Thứ Tư, 15/03/2023, 18:14 (GMT+7)
.

Hiến kế, chọn việc trọng tâm để tháo gỡ khó khăn cho du lịch

Sáng 15-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”. Hội nghị diễn ra sau đúng 1 năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại (15-3-2022).

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cách đây đúng 1 năm, ngày 15-3-2022, khi dịch Covid-19 được kiểm soát khá vững chắc, Việt Nam đã quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế nhập cảnh, đón khách quốc tế sớm. Đây là những bước chuyển có ý nghĩa bước ngoặt, giúp chúng ta thành công trong kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là đúng đắn. Nhìn lại những năm phòng, chống dịch vừa qua, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề. Mặc dù là nước đông dân, đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, song Việt Nam là nước chống dịch và kiểm soát dịch bệnh tốt, mở cửa sớm. Tuy nhiên, so các nước trong khu vực, năm 2022, chúng ta chưa đạt mục tiêu thu hút du khách.

a
Hội nghị toàn quốc về du lịch tổ chức trực tuyến với 63 điểm cầu. Ảnh VIẾT CHUNG

Do đó, hội nghị được tổ chức nhằm nhìn lại việc phát triển ngành du lịch thời gian qua, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được; trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để vượt qua những khó khăn, biến nguy thành cơ; tận dụng những kinh nghiệm, thời cơ đã có, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và của ngành du lịch so các nước trong khu vực và thế giới để phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung suy nghĩ, nghiên cứu, đánh giá việc phát triển ngành du lịch đi đúng hướng chưa, đã tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng, cả nước chưa.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, những khó khăn mà cả thế giới phải đối mặt, thì đâu là nguyên nhân chủ quan khi mà du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"? Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?

Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp đột phá trong thời gian tới, nhất là vấn đề hạ tầng, xúc tiến và quảng bá như thế nào; vấn đề vệ sinh môi trường, huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, chính sách visa…

Thủ tướng cho biết, sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến ban hành một nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, tương tự như các nghị quyết sau các hội nghị của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế… Chính phủ sẽ triển khai các công việc thuộc thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng mong các đại biểu hiến kế để chọn việc trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực, sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó.

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.