Thứ Tư, 01/03/2023, 10:07 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nỗ lực triển khai các giải pháp thu ngân sách nhà nước trong năm 2023

Dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 của tỉnh Tiền Giang do ngành Thuế thực hiện được Bộ Tài chính giao là 9.548 tỷ đồng (số thu nội địa); HĐND tỉnh giao là 9.888 tỷ đồng. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Tiền Giang Cao Văn Tạo đã có những trao đổi với phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc về giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong năm 2023.

* PV: Trong năm 2023, những dự báo về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ tác động đến nguồn thu NSNN như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Cao Văn Tạo: Năm 2023, dự báo tình hình kinh tế - xã hội vừa có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Tăng trưởng kinh tế chưa vững chắc; thiên tai, thời tiết, biến đổi khí hậu là nguy cơ tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, khó lường. Các yếu tố chi phí đầu vào tăng; lạm phát, lãi suất ngân hàng và tỷ giá tăng tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và đời sống người dân.

Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn cho người dân và DN như: Miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… cũng sẽ tác động và ảnh hưởng đến công tác thu NSNN.

* PV: Để hoàn thành dự toán thu NSNN được giao, trong năm 2023 ngành Thuế sẽ tập trung những giải pháp gì?

* Đồng chí Cao Văn Tạo: Để hoàn thành dự toán thu NSNN được giao, ngành Thuế Tiền Giang sẽ tập trung triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2023 của Cục Thuế. Trong đó, ngành Thuế sẽ triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 01 ngày 17-1-2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác thu NSNN năm 2023.

Ngành Thuế Tiền Giang sẽ tiếp tục triển khai đầy đủ và kịp thời các chính sách thuế đến với người nộp thuế (NNT), đặc biệt là các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN bằng nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả, thiết thực và hỗ trợ NNT trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến công tác thuế.

Đồng thời, tổ chức hội nghị đối thoại, tập huấn chính sách thuế mới, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN, NNT, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu lực quản lý thuế. Cơ quan Thuế sẽ công khai đầy đủ các bộ thủ tục hành chính thuế ở các cấp cơ quan Thuế để mọi tổ chức và công dân có nhu cầu tìm hiểu được thuận lợi và dễ dàng.

Bên cạnh đó, ngành Thuế sẽ theo dõi chặt chẽ tiến độ thu NSNN, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế; rà soát, xác định các nguồn thu tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu. Một trong những nhiệm vụ thường xuyên là tăng cường công tác quản lý thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT.

Theo đồng chí Cao Văn Tạo, ngoài những khoản thu đạt thấp do thực hiện các chính sách miễn, giảm như thuế Bảo vệ môi trường, phí, lệ phí…, ngành Thuế quan tâm đến một số khoản thu liên quan đến thuế Công thương nghiệp ngoài quốc doanh còn thất thu và đề ra các giải pháp thực hiện.

Theo đó, trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tập trung rà soát chống sót hộ, doanh thu tính thuế; rà soát lại quy mô kinh doanh các trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm từ 100 triệu đồng trở xuống không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân để đưa và thu thuế đối với các trường hợp có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Ngành Thuế sẽ tập trung kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan Thuế để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm trong việc sử dụng hóa đơn, trốn thuế, gian lận thuế, giao dịch liên kết, bán hàng không lập hóa đơn, hạch toán vào chi phí kinh doanh để xác định thu nhập tính thuế không đúng quy định…

Đồng thời, triển khai thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT trên cơ sở thu thập thông tin, phân tích rủi ro, để từ đó nâng cao hiệu quả hơn nữa trong công tác kiểm tra thuế. Ngoài ra, ngành Thuế sẽ triển khai các giải pháp để thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) như: Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT là cá nhân kinh doanh TMĐT kê khai, nộp thuế theo quy định; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT, áp dụng các công nghệ thông tin hiện đại, phương pháp quản lý rủi ro đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số; tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp, trao đổi, kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan liên quan để quản lý thu thuế.
 

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế, chú trọng việc quản lý rủi ro trong phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn DN có dấu hiệu rủi ro để thực hiện kiểm tra, thanh tra theo quy định. Một trong những nội dung trọng tâm được ngành Thuế tập trung thực hiện là nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử.

Cơ quan Thuế sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của NNT; tập trung kiểm tra các tờ khai có sự mâu thuẫn, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế; rà soát tình hình tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại để có căn cứ đôn đốc DN nộp sát với thực tế phát sinh. Ngành Thuế sẽ kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê khai thuế, thực hiện ấn định thuế đối với NNT vi phạm pháp luật về thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.

Song song đó, ngành Thuế Tiền Giang sẽ triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra trên cơ sở phân tích rủi ro đảm bảo tỷ lệ thanh tra, kiểm tra DN đang quản lý theo kế hoạch. Đồng thời, tham mưu, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan để triển khai thực hiện quy chế phối hợp nhằm phát hiện kịp thời các DN có rủi ro cao về chuyển giá, chuyển lợi nhuận, tránh thuế, trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế; chống thất thu lĩnh vực kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, giao dịch liên kết, thương mại điện tử, kinh doanh vận tải, mua bán xe ô tô, xe gắn máy, kinh doanh lương thực...

Cơ quan Thuế sẽ thực hiện rà soát, phân loại các khoản nợ thuế, phân tích nguyên nhân của từng đối tượng nợ để có giải pháp đôn đốc thu nợ; giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho từng phòng, Chi cục Thuế, Đội thuế, công chức. Đặc biệt là tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với NNT không còn khả năng nộp NSNN trên địa bàn.

Một trong những công việc trọng tâm là rà soát NNT chuyển sang hóa đơn điện tử (HĐĐT). Đồng thời, triển khai thực hiện HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền; tổ chức kiểm tra việc sử dụng HĐĐT nhằm chấn chỉnh và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Ngành Thuế sẽ tiếp tục duy trì hệ thống kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử...; triển khai theo tiến độ các đề án điện tử như dịch vụ nộp thuế đối với đất đai, hộ, cá nhân kinh doanh.

Ngành Thuế sẽ tổ chức thực hiện đúng thời gian quy định đối với các hồ sơ đất đai, không để hồ sơ tồn đọng quá thời gian quy định; triển khai thực hiện các giải pháp chống thất thu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hạn chế tình trạng kê khai giá tính thuế thấp hơn so với thực tế giao dịch... Ngoài ra, cơ quan Thuế sẽ tăng cường công tác kiểm tra nội bộ; kiểm tra việc thực thi công vụ của công chức thuế…

* PV:  Xin cảm ơn đồng chí!

M. THÀNH   (thực hiện) 

.
.
.