Thứ Hai, 06/03/2023, 14:43 (GMT+7)
.

Việt Nam là quốc gia hùng mạnh thế giới, tại sao không?

Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động bất thường với nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động kinh tế-xã hội năm 2022 của Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Có được kết quả này là nhờ vào sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp.

Nền kinh tế hoạt động hiệu quả

Năm 2022 là năm nền kinh tế thế giới có nhiều bất định và khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga-Ukraine kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và hậu quả của đại dịch Covid-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng, lương thực đang hiện hữu…

Trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài cần được giải quyết.

Trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 8%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022, vượt mục tiêu đề ra 6-6.5% và là một con số khá ấn tượng. Mức tăng trưởng này tiếp tục là một sự khích lệ và niềm tin để đất nước hình chữ S duy trì đà phát triển trong năm 2023.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, năm 2022 là năm đầu tiên quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt 409 tỷ USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với 2021. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Song song với đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2022 cũng ghi nhận mức kỷ lục mới hơn 730 tỷ USD, xuất siêu 11,2 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với năm trước. Những con số trên rất ấn tượng, thể hiện hoạt động hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế.

Quy mô kinh tế ngày càng mở rộng

Mới đây, Tạp chí US News & World Report công bố bảng xếp hạng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới năm 2022 cho thấy, Việt Nam là quốc gia hùng mạnh thứ 30 thế giới. Trong khu vực Đông Nam Á, quốc gia này chỉ đứng sau Singapore (vị trí 26), vượt Indonesia (vị trí 32) và Thái Lan (vị trí 36).

Việc Việt Nam được đánh giá là quốc gia hùng mạnh thứ 30 thế giới mang một số ý nghĩa quan trọng.

Thứ nhất, Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao, thực tế, đưa ra những chính sách hợp lý, nhất quán cho toàn bộ nền kinh tế để giữ được đà duy trì và tăng trưởng.

Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam đối với thế giới là mối quan hệ tương hỗ, Việt Nam đang là mắt xích quan trọng trong rất nhiều chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trên thị trường quốc tế.

Điều này khẳng định tầm ảnh hưởng và sự gia nhập vào môi trường kinh doanh quốc tế rất mạnh mẽ. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và triển khai rất kịp thời, tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ ba, mối quan hệ chính trị giữa Việt Nam với quốc tế rất tốt đẹp. Chiến lược ngoại giao khôn khéo của Chính phủ đã giúp Việt Nam có rất nhiều "cánh tay nối dài", nhiều đối tác ở khắp các châu lục.

Điều này sẽ làm gia tăng mối quan hệ về kinh tế-xã hội trong dài hạn với các quốc gia, đặc biệt là với một số quốc gia là Đối tác chiến lược, Đối tác chiến lược toàn diện.

Với quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, sức ảnh hưởng được công nhận rộng rãi và môi trường đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, việc Việt Nam được xếp hạng hùng mạnh thứ 30 thế giới hoàn toàn dễ hiểu.

Đây cũng là một lời khẳng định uy tín dành cho quốc gia Đông Nam Á trên trường quốc tế. Khi nhắc đến việc lựa chọn địa điểm đầu tư, Việt Nam sẽ là một cái tên đáng chú ý của các doanh nghiệp trên khắp thế giới.

Bước sang năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% và mục tiêu lạm phát ở mức 4.5%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,2% trong năm 2023, còn Ngân hàng Thế giới (WB) thì cho rằng, GDP sẽ đạt 6,7%.

Về điểm tích cực, có thể nhìn thấy một số “điểm sáng” nhỏ tại Việt Nam như du lịch quốc tế được khôi phục, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng và xu hướng chuyển đổi năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ theo cam kết với quốc tế.

Đầu tư công cũng là một công cụ và động lực giúp kích cầu nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn.

Song song với đó, với tình hình chính trị ổn định, Chính phủ sẽ bằng mọi biện pháp thực hiện tốt Chương trình phục hồi kinh tế trong năm 2023. Về điều tiết chính sách, lạm phát được kiểm soát là yếu tố giúp cho kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng tốt.

Trên tinh thần thích ứng linh hoạt và nỗ lực hết sức của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị, nền kinh tế Việt Nam năm 2023 được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định và phát triển, trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Điểm đến đầu tư hàng đầu thế giới

Về thu hút FDI, năm 2023, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, Việt Nam có thể thu hút 36-38 tỷ USD vốn FDI, vốn giải ngân đạt khoảng 22-23 tỷ USD.

Ngay từ đầu năm 2023, nhiều địa phương như Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… đã đặt mục tiêu thu hút vốn FDI với những con số khá cao và triển khai các giải pháp để tăng tốc thực hiện công tác này.

Giữa tình hình thế giới biến động khó đoán trước, mức độ biến động của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các quốc gia khác. Vì vậy, quốc gia này vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu trên thế giới, đặc biệt trong các ngành sản xuất, chế biến chế tạo gia công linh kiện và các mảng công nghiệp xanh bền vững.

Thực tế, không thể kể hết tất cả những lợi thế của Việt Nam một cách chi tiết.

Nhưng nhìn chung, các yếu tố quyết định là: Ổn định và tin cậy về chính trị; cam kết rõ ràng về tự do thương mại, kinh tế thị trường và bảo hộ đầu tư; hội nhập mạnh mẽ vào kinh tế thế giới và chuỗi giá trị toàn cầu; thị trường nội địa có quy mô hấp dẫn và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng; sẵn sàng tiếp tục hành động để cải thiện các điều kiện đầu tư và thương mại.

 Thời gian qua, các nhà đầu tư, hiệp hội quốc tế vẫn coi Việt Nam là quốc gia đáng tin cậy và ít rủi ro so với các quốc gia mới nổi khác trong khu vực. Đồng thời, vị trí địa lý của Việt Nam gần với chuỗi cung ứng của khu vực châu Á, đặc biệt là ngành công nghệ cao nên dễ giao thương bằng nhiều phương tiện.

Về chính sách của nhà nước, Việt Nam là quốc gia ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát khá tốt, nên đây cũng là lý do các nhà đầu tư xem xét đầu tư tại Việt Nam.

Một yếu tố khác cũng rất quan trọng là Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu: Nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ. Đây là một động thái thể hiện Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và tạo mọi điều kiện để thu hút FDI.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đạt được sự thu hút đầu tư toàn diện.

Quốc gia này cần tập trung mạnh mẽ hơn vào việc hình thành nguồn nhân lực thông qua giáo dục thực tế tại các trường Đại học, đa dạng hóa các đối tác thương mại và đầu tư cũng như nâng cao hiệu quả, đặc biệt là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nỗ lực ghi danh thương hiệu Việt Nam

Theo Brand Finance, năm 2022 Việt Nam được định giá thương hiệu quốc gia đạt 431 tỷ USD. Điều đặc biệt là quốc gia này tiếp tục được đánh giá là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, ở mức 74% trong giai đoạn 2019-2022.

Điều đó cho thấy, Việt Nam đã nỗ lực ghi danh thương hiệu của mình trên trường quốc tế.

Kết quả tích cực trên đã khẳng định sự tích cực của các thành phần liên quan trong công cuộc phát triển thương hiệu này. Cụ thể như:

Thứ nhất đó là các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Thứ hai đó là sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam, luôn vươn mình ra quốc tế trong những nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp góp phần gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, thương hiệu và mức độ tập trung phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp trên toàn đất nước còn chưa đồng đều, theo tính chất địa lý và quy mô. Một số doanh nghiệp lớn còn phải “gồng gánh” cho doanh nghiệp bé.

Để nâng tầm doanh nghiệp Việt

Không thể phủ nhận, số lượng các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia của Việt Nam còn ít nhưng cũng tăng qua các năm (năm 2022 có 172 doanh nghiệp).

Về chất lượng, các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia đã khẳng định được vai trò tiên phong, tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt, nâng đỡ các doanh nghiệp khác cùng phát triển.

Không chỉ thế, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam ngày càng được khẳng định vị trí vững chắc ở thị trường trong nước và thị trường toàn cầu qua những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, thị phần, thứ hạng trong nhiều lĩnh vực và sự coi trọng của các đối tác quốc tế.

Đây cũng chính là lời khẳng định đầy sức thuyết phục về chất lượng hàng hóa, dịch vụ Việt Nam trên trường quốc tế.

Mọi quốc gia hoặc doanh nghiệp của quốc gia đó đều hướng tới mục tiêu gia tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của họ thông qua hình ảnh thương hiệu.

Quốc gia này đã xây dựng Chương trình Thương hiệu quốc gia gần hai thập kỷ, với mục tiêu xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các thương hiệu mạnh trên thị trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng tầm vị thế thương hiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thêm vào đó, để nâng tầm giá trị doanh nghiệp, chính các doanh nghiệp đó trong công tác nâng cao thương hiệu cần xuất phát từ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Đó là giá trị sản phẩm, văn hóa-đạo đức kinh doanh, sức khỏe tài chính doanh nghiệp ổn định, giá trị tạo ra cho cộng đồng và đóng góp cho nguồn thu của đất nước.

Bản thân mỗi doanh nghiệp luôn phải không ngừng đổi mới và phát triển, tiên phong ứng dụng các công nghệ, các yếu tố mới để hoàn thiện sản phẩm và quan tâm đến trải nghiệm của người sử dụng.

Ngoài ra, hiện nay yếu tố bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đang là nội dung được quan tâm ở mọi khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội. Yếu tố xanh phải gắn liền với yếu tố tăng trưởng.

Đây cũng là một gợi ý để nâng tầm thương hiệu thông qua giá trị tạo dựng được cho xã hội: phát triển doanh nghiệp hướng tới yếu tố xanh, bền vững.

Thận trọng với yếu tố ngoại sinh

Về tình trạng chung của nền kinh tế, thời gian tới, Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức không nhỏ.

Đầu năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các Ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Không chỉ thế, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng đang ở tâm lý “tiến thoái lưỡng nan” khi phải dành nhiều thời gian nghe ngóng thị trường và các biến động của thị trường ảnh hưởng bởi chính sách của Chính phủ Việt Nam, thể hiện qua việc lượng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam tháng 1/2023 tăng về số lượng đăng ký mới nhưng giảm về tổng số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tại, các yếu tố cơ bản tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam không đảm bảo rằng quốc gia Đông Nam Á này sẽ tiếp tục tiến lên. Yếu tố quyết định sẽ là chính sách kinh tế của Việt Nam sẽ phát triển như thế nào trong tương lai.

Trước đây, có rất nhiều ví dụ cảnh báo cho các quốc gia trên đường tới thịnh vượng. Đơn cử như tại Argentina - từng là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng vào đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, sau đó, do các chính sách kinh tế sai lầm, quốc gia này đã rơi vào tình trạng suy thoái sâu.

Vì vậy, dù Việt Nam không đi theo hướng đó nhưng điều quan trọng là phải phản ứng thích hợp và linh hoạt với những thách thức mà đất nước phải đối mặt, bao gồm tuân thủ chính sách tiền tệ và tài khóa, đảm bảo cam kết đối với thương mại tự do và nền kinh tế thị trường.

Việt Nam đang hội nhập chặt chẽ vào nền kinh tế thế giới và tích cực tham gia vào các chuỗi giá trị quốc tế. Do đó, các yếu tố ngoại sinh đóng vai trò quan trọng.

Thêm nữa, tình hình địa chiến lược vẫn là một chủ đề quan trọng trong năm nay. Bên cạnh xung đột tại Ukraine, cuộc cạnh tranh kinh tế và chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục gây bất ổn.

Trên thế giới, số nợ của nhiều nền kinh tế hàng đầu ngày càng tăng, sự can thiệp của nhà nước ngày càng sâu rộng, tình trạng thiếu hụt và việc tăng giá hàng hóa-dịch vụ đe dọa tất cả các quốc gia mong muốn đầu tư và tăng cường trao đổi thương mại với Việt Nam.

Theo Baoquocte.vn

.
.
.