.

Châu Thành: Tạo "bệ phóng" về đích huyện nông thôn mới

Cập nhật: 09:56, 22/03/2023 (GMT+7)

Với quyết tâm sớm “cán đích” nông thôn mới (NTM) trong năm 2023, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã huy động nguồn lực, xây dựng lộ trình triển khai với nhiều cách làm hay, phù hợp để hoàn thiện các tiêu chí, cũng như phấn đấu xây dựng địa phương phát triển xứng tầm khu vực trung tâm của tỉnh.

PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ

Với sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, sự giám sát của HĐND huyện, sự thống nhất và quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành của UBND huyện, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2023 đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhìn vào bức tranh tổng thể, kinh tế - xã hội của huyện thay đổi rõ rệt. Thu từ kinh tế địa phương 47,992 tỷ đồng, đạt 20,12% dự toán. Chi trong cân đối ngân sách huyện, xã 123,355 tỷ đồng, đạt 15,15% dự toán. Các chỉ tiêu thi đua chủ yếu của huyện đều cơ bản đạt và vượt tiến độ đề ra, đặc biệt huyện tập trung vào các tiêu chí có liên quan đến NTM.

Công ty xây dựng Thiên Thuận khẩn trương thi công đường huyện 36 nhằm hoàn thành tiến độ  xây dựng Châu Thành đạt chuẩn huyện NTM năm 2023.
Công ty xây dựng Thiên Thuận khẩn trương thi công đường huyện 36 để hoàn thành tiến độ xây dựng Châu Thành đạt chuẩn huyện NTM năm 2023.

Trong đó, tiêu chí về xây dựng, đầu tư công và hạ tầng giao thông… đều được tập trung xây dựng giao vốn, năm 2023 là 211,775 tỷ đồng. Huyện giải ngân 35,564 tỷ đồng/211,775 tỷ đồng. Hiện tại, huyện đang thi công 8/20 công trình cấp tỉnh gồm: Đường vành đai ấp Thới, xã Điềm Hy, đường vành đai Đông - Tây Ấp Bắc, đường huyện 36 huyện Châu Thành, Trường Tiểu học Bàn Long, Trường Tiểu học Song Thuận… Còn đối với nguồn vốn huyện thì vừa khởi công mới 7 công trình, đang thi công 5/20 công trình.

Theo đánh giá của UBND huyện Châu Thành, các tiêu chí NTM tự đánh giá đạt 4/9 tiêu chí, 5 tiêu chí chưa đạt là Quy hoạch, Giao thông, Y tế - Văn hóa - Giáo dục, Môi trường và Chất lượng môi trường sống. Huyện đang tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn chỉnh các thủ tục để đến cuối quý III năm 2023, huyện Châu Thành trình thẩm tra, thẩm định.

Huyện Châu Thành cần phát huy tinh thần vượt khó năm 2022, quyết tâm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của huyện đề ra trong năm 2023, thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh… phải đạt và vượt trong năm 2023, phát triển xứng tầm khu vực trung tâm của tỉnh.

Trong công tác xây dựng huyện NTM cần xây dựng hoàn thành và ra mắt 2 xã NTM chậm nhất trong quý II và III năm 2023; 2 xã NTM nâng cao, hoàn thành huyện đạt chuẩn NTM. Đối với Tiêu chí Y tế, Trường học trong xây dựng NTM đang xem xét, còn các tiêu chí khác yêu cầu không được nợ. Đồng thời, các sở, ngành liên quan phối hợp với huyện Châu Thành đề xuất với UBND tỉnh giải quyết các kiến nghị, gỡ khó cho địa phương nhằm xây dựng và ra mắt huyện NTM năm 2023”.

CHỦ TỊCH UBND TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN VĂN VĨNH CHỈ ĐẠO

Song song đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện tiếp tục đà phục hồi và tìm đơn hàng mới để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, trong đó lĩnh vực thủy sản chiếm tỷ trọng lớn và có mức tăng trưởng cao. Giá trị sản xuất công nghiệp tính theo địa bàn ước thực hiện 2.150 tỷ đồng, đạt 15,53% kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiếp tục duy trì, đạt 16,7% kế hoạch, tăng 23% cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới từ đầu năm đến nay của huyện là 7 doanh nghiệp. Toàn huyện hiện có 59 đơn vị kinh tế tập thể, trong đó có 47 hợp tác xã, 12 tổ hợp tác…

CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế của huyện nhà, UBND huyện nhận định vẫn còn một số khó khăn và thách thức như tiến độ xây dựng NTM của các xã còn chậm so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân là do áp dụng Bộ tiêu chí mới nên một số xã còn lúng túng trong thực hiện.

Bên cạnh đó, số lượng giáo viên của các bậc học mầm non, tiểu học, trung học trên địa bàn huyện còn thiếu nhiều (194 giáo viên) so với số lượng giáo viên được giao. Trong đó, khó khăn nhất là thiếu giáo viên tiểu học, do khó tuyển dụng vì không có nguồn hoặc có nguồn nhưng không đủ số lượng, từ đó ảnh hưởng đến việc phân công đội ngũ tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày đối với bậc tiểu học.

Công ty xây dựng Thiên Thuận khẩn trương thi công đường huyện 36 nhằm hoàn thành tiến độ xây dựng Châu Thành đạt chuẩn huyện NTM năm 2023.                                                                        Ảnh: TUẤN LÂM
Công ty xây dựng Thiên Thuận khẩn trương thi công đường huyện 36 để hoàn thành tiến độ xây dựng Châu Thành đạt chuẩn huyện NTM năm 2023. Ảnh: TUẤN LÂM

Về lĩnh vực y tế, chi phí khám, chữa bệnh từ năm năm 2018 đến năm 2020 và một phần chi phí năm 2022 chưa được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán với số tiền khoảng 51,13 tỷ đồng nên tình hình tài chính tại Trung tâm Y tế huyện gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền lương cho cán bộ, viên chức, nợ tiền thuốc, vật tư hóa chất, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị… Từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là các đối tượng khó khăn, thu nhập thấp trong việc cấp thuốc bảo hiểm y tế.

Song song đó, về sản xuất nông nghiệp, huyện có tổng đàn heo đến nay vẫn chưa được phục hồi do ảnh hưởng bệnh dịch tả heo châu Phi, quy mô chăn nuôi đa phần nhỏ lẻ, phân tán, trại chăn nuôi xen kẽ với đất ở nên rất khó trong việc quản lý chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh. Sản xuất hàng hóa tuy đã đạt kết quả khá nhưng chất lượng chưa ổn định, chưa tạo tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.  
Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của huyện hiện tại bị ảnh hưởng do giá cả nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào luôn biến động theo chiều hướng tăng đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Những khó khăn trên đã ảnh hưởng đến việc Châu Thành ra mắt huyện NTM trong năm 2023. Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Văn Bé Hai cho biết, trong 9 tháng cuối năm, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phù hợp với điều kiện từng nơi gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, phát triển theo hướng chuyên canh, có khả năng cạnh tranh cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Địa phương sẽ nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng NTM, khẩn trương hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt của 2 xã Bình Đức, Điềm Hy để tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM; 2 xã Long An, Hữu Đạo thực hiện hoàn thành các tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao và huyện Châu Thành thực hiện hoàn thành các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục ưu đãi đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục triển khai thành lập Cụm công nghiệp Tân Lý Đông 50 ha.

Ngoài ra, UBND huyện Châu Thành tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, hoàn chỉnh hồ sơ và trình phê duyệt các công trình dở dang của năm 2022; thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho các công trình mới năm 2023; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai có hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án triển khai trên địa bàn huyện, nhất là dự án do trung ương, tỉnh đầu tư. Song song đó, địa phương tập trung giảm thiểu mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong thu gom, xử lý nước thải, rác thải. Quản lý hiệu quả nguồn nước, giải quyết tốt vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đảm bảo tiêu chí môi trường tại địa phương.

TUẤN LÂM

.
.
.