Thứ Tư, 05/04/2023, 08:59 (GMT+7)
.
THẤP THỎM NỖI LO SẠT LỞ

BÀI 1: Sạt lở đe dọa các cù lao trên sông Tiền

Tình hình sạt lở trên địa bàn Tiền Giang tiếp tục diễn biến phức tạp, đe dọa đời sống và hoạt động sản xuất của người dân. Do đó, việc đầu tư các công trình xử lý sạt lở đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Những năm qua, tình hình sạt lở tại các cù lao trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Hằng ngày, người dân phải sống trong cảnh thắc thỏm trước nguy cơ sạt lở.

Do có hệ thống sông, rạch chằng chịt nên những năm qua, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Riêng các cồn, cù lao trên sông Tiền, tình hình sạt lở càng nghiêm trọng hơn.

TÂN PHONG: SẠT LỞ TỪ 2 - 3 M/NĂM

Những năm gần đây, tình hình sạt lở tại cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) diễn biến rất phức tạp. Bình quân mỗi năm, phần đất liền xã Tân Phong bị sạt lở từ 2 - 3 m, làm mất đất sản xuất từ 2 - 3 ha. Ông Hồ Văn Đức (ấp Tân Thiện, xã Tân Phong) gắn bó với vùng đất cù lao này từ lúc sinh ra đến nay, cho biết: Khoảng 10 năm trở lại đây, tình hình sạt lở ở cù lao diễn ra nghiêm trọng. Khu vực đầu cù lao, sạt lở ăn sâu vào đất của người dân khoảng hơn 30 m.

Chỉ tay về phía xa, ông Đức nói: “Trước đây, khu vực này là bãi bần, nhưng giờ sạt lở đã vô tới chân đê. Chính quyền địa phương và người dân chúng tôi đã dời đê 2, 3 lần rồi, nhưng tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn. Gia đình rất hồi hộp trước tình trạng này. Hằng năm, tôi phải tốn kinh phí để mua đất về gia cố đê. Dù tốn tiền như vậy, nhưng tôi cũng không an tâm. Người dân mong muốn Nhà nước đầu tư bờ kè để bảo vệ vững chắc. Nếu tình trạng này kéo dài thì người dân không thể an tâm sinh sống, sản xuất được”.

Sạt lở diễn biến phức tạp tại  cù lao Tân Phong.
Sạt lở diễn biến phức tạp tại cù lao Tân Phong.

Từ tháng 4-2022 đến nay, cù lao Tân Phong liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở làm ảnh hưởng đến đời sống và thiệt hại nhiều tài sản của người dân. Phạm vi ảnh hưởng sạt lở của vùng dự án với chiều dài 1.350 m, từ đầu mũi cù lao (bờ Nam) về phía hạ lưu, uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của hơn 1.234 hộ dân, với 4.936 nhân khẩu; trong đó có 53 hộ nằm sát bờ sông rất nguy hiểm, 1 khu du lịch tâm linh và khoảng 410 ha cây ăn trái đến nỗi UBND tỉnh phải ban hành Quyết định 3640 công bố tình huống khẩn cấp sạt lở nguy hiểm.

Các ngành chức năng và chính quyền địa phương khảo sát tình hình sạt lở tại đầu cù lao Tân Phong.
Các ngành chức năng và chính quyền địa phương khảo sát tình hình sạt lở tại đầu cù lao Tân Phong.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong Hồ Thị Xuân Đào cho biết: “Hằng năm, sạt lở ảnh hưởng đến hàng chục ha đất sản xuất của xã. Để ứng phó với sạt lở, người dân phải mua cây để đóng và chở đất kè đỡ. Tuy nhiên, việc này cũng không hiệu quả. Trong khi đó, nguồn lực của chính quyền địa phương cũng rất hạn chế nên hỗ trợ người dân xử lý sạt lở cũng rất ít. Vừa qua, xã được Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư 3 đoạn kè với tổng chiều dài hơn 1.700 m. Các công trình sau khi hoàn thành đã phát huy hiệu quả, chống sạt lở. Xã mong rằng trong thời gian tới, Trung ương sẽ quan tâm hỗ trợ vốn cho địa phương để đầu tư kè chống sạt lở những đoạn tiếp theo".

THỚI SƠN, TÂN LONG: ĐẤT CŨNG MẤT DẦN

Thời gian gần đây, cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho) liên tục xảy ra sạt lở, có những vị trí sạt lở từ 4 - 7 m/năm. Đặc biệt, có những hộ bị sạt lở làm mất từ 1 - 2 công đất, từ đất sản xuất đến nhà cửa đều bị sạt lở năm này qua năm khác âm thầm cuốn trôi xuống sông.

Khu vực đầu cù lao thuộc ấp Thới Bình và đuôi cù lao thuộc ấp Thới Thạnh đang bị sạt lở nặng nề nhất. Trong khi đó, các điểm du lịch đều tập trung ở 2 khu vực này nên một số chủ đầu tư không dám mạo hiểm xây dựng cơ sở hạ tầng đúng mức để phục vụ du khách. Thậm chí, do lo ngại sạt lở làm mất tiền của, một số điểm du lịch phải hoạt động cầm chừng hoặc ngưng khai thác.

nn
Người dân xã Thới Sơn tự gia cố đoạn bờ sông sạt lở.

 

Phó Trưởng ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn Nguyễn Văn Kiếm cho biết: “Trước đây, đất ở đuôi cồn này rất rộng. Một số chủ hộ sinh sống, trồng cây ăn trái. Sau đó, xảy ra tình hình sạt lở lúc đầu thì ít, nhưng mỗi ngày càng nghiêm trọng. Do đó, người dân không dám sinh sống ở đây nữa mà chuyển đi nơi khác”. 

Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, chính quyền địa phương đã kiến nghị Trung ương xây kè chống sạt lở với chiều dài khoảng 3.546 m, có như vậy mới đảm bảo an toàn cho khoảng 653 hộ dân đang sinh sống dọc bờ sông Tiền khu vực cù lao Thới Sơn và bảo vệ cho hơn 553 ha đất sản xuất nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND xã Thới Sơn Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, do tình hình sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng nên một số hộ dân ở khu vực cuối đuôi cồn Thới Sơn mất rất nhiều đất. Nếu được đầu tư bờ kè, xã sẽ có điều kiện thuận lợi hơn, tạo tiền đề để địa phương quy hoạch lại phát triển du lịch.

Cũng như một số cồn, cù lao khác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tình hình sạt lở tại cồn Tân Long (TP. Mỹ Tho)  cũng liên tục xảy ra, có những vị trí sạt lở từ 5 - 10 m/năm, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân, mất an toàn cho các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng. Một số đoạn thuộc khu phố Tân Hòa, khu phố Tân Bình bị sạt lở mất cả chân đê, ngày đêm ăn sâu vào đất liền, làm mất đất vườn cây, nền nhà của người dân.

 Đầu tư công trình chống sạt lở tại cồn Tân Long.
Đầu tư công trình chống sạt lở tại cồn Tân Long.

Ông Trần Công Khanh (phường Tân Long) sinh sống tại cồn từ trước giải phóng cho đến nay cho biết, những năm qua, tình hình sạt lở tại đây diễn ra nghiêm trọng. Người dân không có khả năng gia cố, phải di dời nhà đi. Chính quyền không có kinh phí để đầu tư. Người dân rất băn khoăn, có một số đã dời đi nơi khác sinh sống do sạt lở. Gia đình ông Khanh cũng có 2 mảnh đất giáp sông Tiền, mỗi năm sạt lở ăn sâu vào từ 3 - 5 m.

Việc sạt lở cũng làm cho nhiều hộ kinh doanh du lịch tại cồn Tân Long không dám mạo hiểm đầu tư phát triển vì nguy cơ luôn rình rập. Chị Trần Thị Minh Phương (phường Tân Long) bày tỏ: “Ngày xưa, đất của gia đình kéo dài ra tới cầu tàu. Lúc đó, diện tích đất là 10.000 m2, nhưng hiện chỉ còn 8.800 m2. Hằng tháng, gia đình phải gia cố bằng đá, nhưng cũng chỉ tạm thời. Sạt lở cứ tiếp diễn nên gia đình không dám đầu tư mở rộng để làm du lịch”.

Theo thống kê, cồn Tân Long có bờ sông Tiền dài khoảng 5.000 m bao bọc, trong đó có đến khoảng 1.700 m bị sạt lở nghiêm trọng, chưa được đầu tư bờ kè. Phó Chủ tịch UBND phường Tân Long Văn Thị Thùy Dung cho biết, phường được TP. Mỹ Tho quy hoạch để phát triển du lịch. Tuy nhiên, tình hình sạt lở hiện nay gây khó khăn cho người dân xây dựng các bến bãi để phục vụ phát triển du lịch. Cồn còn 1,7 km chưa được kè chống sạt lở, phường kiến nghị cấp trên có hướng xem xét, giải quyết cho địa phương sớm triển khai công trình để người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.