Kết nối giao thương doanh nghiệp Tiền Giang - Trung Quốc
Chương trình kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp sản phẩm nông, thủy sản có thế mạnh xuất khẩu của Tiền Giang với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là cơ hội để các doanh nghiệp 2 bên được gặp gỡ, trao đổi, gắn kết hợp tác; đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp của phía châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) được trực tiếp khảo sát và đánh giá đúng tiềm năng, quy mô sản xuất nông, thủy sản của Tiền Giang.
ĐẨY MẠNH KẾT NỐI GIAO THƯƠNG
Sở Công thương tỉnh Tiền Giang vừa chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Sở Công thương tỉnh Lào Cai và Cục Thương mại châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Theo đó, Đoàn công tác của Sở Công thương Lào Cai và Cục Thương mại châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã đi khảo sát vùng nuôi cá tra, cá ba sa tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè; vùng trồng mít tại xã Thiện Trung, huyện Cái Bè; vùng trồng sầu riêng tại khu vực các xã Tam Bình, Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy.
Chương trình kết nối giao thương là cơ hội để các doanh nghiệp 2 bên được gặp gỡ, trao đổi, gắn kết hợp tác. |
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai Nguyễn Huy Tưởng cho biết, qua khảo sát thực tế, Đoàn nhận thấy các loại nông, thủy sản của Tiền Giang có lợi thế rất lớn, nhiều doanh nghiệp đã có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ, Trung Quốc; mong rằng các doanh nghiệp Tiền Giang quan tâm hơn thị trường của tỉnh Vân Nam và kết nối các hợp đồng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu. Sở Công thương tỉnh Lào Cai và Sở Thương mại Vân Nam sẽ có những hoạt động xúc tiến thương mại hằng năm.
“Trong chuyến công tác này, Sở Công thương Lào Cai có mời Hiệp hội Doanh nghiệp Lào Cai, trong đó có nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu có cơ sở hạ tầng logistics tại cửa khẩu. Đây là những đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp trong miền Nam có kết nối hạ tầng, dịch vụ, xuất nhập khẩu tốt sang thị trường Trung Quốc. Chương trình kết nối này là một trong những cơ hội để doanh nghiệp được gặp gỡ trao đổi và phát triển hơn trong thời gian tới” - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai Nguyễn Huy Tưởng cho biết thêm.
Ông Chu Húc Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển quốc tế Nông Khẩn Vân Nam cho biết, hoạt động kết nối lần này rất bổ ích, Đoàn được đi thực tế khảo sát cách nuôi trồng các loại nông, thủy sản xuất khẩu của Tiền Giang. Mong rằng qua chuyến đi này, 2 bên sẽ đẩy mạnh việc xúc tiến xuất nhập khẩu nông sản, trái cây và thủy sản qua cửa khẩu Vân Nam.
Về hoạt động thương mại, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết, năm 2023 ngành Công thương sẽ tập trung vào 2 mảng là thị trường trong nước và cả ngoài nước. Trong đó, thị trường trong nước, Sở Công thương sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, tuần lễ giới thiệu các sản phẩm đặc trưng và các sản phẩm OCOP tại TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ngành Công thương Tiền Giang cũng sẽ tham gia các sự kiện thương mại do Bộ Công thương, các tỉnh, thành trọng điểm phát triển trong nước tổ chức.
Đối với thị trường nước ngoài, Trung Quốc là thị trường quan trọng, lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này chiếm tỷ trọng lớn. Sở Công thương sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác Trung Quốc và tham gia vào các hội chợ, thương mại tại Trung Quốc để giới thiệu các sản phẩm nông, thủy sản của Tiền Giang, đặc biệt là sản phẩm trái cây.
“Những tháng đầu năm 2023, việc xuất khẩu sầu riêng và các sản phẩm trái cây của Việt Nam, đặc biệt là Tiền Giang, có giá cao, điều đó giúp cải thiện thu nhập người dân, giúp ích cho người dân đầu tư phát triển vùng trồng sầu riêng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang phối hợp với ngành Nông nghiệp để việc mở rộng diện tích sao cho phù hợp, không xảy ra tình trạng cung vượt cầu như đã từng xảy ra trước đây” - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết.
ĐÁP ỨNG TIÊU CHUẨN CỦA NHÀ NHẬP KHẨU
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi nhận định, trước đây, thị trường Trung Quốc là một trong những thị trường dễ tính. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi thu nhập người dân Trung Quốc tăng cao, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu áp dụng một số tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng cận kề với những nước phát triển. Chính vì thế, ngành Công thương Tiền Giang đã phối hợp với ngành Nông nghiệp hướng dẫn nông dân chuyển mô hình sản xuất sang mô hình sạch, đáp ứng tiêu chuẩn nhà nhập khẩu; đồng thời, thường xuyên nắm bắt thông tin từ Bộ Công thương, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc để biết rõ yêu cầu của các nhà nhập khẩu nhằm hướng dẫn nông dân thay đổi mô hình sản xuất, hướng tới sản xuất sạch để đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu, tránh tình trạng hàng hóa bị các nhà nhập khẩu từ chối, với lý do không đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho rằng, Trung Quốc hiện đang kiểm soát chặt chẽ về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc như yêu cầu xuất khẩu trái cây phải có mã vùng trồng, mã cơ sở chế biến đóng gói… để kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Qua thời gian hợp tác xuất nhập khẩu với Trung Quốc, các doanh nghiệp trong tỉnh từ xuất khẩu chính ngạch đến tiểu ngạch đã ý thức được tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường lớn này và dần tiếp cận các quy định mới về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Sở Công thương cũng thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn khác để chuyển đến doanh nghiệp nhằm tuân thủ theo quy định xuất khẩu.
L.OANH