩ mô. Điều này thể hiện rất rõ trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế khi sản xuất của một số lĩnh vực rơi vào suy giảm, ngưng trệ, lao động dôi dư, tình trạng thất nghiệp xảy ra. Trong tình huống như vậy, nông nghiệp luôn luôn là "trụ đỡ bảo hiểm" về mặt xã hội. Rất nhiều giai đoạn đã chứng minh điều này và trong nửa cuối năm 2022, vai trò trụ đỡ nền kinh tế của nông nghiệp càng thấy rõ.

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - nhà khoa học có hơn 40 năm theo đuổi lĩnh vực nông nghiệp, cho rằng, dù năm 2022 ghi nhận muôn vàn khó khăn với sản xuất nông nghiệp trong nước, giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi, giá xăng dầu, nguyên vật liệu sản xuất tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng sản xuất nông nghiệp trong nước vẫn tăng trưởng là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 tăng 3,33% so với năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt tăng 2,88%; chăn nuôi tăng 5,93%, thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%. Hầu hết các loại nông sản của Việt Nam đều giữ vững được sản lượng hoặc tăng cao so với các năm trước.

Phía sau những con số tăng trưởng nêu trên, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, đóng góp vô cùng quan trọng của ngành nông nghiệp là tạo việc làm, thu nhập cho hàng chục triệu lao động ở khu vực nông thôn.

"Trước đây thu nhập bình quân của lao động ở lĩnh vực nông nghiệp chỉ từ 50-100 triệu đồng/năm. Trong hai năm gần đây, nhất là năm 2022, chúng ta đã phấn đấu tăng được 1,5 lần thu nhập của lao động lĩnh vực này. Điều này góp phần đảm bảo ổn định xã hội, làm nền tảng cho các lĩnh vực khác phát triển", ông Nghĩa nhìn nhận.

Ấn tượng nỗ lực mở rộng thị trường cho hàng Việt Nam

Năm 2022, có thể nói Việt Nam bắt đầu hưởng thành quả sau nhiều năm nỗ lực thúc đẩy mở cửa thêm nhiều thị trường xuất khẩu nông sản.

Cơ cấu thị trường đã hoàn toàn thay đổi, thị trường Mỹ đang chiếm tỉ trọng lớn với hơn 24%, Trung Quốc trên 19%, châu Âu và các thị trường khác chiếm 39,9%, Nhật Bản gần 10%, Hàn Quốc 4,7%… Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, chất lượng nông sản của chúng ta ngày càng tốt hơn nên có thể chinh phục được các thị trường khó tính với giá tốt hơn.

Tại các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, nông sản Việt từng năm đều gia tăng về sản lượng và giá trị, cho thấy tái cơ cấu nông nghiệp đã đi vào chiều sâu, tư duy sản xuất nông nghiệp đã chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp. "Tính hiệu quả thể hiện ở việc đầu tư chế biến cho ra những sản phẩm mà thị trường mong muốn, bán cái thị trường cần mà không phải cái ta có, đó là điểm nổi bật trong tái cơ cấu nông nghiệp những năm qua", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định.

Việc đa dạng thị trường là giải pháp để các ngành hàng nông sản của Việt Nam xoay chuyển, hướng vào chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và xúc tiến thị trường một cách linh hoạt.

Nói về vai trò của các hiệp định thương mại đối với ngành nông nghiệp của Việt Nam, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đang là lợi thế rất lớn cho nông, lâm, thuỷ sản tiếp cận sâu vào các thị trường khó tính.

Ông Trương Đình Hòe cho rằng năm vừa qua, nhờ tận dụng tốt ưu đãi thuế quan của các FTA mà Việt Nam tham gia nên ngành thủy sản đã tăng cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, đóng góp quan trọng vào con số xuất khẩu kỷ lục 11 tỷ USD.

Còn theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, nỗ lực xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu của Chính phủ, của các ngành chức năng thời gian qua là điều khiến ông rất ấn tượng. Điều đó giúp nâng được giá trị nhiều ngành hàng nông sản của Việt Nam, chuyển được từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, tạo an tâm và sự ổn định sản xuất cho người nông dân và doanh nghiệp.

(Theo baochinhphu.vn)

 

 

.
.
.