Thứ Bảy, 27/05/2023, 10:08 (GMT+7)
.
Cát xây dựng và câu chuyện phát triển bền vững đất "chín rồng"

BÀI CUỐI: Đảm bảo cân bằng trong phát triển

BÀI 2: Hệ lụy từ khai thác cát trái phép

BÀI 1: Khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp

Tiền Giang cũng như các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang triển khai nhiều công trình trọng điểm, đặc biệt là các dự án cao tốc, nên nhu cầu sử dụng cát xây dựng, san lấp tăng cao. Do đó, việc nghiên cứu vật liệu thay thế cát cần được khẩn trương xúc tiến.

KHAN HIẾM CÁT

Việc nguồn cung cát khan hiếm dẫn đến nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong triển khai xây dựng; trong đó, chi phí đầu tư tăng là một trong những yếu tố gây thêm khó khăn cho các DN. Theo đại diện DN tư nhân T.Q. (huyện Châu Thành), giá cát hiện nay tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/m3.

Thậm chí, nhiều bãi vật liệu xây dựng tại huyện Châu Thành và TP. Mỹ Tho tăng giá cát từ 30.000 - 40.000 đồng/m3. Tình trạng thiếu cát hiện nay chủ yếu là cát san lấp vì các mỏ khai thác gần với Tiền Giang đã ngưng cấp cát ra bên ngoài. Hiện các sà lan phải lấy cát ở các mỏ cát tại An Giang… nên việc đội giá không tránh khỏi.

Phát triển vật liệu thay thế cát để phục vụ việc đầu tư hạ tầng cần được đẩy nhanh.
Phát triển vật liệu thay thế cát để phục vụ việc đầu tư hạ tầng cần được đẩy nhanh.

Còn theo một DN kinh doanh vật liệu xây dựng tại TP. Mỹ Tho, hiện nguồn cung cát trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nguồn cung cát có phần bớt khó khăn hơn sau khi cát được nhập khẩu từ Campuchia về Việt Nam. Dù giá có cao hơn cát trong nước, nhưng chất lượng đảm bảo hơn, điều này các DN chấp nhận được.

“Hiện nguồn cát xây dựng ở ĐBSCL gần như không còn, nếu còn thì cũng bị lẫn tạp chất nhiều. Hiện cát to nhập từ Campuchia về DN bán với giá 400.000 đồng/m3; còn giá cát xây dựng ở khu vực ĐBSCL nằm ở mức khoảng 300.000 đồng/m3, nhưng chất lượng không đảm bảo; riêng giá cát san lấp là 220.000 đồng/m3” - đại diện DN này cho biết thêm.

Có thể thấy, tình trạng thiếu hụt cát không chỉ xảy ra tại Tiền Giang, mà đó là thực trạng chung ở các tỉnh ĐBSCL, do nguồn cung phụ thuộc nhiều vào vùng cung cấp.

Đại diện Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng T.T. cho biết, nguồn cung cát san lấp thiếu trầm trọng và cơn sốt giá cát cao thời gian qua khiến cho nhiều chủ thầu xây dựng gặp khó khăn, nhiều dự án xây dựng đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.

Do vậy, muốn đảm bảo nguồn cung cấp cát xây dựng cho các dự án, cần các giải pháp hỗ trợ cấp thiết, cũng như nhanh chóng khảo sát và đưa các mỏ cát đáp ứng yêu cầu vào khai thác, sử dụng.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Tiền Giang Võ Văn Tươi, theo quy hoạch của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 trước đây đã được HĐND tỉnh thông qua, trên địa bàn tỉnh có 35 mỏ cát với khoảng 40,7 triệu m3.

Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh đã dừng việc khai thác các mỏ cát. Do thời gian ngừng khai thác cát khá dài nên để đánh giá trữ lượng cát, cần phải xây dựng đề án thăm dò cũng như tác động môi trường.

Từ đó, Sở mới có cơ sở đề xuất UBND tỉnh cho khai thác cát lại ở một số khu vực đảm bảo điều kiện để thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh, cũng như các công trình quốc gia. “Đặc thù trên địa bàn tỉnh, cát bùn là chính.

Hiện Sở TN&MT đang xây dựng đề án và lấy ý kiến các sở, ngành, cơ quan chức năng về quản lý, khai thác cát trong thời gian tới. Khi UBND tỉnh thông qua, đề án sẽ được công khai, các đơn vị chức năng sẽ tiến hành khảo sát trữ lượng để cho tiến hành khai thác cát đảm bảo theo quy định” - đồng chí Võ Văn Tươi thông tin thêm.

CẦN VẬT LIỆU THAY THẾ

Trước nhu cầu xây dựng tại khu vực ĐBSCL tăng cao, đặc biệt là các công trình giao thông trong điều kiện nguồn cát khan hiếm, việc sử dụng cát biển đang được các ngành và chuyên gia tính toán.

Nêu ý kiến về việc sử dụng cát biển để làm đường, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, sử dụng cát biển làm đường sẽ gây ra nhiều hệ lụy vì cát biển là cát mịn và bùn nên làm nền đường rất yếu, lún.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về ĐBSCL cho rằng: “Việc xây dựng đường, nhà cửa không thể dừng được; bởi chúng ta biết “điểm nghẽn”, “nút thắt” của sự phát triển ĐBSCL là hệ thống đường sá. Chúng ta biết rằng không có khái niệm cát biển; cát từ sông mang ra, chứ biển không tạo ra. Như vậy, chúng ta đã lâm vào thế khó. Bây giờ nếu chúng ta lấy cát ngoài biển, lấy cát sông thì cái giá phải trả rất đắt. Đây là bài toán cần phải cân nhắc. Chúng ta không thể dừng câu chuyện xây dựng được, nhưng mà làm thì cái giá rất đắt”.

Ngoài ra, việc sử dụng cát biển làm đường sẽ ảnh hưởng đến canh tác của người dân hoặc làm nhiễm mặn ở tầng nước ngầm.

Bên cạnh đó, khi khai thác cát biển sẽ tạo ra những hố xoáy, gây sạt lở vùng ven biển và tác động rất lớn đến môi trường sinh thái.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn phân tích, khi chưa có nguồn thay thế, chúng ta có thể hạn chế dùng cát bằng các giải pháp kỹ thuật như đổ trụ rồi xây đường trên cao để hạn chế hoạt động san lấp nền.

Còn theo ông Hà Huy Anh, Quản lý Dự án Cát bền vững thuộc Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), hiện chúng ta đã tiêu âm vào ngân hàng cát rất nhiều, mỗi năm ít nhất khoảng 26,5 triệu tấn. Điều này gây ra rất nhiều hệ quả nghiêm trọng như: Sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển…

Đứng trước những thách thức đó, WWF Việt Nam đã phối hợp với các đối tác liên quan xây dựng 2 nghiên cứu rất quan trọng. Thứ nhất là xây dựng ngân hàng cát tại ĐBSCL.

Theo đó, đơn vị sẽ tính toán được lượng cát về ĐBSCL bao nhiêu, lượng cát khai thác bao nhiêu và lượng cát đổ ra biển bao nhiêu. Từ đó, đơn vị sẽ tính toán lượng cát cho toàn ĐBSCL và từng tỉnh là bao nhiêu. Sau đó, đơn vị cung cấp một con số đáng tin cậy để các tỉnh xem xét kế hoạch khai thác cát cho từng năm phù hợp với con số tính toán.

Cũng theo ông Hà Huy Anh, để phát triển kinh tế - xã hội, cần sử dụng cát để đầu tư xây dựng các công trình đường quan trọng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Do đó, trong thời gian tới, chúng ta cũng cần phải sử dụng đến cát sông. Vấn đề đặt ra hiện nay là Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần thúc đẩy nghiên cứu và phát triển vật liệu thay thế.

Ở ĐBSCL, hiện vật liệu thay thế cát rất hạn chế, vì phần lớn ĐBSCL chỉ cao hơn mực nước biển 2 m và trữ lượng đá rất ít. “Chúng ta có những tiềm năng về tro từ bã mía, tro từ trấu xay xát. Chúng ta có thể nghiên cứu tiềm năng này để đóng góp từ 30% - 70% cho các vật liệu trộn vào bê tông, từ đó giảm lượng cát sử dụng trong xây dựng.

Để phát triển vật liệu thay thế và hình thành những công trình xanh, Chính phủ cần có những ưu đãi rõ ràng, đáng kể cho các nhà đầu tư, nghiên cứu. Ví dụ như, chúng ta cần có những quy định cởi mở hơn cho những vật liệu mới; bởi chúng ta không thể có sẵn các định mức cho vật liệu mới. Ngoài ra, cần có những quy định trong đầu tư công về việc ưu tiên sử dụng vật liệu mới” - ông Hà Huy Anh đề xuất.

H. LONG - A. THƯ
 

.
.
.