Thứ Tư, 15/03/2023, 09:43 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Chung tay bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh tuyên truyền, giải quyết kịp thời các khiếu nại, thắc mắc của NTD; qua đó, bảo vệ quyền lợi NTD, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

Ngày 15-3 hằng năm được Liên Hợp quốc chính thức tuyên bố là Ngày Quyền của NTD trên toàn thế giới nhằm cổ vũ cho những quyền cơ bản của NTD, phản đối các hành vi vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của NTD. Và ngày 10-7-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1035 lấy ngày 15-3 hằng năm là Ngày Quyền của NTD Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Kế hoạch 5763 về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2023 chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” nhằm kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp phải minh bạch thông tin hàng hóa, không chỉ minh bạch về quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, mà còn phải đặt vấn đề liêm chính trong kinh doanh lên hàng đầu. Đồng thời, mong muốn NTD ngày càng nâng cao hiểu biết trong lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước cùng các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi NTD.

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Ngô Văn Tuấn.
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Ngô Văn Tuấn.

TÍCH CỰC BẢO VỆ QUYỀN LỢI NTD

Thời gian qua, hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi NTD trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền và các ngành chức năng; công tác bảo vệ quyền lợi NTD đã đạt được những kết quả khích lệ. Hệ thống tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD ngày càng hoàn chỉnh từ tỉnh đến các huyện, tổ chức cơ sở trực thuộc Hội bao gồm: Văn phòng Tỉnh hội, Văn phòng Tư vấn tiêu dùng và Giải quyết khiếu nại; 5 tiểu ban và 16 Chi hội khối cơ quan ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Câu lạc bộ Nữ tiêu dùng, Câu lạc bộ Nông dân tiêu dùng; 11 Hội thành viên cấp huyện, thành phố, thị xã. Ngoài ra, để bảo vệ quyền và lợi ích của NTD, Hội đã tổ chức thành lập được 155 Tổ hòa giải đặt tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.

"Thị trường thương mại điện tử đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin, nên các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra thị trường, đẩy mạnh tuyên truyền; cảnh báo và hướng dẫn NTD về cách thức mua hàng, các dấu hiệu nhận biết hàng thật, hàng giả; xây dựng cơ chế phối hợp, xử lý vi phạm, bảo vệ quyền lợi NTD.

Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ quyền lợi NTD nhằm nâng cao hiệu quả tư vấn, hỗ trợ giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ.

Bên cạnh đó, cần có thêm một công cụ và một bộ tiêu chí đánh giá hữu hiệu, làm chức năng cầu nối giữa NTD và doanh nghiệp, qua đó giúp cho NTD định vị được rõ ràng đâu là doanh nghiệp thương mại điện tử đáng tin cậy để có thể mua hàng hóa, dịch vụ và sử dụng một cách an toàn với giá cả hợp lý, được hưởng các dịch vụ sau bán hàng một cách chu đáo, tận tụy theo luật định”.

CHỦ TỊCH HỘI BẢO VỆ QUYỀN LỢI NTD TỈNH NGÔ VĂN TUẤN

Vi phạm quyền lợi NTD là một trong những vấn đề bức xúc, báo động. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, từ khi thành lập đến nay Hội đã tổ chức tiếp nhận hòa giải thành 386 vụ/391 vụ (5 vụ chuyển sang tòa giải quyết theo thẩm quyền), doanh nghiệp bồi thường thỏa đáng cho NTD trị giá hàng hóa 3,6 tỷ đồng. Các vụ việc khiếu nại xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực như: Điện, điện tử, đồ gia dụng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, an toàn thực phẩm, viễn thông, bán hàng đa cấp, mua hàng qua mạng… với các hình thức vi phạm rất đa dạng.

Các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân trong tỉnh. Theo đó, Hội vận động các trưởng ấp, trưởng khu phố tham gia là hội viên của Hội, để chuyển tải tài liệu, các văn bản về bảo vệ quyền lợi NTD thông qua việc lồng ghép trong các buổi sinh hoạt khu phố, xóm ấp và tư vấn tiêu dùng cho người dân khi có yêu cầu.

Thực tế hiện nay, ngoài việc quan tâm đến chất lượng và giá cả, NTD đã bắt đầu quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa, chế độ bảo hành, thời hạn sử dụng…; có ý thức đấu tranh, tố giác các hành vi gian lận thương mại. Nhận thức của NTD từng bước được nâng lên, trang bị được kiến thức cơ bản về tiêu dùng khi mua sắm hàng hóa dịch vụ, lựa chọn thực phẩm an toàn, tự mình có thể bảo vệ mình tránh bị xâm hại. Các chủ thể sản xuất, kinh doanh ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD, ý thức xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp đã được chú trọng.

“CẦU NỐI” GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ NTD

Hiện nay, NTD chiếm vị trí thượng tôn, là hạt nhân và là trọng tâm của sự phát triển, nhưng cũng là người chịu nhiều thiệt thòi nhất, vì chưa nhận thức đầy đủ các quyền và trách nhiệm của mình. Để phát triển bền vững, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ NTD theo quy định của pháp luật.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức NTD.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức NTD.

Bảo vệ quyền lợi NTD là mong muốn của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và sự tin tưởng của NTD chính là động lực cho các doanh nghiệp phát triển cung cấp những sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý… để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của NTD. Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với NTD phải được biểu hiện trên các phương diện, đó là đảm bảo phẩm cấp, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ khi đưa ra thị trường; minh bạch hóa thông tin, giúp NTD phân biệt, lựa chọn đúng sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của họ.

Cùng với đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm định hướng để NTD sử dụng hiệu quả sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp; cảnh báo cho khách hàng biết về những sản phẩm không đạt yêu cầu về độ an toàn hay không đảm bảo vệ sinh thực phẩm đang hiện hữu trên thị trường. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp tiếp cận và đang thực hiện tốt trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là thực hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm đối với NTD, qua đó tạo nên thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp trên thương trường.

Theo Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh, 4 tiêu chí cơ bản mà các doanh nghiệp muốn được công nhận là doanh nghiệp tin cậy: Chính sách kinh doanh của doanh nghiệp hướng tới sự thỏa mãn khách hàng, NTD; các yêu cầu về thông tin đầy đủ, chính xác cho khách hàng, NTD; thực hiện việc kinh doanh và hệ thống đảm bảo chất lượng kinh doanh; nhân sự phải được đào tạo và được thể hiện trong thực tế.

Quan hệ giữa doanh nghiệp và NTD là quan hệ cung cầu, có qua có lại hết sức mật thiết. Doanh nghiệp cần NTD để tiêu thụ những sản phẩm được sản xuất, hoặc dịch vụ được cung cấp, ngược lại NTD cần doanh nghiệp cung cấp những sản phẩm để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của họ trong cuộc sống. Hội Bảo vệ quyền lợi NTD luôn gắn kết các doanh nghiệp và NTD.

Khi có phát sinh tranh chấp, Hội luôn đứng ra phân tích, đánh giá, hòa giải hài hòa lợi ích của các bên theo đúng quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi NTD và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đặc biệt, NTD cần phải có ý thức pháp luật, ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình và lợi ích của xã hội; phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ về các quyền của mình mà pháp luật đã ghi nhận; các cơ chế và biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình khi giao dịch với các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh có hành vi vi phạm.

Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cần chú trọng xây dựng thương hiệu, niềm tin, sự hài lòng của NTD đối với doanh nghiệp, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm và tính trung thực trong việc cung cấp thông tin cho NTD, có trách nhiệm cung cấp những chứng cứ về giao dịch, bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện, xây dựng quy trình xử lý khiếu nại của NTD. Từ đó tạo môi trường kinh doanh, tiêu dùng an toàn, bền vững, văn minh.

Bảo vệ quyền lợi NTD từng bước đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi NTD, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của NTD; từ đó tạo ra động lực phát triển, nâng cao lợi thế, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

 

LÝ OANH

.
.
.