.

Huyện Cai Lậy: Những tín hiệu khởi sắc từ đầu năm

Cập nhật: 06:22, 11/03/2023 (GMT+7)

Thời gian qua, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ của huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có bước phát triển mạnh mẽ.

SẢN XUẤT, KINH DOANH PHỤC HỒI MẠNH MẼ

Trở lại huyện Cai Lậy vào những ngày đầu tháng 3, đi trên những con đường nhựa thẳng tắp, những tuyến đường đan xen, uốn lượn xuyên qua những vườn cây bạt ngàn trĩu quả, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay trên vùng đất này. Nó như bức tranh tổng thể với các gam màu sáng về kinh tế - xã hội của huyện. Cụ thể, các chỉ tiêu thi đua chủ yếu của huyện đều cơ bản đạt và vượt tiến độ đề ra.

Hạ tầng giao thông huyện được đầu tư và phát triển mạnh mẽ.
Hạ tầng giao thông huyện Cai Lậy được đầu tư và phát triển mạnh mẽ.

Theo UBND huyện Cai Lậy, tình hình sản xuất, kinh doanh tiếp tục được phục hồi mạnh mẽ, giá trị sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm đạt 137 tỷ đồng, đạt 16,16% so với kế hoạch và tăng 21,99 % so với cùng kỳ năm 2022. Trên địa bàn huyện hiện có 105 doanh nghiệp và 242 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động, chủ yếu là xay xát, may mặc… Các sản phẩm công nghiệp hằng năm tăng về số lượng và chất lượng.

Hoạt động thương mại, dịch vụ, mua sắm, tiêu dùng hàng hóa của người dân ổn định. Các chợ trên địa bàn huyện thực hiện tốt công tác quản lý về trật tự kinh doanh, về giá, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định. Riêng lĩnh vực du lịch chỉ trong 2 tháng đầu năm, huyện thu hút 3.687 lượt khách (tăng 3.687 lượt khách so với cùng kỳ năm 2022); trong đó, có 2.102 khách quốc tế (tăng 2.102 lượt khách so với cùng kỳ năm 2022) và khách nội địa là 1.585 lượt khách (tăng 1.585 lượt khách so với cùng kỳ năm 2022).

Về đầu tư công, huyện xây dựng 78 công trình, với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, vốn đã giao là 254,532 tỷ đồng, đã giải ngân gần 50 tỷ đồng, đạt 19,6% vốn giao. Về tiến độ, đến nay huyện đã hoàn thành 14 công trình, đang thi công 28 công trình, hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định 36 công trình. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã hoàn chỉnh các nội dung để được công nhận huyện nông thôn mới theo góp ý của Đoàn công tác Trung ương sau khi khảo sát thực tế tại huyện Cai Lậy và đã gửi hồ sơ bổ sung về Văn phòng Điều phối Trung ương cuối năm 2022.

Hiện tại, huyện tiếp tục chuẩn bị các nội dung cần thiết để ra Hội đồng thẩm định Trung ương. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện đang thực hiện kiểm tra công tác xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh tại các xã, thị trấn. Đồng thời, xây dựng và tập trung triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2023 theo lộ trình đề ra.

TĂNG CƯỜNG MỜI GỌI ĐẦU TƯ

Bên cạnh kết quả đạt được, UBND huyện Cai Lậy nhận định vẫn còn một số khó khăn và thách thức như còn lại 7.500/15.687 ha vườn cây ăn trái được bảo vệ trên diện hẹp nên khả năng điều tiết nước phục vụ sản xuất còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, hệ thống ô bao bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái của xã Tân Phong và xã Ngũ Hiệp chưa được hình thành, nên bị đe dọa bởi triều cường, lũ lụt và hạn, mặn hằng năm.

"Trong công tác xây dựng nông thôn mới, huyện cần chú trọng duy trì, nâng chất các tiêu chí mềm; các tiêu chí cứng phải đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án và đảm bảo các công trình, dự án đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả. 

Cùng với đó, địa phương cần nhanh chóng triển khai quy hoạch Đề án Cây trồng vùng phía Bắc của huyện, theo đó quản lý, định hướng người dân trồng cây ăn trái theo đề án của tỉnh Tiền Giang và huyện Cai Lậy đã đề ra. Đặc biệt, trong quý I, địa phương cần rà soát, đánh giá thêm các nguồn lực, tiêu chí… nhằm triển khai kịp thời các kế hoạch, hoàn thiện các công việc, nhiệm vụ năm 2023”

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH TRẦN VĂN DŨNG

Những năm gần đây, tình hình sạt lở trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, quy mô sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở nhiều nơi, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Bên cạnh đó, tình trạng các công trình xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, kinh mương thủy lợi đang có chiều hướng tăng, do một số địa phương chưa chủ động theo dõi, giám sát trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm để đảm bảo tính răn đe.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đặt ra từ nay đến cuối năm, Chủ tịch UBND huyện Trần Quốc Bình cho biết, huyện sẽ tập trung khẩn trương triển khai các công trình đầu tư công trong năm 2023, đảm bảo tiến độ hoàn thành, giải ngân các công trình, dự án đúng thời gian quy định. Đồng thời, tăng cường mời gọi đầu tư các dự án như Dự án Khu nhà ở thương mại trung tâm hành chính, Dự án Khu đô thị mới huyện Cai Lậy phía Đông sông Bình Long và Dự án Khu đô thị mới huyện Cai Lậy phía Tây sông Bình Long, Dự án Nhà máy nước Hiệp Đức…

Cùng với đó, UBND huyện tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng. Đặc biệt, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã phấn đấu ra mắt nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu năm 2023. Huyện đề ra mục tiêu trong năm 2023 ra mắt từ 1 - 2 xã nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời, nâng chất các tiêu chí ở các xã đã được công nhận phải đạt theo chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, nhằm hướng đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

“Huyện Cai Lậy phát triển kinh tế đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội và tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, huyện nâng chất công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Đối với an ninh trật tự, an toàn giao thông, huyện chủ động triển khai các kế hoạch, mở cao điểm phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, cũng như đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc dư luận quan tâm và triệt xóa các tụ điểm tệ nạn phức tạp” - đồng chí Trần Quốc Bình cho biết.

TUẤN LÂM

.
.
.