Thứ Ba, 09/05/2023, 07:06 (GMT+7)
.
ĐỂ NÔNG DÂN KHÔNG QUAY LƯNG VỚI CÂY LÚA

BÀI 1: Khi nông dân không còn mặn mà với cây lúa

Hiệu quả kinh tế từ cây lúa thấp hơn nhiều loại cây trồng khác là chuyện khó có thể bàn cãi. Tuy nhiên, những năm gần đây, áp lực càng đè nặng nông dân trồng lúa khi chi phí đầu vào tăng cao khiến cho người trồng thường đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Để nông dân tiếp tục gắn bó và nâng cao thu nhập từ cây lúa đang là “bài toán” cân não đối với ngành Nông nghiệp.

Chi phí đầu vào tăng cao, thiếu lao động, đầu ra không ổn định… là những khó khăn mà người trồng lúa đang phải đối mặt. Nhiều nông dân không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của cây ăn trái nên quyết định bỏ cây lúa.

Những năm gần đây, chi phí đầu vào là một trong những “bài toán” đau đầu với nông dân. Thời điểm giá phân bón tăng cao kỷ lục, có trường hợp nông dân phải bỏ trống đất lúa do sợ thua lỗ.

LÀM LÚA CHỈ ĐỦ ĂN

Là một nông dân kỳ cựu ở vùng đất Gò Công, ông Năm Ru (xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) đã chứng kiến sự phát triển của cây lúa từ 1 vụ/năm đến 3 vụ/năm như hiện nay. Theo ông Ru, dù cây lúa có bước phát triển vượt bậc ở vùng đất này, giúp người dân cải thiện đời sống, nhưng giá lúa vẫn ở mức thấp. Ông Ru tâm sự: “Nhiều năm qua, giá lúa hầu như vẫn “giậm chân tại chỗ”. Vụ nào giá nhích lên thì vụ đó nông dân mừng. Giá lúa không tăng, nhưng chi phí đầu vào, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại tăng cao. Vụ đông xuân vừa qua, nhờ giá lúa tăng, cộng thêm năng suất vụ này cao nên nông dân có lời. Còn nếu giá lúa như vụ rồi, nông dân lời ít lắm, ruộng nào năng suất không cao thì bị thua lỗ”.

Thu nhập của người trồng lúa thấp hơn  so với canh tác các loại cây trồng khác.
Thu nhập của người trồng lúa thấp hơn so với canh tác các loại cây trồng khác.

Từ khoảng năm 1980, gia đình ông Nguyễn Văn Nghiệp (ấp Mỹ Thạnh, xã Phước Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) đã gắn bó với cây lúa trên vùng Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, thời điểm đó, do mới khai hoang nên cây lúa phát triển rất khó khăn. Từ khoảng năm 2000, cây lúa mới phát triển tốt trên vùng đất này và cho năng suất cao. Theo ông Nghiệp, gia đình ông trồng được 4 công lúa (mỗi công 1.000 m2), chủ yếu lấy công làm lời. Với 4 công lúa này, gia đình ông chỉ đủ sống, không thể khá lên được. Ông Nghiệp bày tỏ: “Vụ đông xuân vừa qua, khi lúa vừa đỏ đuôi, thương lái đến đặt cọc với giá 7.000 đồng/kg (giống OM18). Tuy nhiên, đến gần ngày thu hoạch, thương lái báo giá lúa giảm 200 đồng/kg. Vụ đông xuân, mỗi công đất trồng lúa, gia đình tôi lời khoảng 2,5 triệu đồng. Mấy vụ còn lại, gia đình tôi chỉ lời hơn 1 triệu đồng/công, chưa tính công nhà. Nếu làm không khéo thì huề vốn”.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất lúa theo chuỗi liên kết, tiêu thụ hiệu quả. Tuy diện tích sản xuất lúa của toàn tỉnh hiện vào khoảng 48.000 ha, nhưng số diện tích tham gia chuỗi liên kết vẫn còn khá khiêm tốt. Những diện tích nằm ngoài liên kết, nông dân duy trì sản xuất theo kiểu truyền thống dẫn đến chi phí đầu vào tăng, điều quan trọng là giá cả đầu ra rất bấp bênh, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người trồng lúa.

Từ nhiều đời nay, gia đình bà Nguyễn Thị Đẹp (xã Mỹ Hạnh Trung, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đều gắn bó với cây lúa. Gia đình bà có 1,4 ha đất trồng lúa, mỗi năm trồng 3 vụ lúa lãi gần 100 triệu đồng, chưa tính công nhà. Bà Đẹp chia sẻ: “Nhờ có nhiều ruộng, gia đình mới có lời chút ít, còn những gia đình nào ít ruộng khó có lời. Thu nhập từ trồng lúa thấp hơn các loại cây trồng khác nhiều, nhưng bây giờ tôi lớn tuổi rồi, không lên liếp trồng cây ăn trái nổi”.

KHI NÔNG DÂN BỎ LÚA

Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng thu nhập từ trồng lúa không được bao nhiêu nên nhiều nông dân đã quyết định bỏ cây lúa. Thực tế cho thấy, thời gian qua, phong trào chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn trái và cây trồng khác phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ “bài toán” kinh tế.

Chi phí đầu vào tăng khiến nông dân trồng lúa càng khó khăn.
Chi phí đầu vào tăng khiến nông dân trồng lúa càng khó khăn.

Gắn bó với cây lúa từ nhiều đời nay, nhưng sau đợt hạn, mặn lịch sử năm 2019 - 2020, gia đình ông Trương Minh Thuần (ấp Giồng Lãnh 2, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông) đã quyết định chuyển 1 ha đất lúa sang trồng thanh long ruột đỏ. Sau khi thu hoạch lứa trái đầu tiên cho lợi nhuận khá, ông Thuần quyết định chuyển tiếp 5 công đất lúa sang trồng thanh long. Hiện gia đình ông chỉ còn 4 công đất trồng lúa. Theo ông Thuần, nhiều năm qua, gia đình ông gắn bó với cây lúa mà không thể khá lên nên mới quyết định chuyển một phần sang trồng thanh long. “Giá lúa mấy năm nay có tăng nhưng không nhiều, không thể bù lại chi phí đầu vào tăng cao. So về hiệu quả kinh tế, 1 ha thanh long của gia đình tôi đã chuyển đổi cho thu nhập cao hơn 4 - 5 lần so với trồng lúa. Dù giá thanh long đôi khi lên xuống thất thường, nhưng thu nhập cũng cao hơn trồng lúa” - ông Thuần cho biết.

hu nhập từ 4 công lúa, gia đình ông Nghiệp  chỉ đủ ăn.
Thu nhập từ 4 công lúa, gia đình ông Nghiệp chỉ đủ ăn.

Xuôi về các huyện, thị phía Tây của tỉnh Tiền Giang, tình trạng chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn trái càng phát triển mạnh. Người dân không còn mặn mà gắn bó với cây lúa khi hiệu quả kinh tế từ cây ăn trái đang rất hấp dẫn. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau gần 2 năm triển khai Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc Quốc lộ 1, tỉnh Tiền Giang”, diện tích cây trồng được chuyển đổi (chủ yếu chuyển trên đất trồng lúa) là 2.926 ha. Điều này cho thấy thực trạng diện tích đất lúa trên địa bàn tỉnh đang giảm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Là (xã Phước Lập, huyện Tân Phước) có 1,4 ha sản xuất lúa tại huyện Tân Phước và TX. Cai Lậy. Gia đình ông gắn bó với cây lúa từ trước năm 1975 đến nay. Ngoài trồng lúa, ông Là còn chăn nuôi để tạo thêm thu nhập cho gia đình, do trồng lúa cho thu nhập không cao. Trung bình mỗi vụ, 1,4 ha lúa cho lợi nhuận khoảng hơn 20 triệu đồng. “Vừa qua, gia đình tôi chuyển hơn 2 công đất lúa sang trồng mít Thái. Tuy nhiên, mùa nước nổi vừa qua, do không đảm bảo ngăn lũ nên nước ngập làm mít Thái bị chết. Ở khu vực này cũng như các xã lân cận hiện người dân trồng rất nhiều sầu riêng. Tôi cũng muốn trồng sầu riêng lắm, nhưng để xem cây thích ứng như thế nào mới tính chuyển đổi. Bây giờ  trồng lúa mà xung quanh người ta lên liếp trồng cây ăn trái thì chuột cũng phá hết” - ông Là chia sẻ.

T. ĐẠT

(còn tiếp)

 

.
.
.