Thứ Bảy, 11/03/2023, 14:19 (GMT+7)
.

Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long

(ABO) Sáng 11-3, tại tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam nhấn mạnh, việc liên kết, hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL giữ vai trò hết sức quan trọng và là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam phát biểu tại hội nghị.

Với vai trò, vị trí quan trọng, việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành ĐBSCL trong những năm qua đã phát huy được những hiệu quả tích cực; tạo thêm cơ hội đầu tư, tăng mãi lực thị trường và nâng cao trình độ nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm qua, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại hội nghị.

Đây là hoạt động liên kết kinh tế mở nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp (DN) của các địa phương. Nhiều giải pháp đã được triển khai, đặc biệt trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản, khai khoáng… đã và đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.

Kết quả hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: Đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông và các hoạt động an sinh xã hội...

Tuy nhiên, kết quả hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song nhìn tổng thể vẫn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của các địa phương.

Ký kết các thỏa thuận hợp tác kết nối chung giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành.
Ký kết các thỏa thuận hợp tác kết nối chung giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành.

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh đã tập trung đánh giá những mặt được và chưa được trong chương trình hợp tác giữa các tỉnh, thành với TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, đề nghị TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ các tỉnh, thành trong phát triển một số lĩnh vực.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, từ năm 2004 đến nay, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với 3 giai đoạn. Sau mỗi giai đoạn, 2 địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá và ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn mới.

Đến nay, Tiền Giang đã thu hút được 28 dự án đầu tư của các DN TP. Hồ Chí Minh và DN có người đại diện theo pháp luật là cá nhân tại TP. Hồ Chí Minh (với tổng vốn đầu tư hơn 4.629 tỷ đồng).

Đồng thời, thành lập mới 103 DN có người đại diện theo pháp luật là cá nhân tại TP. Hồ Chí Minh. Tỉnh đã xây dựng được 68 chuỗi trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để cung cấp hàng hóa cho TP. Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh đã hợp tác với tỉnh rất hiệu quả trong lĩnh vực giao thông vận tải, y tế, phát triển thương mại.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm.

Đặc biệt, các bệnh viện lớn tại TP. Hồ Chí Minh đều có liên kết với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang để chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, bên cạnh các nội dung chung, Tiền Giang đề nghị TP. Hồ Chí Minh cùng tổ chức khai thác tuyến vận tải hành khách, hàng hóa giữa huyện Gò Công Đông và huyện Cần Giờ.

Đồng thời, nghiên cứu đầu tư một trung tâm thu mua và chế biến nông sản, đặc biệt là trái cây tại Tiền Giang. Đặc biệt là đầu tư phát triển du lịch cồn Thới Sơn (TP. Mỹ Tho). Tiền Giang cũng đề nghị TP. Hồ Chí Minh hợp tác trong lĩnh vực y tế.

Hiện tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh đầu tư tại Tiền Giang. Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, hạ tầng giao thông là vấn đề quan trọng nhất hiện nay.

Tiền Giang đề nghị TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và các tỉnh, thành ĐBSCL tiếp tục có ý kiến với Chính phủ về việc đầu tư mở rộng giai đoạn 2 tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Các DN tại Tiền Giang tham dự hội nghị.
Các DN tại Tiền Giang tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, sự phát triển của thành phố có sự đóng góp rất lớn của các tỉnh, thành ĐBSCL. Qua phát biểu của các địa phương, có 6 nội dung hợp tác kết nối chung và các địa phương có những nội dung riêng.

Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị các nội dung ký kết làm sao phải có trọng tâm và tập trung triển khai thực hiện để có kết quả. Trong các nội dung các địa phương đề nghị hợp tác, nổi bật nhất là nội dung kết nối giao thông; thứ 2 là kết nối cung cầu và đầu tư; thứ 3 là đào tạo nguồn nhân lực và y tế.

Trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung cùng các địa phương để triển khai. Cách thức là triển khai làm sao phải có hiệu quả đó mới là vấn đề quan trọng.

Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị mỗi địa phương thật sự quan tâm chỉ đạo công tác này; phân công 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND để phụ trách nội dung liên kết hợp tác này.

Thành phố sẽ xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, cập nhật tiến độ công việc. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.

TP. Hồ Chí Minh rất mong muốn các DN quan tâm quy hoạch vùng, địa phương và kế hoạch phát triển của từng địa phương. Thành phố cam kết sẽ hỗ trợ các DN của địa phương để đầu tư tại ĐBSCL...

 M.THÀNH

.
.
.