Thứ Hai, 13/03/2023, 22:37 (GMT+7)
.
GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG TIỀN GIANG LƯU VĂN PHI:

Không thể tự ý chuyển đổi cây trồng một cách ồ ạt

Tiếp tục bàn câu chuyện phát triển “nóng” một số loại cây ăn trái trong thời gian gần đây trên bình diện cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Tiền Giang nói riêng, nhìn về góc độ xuất khẩu nông sản, nhất là lĩnh vực trái cây của Tiền Giang trong thời gian gần đây, Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết:

Xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chủ yếu là các mặt hàng như: Thủy sản, gạo và rau quả. Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2022 của Tiền Giang đạt khoảng 443 triệu USD; trong đó, rau quả đạt 25,5 triệu USD, xấp xỉ với năm 2021.

* Phóng viên (PV): Đâu là điểm thuận lợi, khó khăn trong xuất khẩu nông sản và dự báo xu hướng trong thời gian tới?

* Đồng chí Lưu Văn Phi: Theo thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc khôi phục hoàn toàn hoạt động thông quan qua các cửa khẩu, từ ngày 8-1-2023 phía Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng, chống Covid-19 tại cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu (bao gồm cả hàng hóa đông lạnh). Đây là thị trường nhập khẩu trái cây tươi chủ yếu từ Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng, chiếm khoảng 80% tổng lượng. Do vậy, từ tháng 1-2023, xuất khẩu trái cây có nhiều chuyển biến, Tiền Giang chủ yếu có sầu riêng và mít.

Đồng chí Lưu Văn Phi (phải) cùng các doanh nghiệp Tiền Giang tại Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra vào ngày 11-3 tại tỉnh Bến Tre. 					                                                                                            Ảnh: MINH THÀNH
Đồng chí Lưu Văn Phi (phải) cùng các doanh nghiệp Tiền Giang tại Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra vào ngày 11-3 tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: MINH THÀNH

Điểm đặc biệt là sầu riêng có giá tăng liên tục, từ trước Tết Nguyên đán khoảng 60.000 - 75.000 đồng/kg, đến sau tết tăng lên 110.000 - 140.000 đồng/kg, cao điểm vào tuần đầu tháng 2 tăng lên đến 150.000 đồng/kg. Hiện nay, giá bán sầu riêng khoảng 110.000 - 140.000 đồng/kg.

Giá mít từ trước tết là 10.000 - 25.000 đồng/kg, sau Tết Nguyên đán tăng, giảm không ổn định do nhu cầu từ phía các nhà nhập khẩu Trung Quốc thường xuyên thay đổi. Giá bán sầu riêng hiện nay cao hơn cùng kỳ năm trước trung bình khoảng 40.000 đồng/kg. Đặc biệt, trong vụ thu hoạch sầu riêng nghịch vụ vừa qua, thương lái thu mua sầu riêng với giá rất cao, có thời điểm lên đến 190.000 đồng/kg. Tuy giá bán mít và sầu riêng hiện nay ở mức cao, nhưng thiếu ổn định, có sự biến động rất lớn tùy thuộc vào sản lượng thu hoạch và nhu cầu của thị trường ở từng thời điểm.

Do một số loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, nên từ năm 2016 đến nay, tỉnh chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang một số cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như: Sầu riêng, mít, thanh long, rau màu... giúp gia tăng thu nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể là chuyển dịch nội bộ từ cây rau màu, từ vườn tạp, vườn già cỗi, vườn cây có giá trị kinh tế thấp (khóm, chuối, tắc, vú sữa, cam quýt...) sang cây mít và sầu riêng. Ở huyện Chợ Gạo và một số huyện phía Đông chuyển sang trồng thanh long. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, nhìn chung, cây mít, sầu riêng và thanh long đa số được trồng mới trong vùng quy hoạch. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng trên nền đất trồng lúa, trong đó cây sầu riêng và mít gia tăng diện tích rất nhanh tại các huyện phía Tây và đến nay diện tích đã vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2030. Trong năm 2021 và 2022 với giá bán thấp, nhà vườn trồng mít lại tiếp tục chuyển sang trồng sầu riêng.

* PV: Giải pháp được đưa ra trước diễn biến phức tạp trong chuyển đổi cây trồng, nhất là việc tăng diện tích trồng sầu riêng hiện nay?

* Đồng chí Lưu Văn Phi: Về khuyến cáo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh và triển khai nhiều giải pháp để định hướng sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa, trong đó có cây sầu riêng và mít. Một số giải pháp chủ yếu đã triển khai thực hiện như: Về chính sách, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025 (Kế hoạch 430 ngày 24-12-2019 của UBND tỉnh), Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang (ban hành theo Quyết định 1117 ngày 11-5-2021 của UBND tỉnh) để định hướng chuyển đổi cho người dân; tập trung giải pháp tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng quy hoạch, hình thành vùng chuyển đổi tập trung gắn với việc đầu tư cơ sở hạ tầng tương ứng; hằng năm đều có tổ chức thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa theo đúng quy định.

 Sầu riêng đang chịu áp lực cạnh tranh khá lớn từ nhiều nước.
Sầu riêng đang chịu áp lực cạnh tranh khá lớn từ nhiều nước.

Thời gian gần đây, trước tình hình một số loại cây trồng gia tăng diện tích đột biến, nhất là mít và sầu riêng tại các huyện phía Tây, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp để quản lý quy hoạch đối với các loại cây trồng này. Nhằm thực hiện chuyển đổi an toàn, hiệu quả, phù hợp với quy hoạch, ngành Nông nghiệp đã có khuyến cáo các địa phương vận động người dân chỉ phát triển cây sầu riêng phía Nam Quốc lộ 1 và vùng chuyển đổi theo Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực Bắc Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang, phát triển sầu riêng theo quy hoạch kết hợp phát triển hạ tầng tương ứng, phải đảm bảo tính thích nghi với điều kiện đất đai, nước tưới.

Ngành Công thương cũng có một số lưu ý nông dân không thể tự ý chuyển đổi, phát triển cây trồng nói chung, cây sầu riêng nói riêng một cách ồ ạt, vì sẽ dẫn đến cung vượt cầu; đồng thời, chất lượng và sản lượng không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xuất khẩu và sẽ gây nhiều thiệt hại cho người trồng. Riêng với cây sầu riêng, tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới tiêu sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng.

* PV: Khuyến cáo gì được đưa ra trước thực tế hiện nay?

* Đồng chí Lưu Văn Phi: Vấn đề mà ngành Công thương khuyến cáo là để xuất khẩu sầu riêng lâu dài, bền vững, tránh rủi ro, phải trồng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, tuân thủ đúng quy định của thị trường xuất khẩu, tuân thủ các điều kiện kiểm dịch… Hiện tại, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu xuất khẩu chính ngạch theo Nghị định thư của phía Trung Quốc như mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói; phải xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, đảm bảo các điều kiện vệ sinh, quản lý dịch hại… Ngoài ra, thị trường này không phải luôn ổn định. Chưa kể, tháng 1-2023, Philippines và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng tươi. Do vậy, sầu riêng của Việt Nam sẽ có thêm đối thủ cạnh tranh. Đó là chưa kể việc sầu riêng Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan và Malaysia, 2 quốc gia này có nền sản xuất, đóng gói và quy trình xuất khẩu mạnh hơn Việt Nam. Mặt khác, việc xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng cũng còn nhiều hạn chế và cả công tác tiếp thị cũng cần làm tốt hơn khi đó xuất khẩu sầu riêng Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng mới có thể đạt được độ ổn định như mong đợi.

Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân cần tìm hiểu kỹ về yếu tố kỹ thuật, sự phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện canh tác cây trồng để đạt tiêu chuẩn, năng suất khi thu hoạch. Vậy, thay cho việc tăng diện tích và sản lượng, ngành hàng sầu riêng cần tập trung duy trì mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nâng cao hơn nữa chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối. Sở Công thương bên cạnh hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu còn chú trọng xúc tiến các thị trường trong nước trong tiêu thụ sản phẩm trái cây của tỉnh thông qua việc thực hiện chương trình xúc tiến thương mại hằng năm. Đầu tháng 3-2023, Sở Công thương Tiền Giang cũng vừa có buổi làm việc với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh về hợp tác giữa 2 tỉnh, thành; trong đó, có việc thúc đẩy hợp tác mở rộng vùng trồng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến ở TP. Hồ Chí Minh.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.