Thứ Ba, 28/02/2023, 10:26 (GMT+7)
.

9 nhóm giải pháp xây dựng nông thôn mới

Ngày 27-2, Chính phủ có Nghị quyết 26/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

a
Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại Hợp tác xã Ðan Hoài, huyện Ðan Phượng, Hà Nội. (Ảnh: MINH HÀ)

Theo đó, nhằm thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào khu vực nông nghiệp-nông thôn; xây dựng cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, hợp lý, Chính phủ đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Đổi mới công tác truyền thông, thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống của nông dân và cư dân nông thôn; thực hiện đột phá chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa khu vực nông thôn, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Bên cạnh đó, nâng cao trình độ khoa học-công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đổi mới tổ chức, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển thị trường trong nước và nâng cao hiệu quả xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đối khí hậu; tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế; giám sát đánh giá.

Chính phủ nêu rõ, sẽ tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, huy động mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quá trình đô thị hóa, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, khu vực biên giới, hải đảo không để quá chênh lệch so với vùng nông thôn, ven đô thị; sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tăng cường giám sát các chương trình đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn,...; ưu tiên dành nguồn lực đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hạ tầng tạo động lực tăng trưởng, hạ tầng thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, liên vùng (thương mại, logistics...), hạ tầng kinh tế số; hạ tầng thuộc các vùng khó khăn; bảo đảm cân đối hơn giữa các phương thức trong phát triển hạ tầng giao thông. Thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn, bao gồm cả đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ công; đồng thời với nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước,...

Theo nhandan.vn

 


 

 

.
.
.